Dự báo tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm gốc của các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ cao hơn trong năm nay đối với cả mảng bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ. |
Theo Bộ Tài chính tổng doanh thu phí bảo hiểm năm 2020 ước đạt 182.654 tỷ đồng (tăng 14%), trong đó các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) phi nhân thọ ước đạt 55.094 tỷ đồng, các DNBH nhân thọ ước đạt 127.560 tỷ đồng.
Theo thống kê của Thời báo Kinh doanh, từ 12 DNBH niêm yết trên sàn chứng khoán đều cho thấy, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp này đều tăng trưởng dương trong năm 2020.
Cụ thể, năm qua Tổng Công ty CP Bảo hiểm Bưu điện (PTI) là doanh nghiệp có mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất, lên tới 106% và mang về 233 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Tiếp theo là Tổng công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) với 87 tỷ đồng tăng thêm, tương ứng với mức tăng lên tới 41%. Kết thúc năm 2020, BIC báo lãi sau thuế 298 tỷ đồng. Tổng công ty CP Bảo hiểm quân đội (MIG) tăng 37%; Tập đoàn Bảo Việt (BVH) với mức tăng 28%; Bảo hiểm hàng không (ACI) tăng 25%; Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (ABI) và bảo hiểm Bảo Long (BLI) đều tăng trưởng 21%; Công ty bảo hiểm PVI tăng 18%.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận dưới 10% bao gồm:Tổng Công ty CP Bảo hiểm Petrolimex (PGI) và Tổng công ty CP Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (VNR) tăng 8%. Hay như trường hợp của Bảo hiểm Bảo Minh (BMI), mức tăng 7%, đạt 193 tỷ đồng lợi nhuận; Tổng Công ty CP Tái bảo hiểm PVI (PRE) tăng trưởng chỉ 4%, lợi nhuận cả năm đạt 146 tỷ đồng.
Thống kê tăng trưởng lợi nhuận của 12 doanh nghiệp bảo hiểm niêm yết tính đến hết năm 2020. |
Đánh giá về triển vọng năm 2021 của các doanh nghiệp bảo hiểm, các chuyên gia nhận định, năm 2021, dịch Covid-19 sẽ tiếp tục tạo ra nhiều tác động lên đời sống kinh tế - xã hội, cũng như ngành bảo hiểm. Cho dù đã có vắc-xin cho Covid-19 nhưng thử thách phía trước vẫn khó lường.
Tuy nhiên, những tiền đề từ năm 2020 sẽ được các DNBH tiếp tục phát huy, theo đó, các doanh nghiệp sẽ "tung" ra nhiều sản phẩm phù hợp trong bối cảnh hiện nay, mở rộng kênh phân phối, dịch vụ khách hàng và ứng dụng công nghệ số trong kinh doanh.
Theo đánh giá của các chuyên gia đến từ SSI Research, tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm gốc sẽ cao hơn vào năm 2021 đối với cả mảng bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ, với dự báo tăng lần lượt 22% và 10-12% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, nhóm phân tích không kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận sẽ tương đương tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm do các yếu tố hỗ trợ lợi nhuận trong năm 2020 như thị trường cổ phiếu sôi động và tỷ lệ bồi thường cải thiện có thể không lặp lại vào năm 2021.
Dù đánh giá thị trường bảo hiểm năm 2021 sẽ khởi sắc, nhưng các chuyên gia cho rằng, các DNBH sẽ đối diện với một số rủi ro, đó là môi trường lãi suất thấp kéo dài.
Theo đó, lãi suất thấp sẽ làm cho lợi nhuận đầu tư gặp khó khăn và làm giảm lợi nhuận của các công ty bảo hiểm vì phần lớn danh mục đầu tư của các công ty bảo hiểm là tiền gửi ngân hàng và trái phiếu Chính phủ.
Lãi suất bình quân năm 2021 ước tính thấp hơn mức trung bình năm 2020 từ 0,75 đến 0,85 điểm %. Do đó, tăng trưởng thu nhập tài chính sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào việc mở rộng tài sản quản lý (AUM).
Bên cạnh đó, xu hướng chi phí tái bảo hiểm tăng sẽ tiếp tục trong trung hạn khi các công ty tái bảo hiểm quốc tế tăng giá tái bảo hiểm. Hậu quả quan trọng của việc này là các công ty bảo hiểm có thể không thể duy trì các hợp đồng tái cố định và buộc phải chuyển sang các hợp đồng tái tạm thời, ảnh hưởng đến năng lực của bảo hiểm phi nhân thọ.
Huyền Anh