Bất động sản | Thứ hai, 18/10/2021 | 08:02 GMT+7
0 |

Ngổn ngang bài toán 'đất vàng' trong cuộc đại di dời trụ sở các bộ, ngành

...

..............................

Những diễn biến gần đây, đặc biệt là kết quả của cuộc thi “Ý tưởng quy hoạch, kiến trúc tổng thể Khu trụ sở làm việc các bộ, ngành Trung ương tại khu vực Tây Hồ Tây”, cho thấy chắc chắn sẽ có một cuộc dịch chuyển trong tương lai. Tuy nhiên, nếu không có sự quyết liệt từ Chính phủ, cuộc di dời lịch sử mang nhiều sự kỳ vọng này nhiều khả năng vẫn sẽ tiếp tục ì ạch.

Ông Nguyễn Tiến Thành, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành, Bộ Xây dựng, trong một diễn đàn mới đây chia sẻ, chủ trương di dời các bộ ngành đã bắt đầu từ năm 2012, đến nay đã trải qua hai lần điều chỉnh nhiệm vụ quy hoạch. Đây là vấn đề “nóng”, được cả Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đặc biệt quan tâm.

“Cuộc thi “Ý tưởng quy hoạch, kiến trúc tổng thể Khu trụ sở làm việc các bộ, ngành Trung ương tại khu vực Tây Hồ Tây” sẽ là mảnh ghép quan trọng cho việc điều chỉnh, đồng thời giải đáp nhiều bài toán về quy hoạch kiến trúc TP. Hà Nội. Đây là câu chuyện từ nay đến năm 2030, chứ không phải ngày một ngày hai”, ông Thành nhấn mạnh.

Như vậy, con số 2030 mà vị đại diện Bộ Xây dựng nhắc đến cho thấy sau gần 10 năm ì ạch, cuộc đại di dời mang lại nhiều kỳ vọng cho quốc kế dân sinh nhiều khả năng sẽ kéo dài lên con số hai thập kỷ. Một cuộc “trường chinh” theo đúng nghĩa đen. 

Theo tìm hiểu của Vnbusiness, chủ trương di dời trụ sở các bộ, ngành, cơ quan trung ương ra khỏi nội đô Hà Nội đã được thông qua tại Nghị quyết số 16/2008/NĐ-CP của Chính phủ. Đến tháng 1/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 130/QĐ-TTg về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan đơn vị trong nội thành Hà Nội.

Rõ ràng, Chính phủ đã có nhiều hành động thúc giục quá trình di dời, tuy nhiên cho đến thời gian gần đây, việc thi tuyển thiết kế “Ý tưởng quy hoạch, kiến trúc tổng thể” của khu vực này mới nhúc nhích chuyển động. Và cũng chỉ gần đây, sau khi cuộc thi kết thúc, Bộ Xây dựng mới quyết định chọn 5 ý tưởng quy hoạch trụ sở làm việc của 12 bộ, ngành tại Tây Hồ Tây, Hà Nội để trình Chính phủ.

Sở dĩ có sự chậm trễ này, theo Bộ Xây dựng, là do công tác di dời và xây dựng cơ sở mới đòi hỏi nhu cầu vốn ngân sách rất lớn nhưng chưa được bố trí, chưa có phương án huy động nguồn lực xây dựng, các quy hoạch ngành cũng chưa hoàn thành nên chưa có cơ sở xây dựng danh mục, lộ trình, biện pháp di dời...

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia phân tích, lý do chính đến từ việc nhiều bộ ngành không thực sự mặn mà với việc dời đi. Đơn cử như Bộ Công Thương đã từng có văn bản đề nghị tiếp tục được sử dụng các trụ sở hiện có đến năm 2030, nếu không “bắt buộc phải di chuyển”.

Mặt khác, Theo Luật Đất đai, trụ sở bộ, ngành, cơ sở công nghiệp, trường đại học… được giao đất có thời hạn, trong thời hạn được giao đất thì họ có toàn quyền sử dụng, khai thác. Căn cứ theo luật, một số đơn vị dù được bố trí quỹ đất xây dựng trụ sở mới nhưng vẫn giữ trụ sở cũ vì còn thời hạn.

Thống kê cho thấy, đến nay đã có khoảng 9 bộ, ngành, cơ quan T.Ư hoàn thành việc đầu tư xây dựng và chuyển về làm việc tại trụ sở mới, song chỉ có Bộ Nội vụ đã bàn giao lại trụ sở cũ cho cơ quan có thẩm quyền quản lý.

Tạm bỏ qua những “điểm nghẽn” đến từ các bộ, ngành, một nguyên nhân khác khiến cuộc đại di dời diễn ra chậm đến từ vấn đề tài chính. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng từng chia sẻ, quy hoạch di dời trụ sở các bộ ngành đã có, nhưng về nguồn lực thực hiện phải cân đối vì ngân sách không để dành làm việc này.

Vì vậy, Chính phủ chủ trương xã hội hóa nhưng ở mức độ nào cho hợp lý và việc chuyển quyền sử dụng đất phải tính toán phù hợp. Đây cũng là quan điểm của nhiều chuyên gia đầu ngành về vấn đề vận động nguồn vốn xã hội hóa.

Trao đổi với Vnbusiness, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế nhấn mạnh, để tìm ra phương án xã hội hóa hợp lý, cần quay về điểm khởi đầu với câu hỏi có thực sự cần thiết xây dựng trụ sở mới hay không. Nếu thực sự cần thì tiếp tục xem xét cách thức vận động nguồn vốn, quy hoạch ra sao.

“Hầu hết các trụ sở cũ đều nằm trên các khu “đất vàng”, vì vậy việc xã hội hóa hay hóa giá để xây dựng trụ sở mới sẽ đem lại nguồn tài chính không nhỏ, song cần phải tính toán một cách rất cẩn trọng, cụ thể trên nguyên tắc công khai, minh bạch, vì nó liên quan đến vấn đề lợi ích nhóm, vấn đề hình thành sử dụng các diện tích đất nội đô theo quy hoạch”, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.

Cũng theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, bên cạnh tránh để “đất vàng” rơi vào tay nhóm lợi ích, việc cẩn trọng khi xã hội hóa còn hướng tới mục tiêu sử dụng đúng đắn, hài hòa. Bởi, khi hóa giá, bán lại diện tích cũ cho tư nhân, họ sẽ làm theo cách của họ, rất có thể không theo quy hoạch.

Phân tích của nhiều chuyên gia đầu ngành cũng chỉ ra một điểm chung đánh giá phương án xử lý “đất vàng” hậu di dời là mấu chốt của việc đẩy nhanh tiến độ di chuyển trụ sở các bộ, ngành.

PGS.TS Lê Quân, Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội nhận định, có nhiều trụ sở làm việc cũ của các bộ, ngành đang hiện diện trên những công trình có kiến trúc Pháp cổ, nằm giữa trung tâm Hà Nội, có giá trị lớn không chỉ về kinh tế mà cả về yếu tố lịch sử và văn hóa.

Sau khi di chuyển, các địa điểm này có thể đấu giá một phần hoặc từng phần để khai thác thương mại, tuy nhiên, cần phải đặc biệt quan tâm đến vấn đề bảo tồn di sản kiến trúc, tránh phá vỡ quy hoạch đô thị. Ưu tiên hàng đầu là mở rộng không gian công cộng của thành phố.

“Cần chú trọng sử dụng “đất vàng” đúng mục đích, chủ trương mở rộng không gian công cộng của thành phố, phục vụ an sinh, xã hội, tránh để việc sử dụng đất hậu di dời trụ sở giống câu chuyện “dời 1 người đi lại đón 10 người về” có thể khiến nội đô vỡ trận vì bê tông hóa”, ông Lê Quân cảnh báo.

Không chỉ thu hút sự quan tâm của các bộ ngành, bất động sản ven vùng quy hoạch cũng đang vào tầm ngắm của nhiều môi giới và cả những nhà đầu tư F0.

Anh Vũ Mạnh Quyền, một môi giới giàu kinh nghiệm tại Hà Nội, tiết lộ giá nhà đất khu vực Tây Hồ Tây xưa nay vẫn là điểm khá nóng, với mặt bằng chung tương đối cao. Nay, thông tin về di dời các trụ sở bộ, ngành cũng có những tác động tới thị trường nhà, đất khu vực này.

Cụ thể, nhà mặt tiền khu vực này vẫn là loại hình có giá bán cao nhất với mức xấp xỉ 250 triệu/m2. Giá căn hộ dao động ở mức 38 – 40 triệu đồng/m2. Giá nhà trong hẻm, ngõ 120 – 130 triệu đồng/m2. Giá đất ở mức 135 – 140 triệu đồng/m2.

Ở các tuyến phố chính giáp với khu quy hoạch hiện tại cũng có mức giá khá cao. Đơn cử, giá nhà đất quanh khu vực đường Võ Chí Công (nằm ở phía Đông khu quy hoạch) đang dao động ở mức 100 – 175 triệu đồng/m2.

“Việc trụ sở các bộ, ngành chuyển về khu vực này sẽ biến vùng đất này thành trung tâm hành chính mới, với nhiều tiềm năng để đầu tư. Tuy nhiên, đây có thể chỉ là “cuộc chơi” dành cho các nhà đầu tư trường vốn, với tầm nhìn dài hạn, bởi mức giá hiện tại đã khá cao nên khó có thể tăng trong một sớm, một chiều”, anh Quyền nhấn mạnh.

Bài viết: Phạm Minh - Hưng Nguyên

Trình bày: Nhật Minh

 
Đăng nhập

Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay

Đăng ký
Qui định
Quy định về đăng ký tài khoản và nội dung "Ý kiến của bạn" trên Vnbusiness

Hình đại diện và tên đăng ký ko phản cảm, ko có các thông tin bao gồm: link web, số điện thoại, email hoặc tên riêng..mang tính quảng cáo, thương mại cho cá nhân, tổ chức hoặc mang nội dung gây hại cho các tổ chức, cá nhân khác.

Các hoạt động của User ko vi phạm pháp luật và các qui định của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam

Nội dung bình luận ko chia sẻ link, số điện thoại, email hoặc quảng cáo cho bất cứ cá nhân, tổ chức nào

Nội dung bình luận không vi phạm đạo đức, pháp luật, thuần phong mỹ tục Việt Nam

Nội dung bình luận không vu cáo, bôi nhọ, miệt thị, xuyên tạc, gây hại cho tổ chức, cá nhân

Nội dung bình luận không chửi bới, thô tục

Khi phạm qui, tài khoản sẽ bị khóa tạm thời.

Thông báo

Đăng ký thành công. Hãy kiểm tra email và kích hoạt tài khoản

Quên mật khẩu