Thị trường bảo hiểm nhân thọ chưa hết khó khăn, vấn đề này được thể hiện qua báo cáo của Bộ Tài chính, tổng doanh thu phí bảo hiểm (gồm nhân thọ và phi nhân thọ) 9 tháng đầu năm 2024 đạt 165.500 tỷ đồng, giảm 0,41% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 58.540 tỷ đồng, tăng gần 12,8%, doanh thu bảo hiểm nhân thọ tiếp tục giảm 6,4% so với cùng kỳ, đạt 106.980 tỷ đồng.
Hiện, bảo hiểm liên kết đầu tư (sản phẩm bảo hiểm bán qua kênh ngân hàng) vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất, đóng góp hơn 68% doanh thu phí khai thác mới của ngành bảo hiểm nhân thọ. Song, so với cùng kỳ năm trước, doanh thu mới từ kênh này sụt trên 32%.
Trong bối cảnh doanh số giảm, đặc biệt là sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư không còn dễ bán như trước, các hãng đều siết lại khoản chi hoa hồng cho các đại lý. Mức hoa hồng trả cho đại lý trong năm đầu tiên với sản phẩm liên kết đầu tư chỉ còn 30%, giảm 10% so với trước.
Doanh thu bảo hiểm nhân thọ trong 9 tháng đầu năm giảm 6,4% so với cùng kỳ, đạt 106.980 tỷ đồng. |
Thực tế, thời gian qua, lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ đối diện với nhiều thay đổi. Sau các biện pháp của Bộ Tài chính, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, việc các ngân hàng bán bảo hiểm “bắt buộc” kèm khoản vay đã bị cấm triệt để.
Cụ thể, các ngân hàng bị cấm bán bảo hiểm liên kết đầu tư trước và sau giải ngân 60 ngày. Đồng thời, tư vấn viên phải ghi âm, ghi hình quá trình tư vấn. Các kỳ thi với sản phẩm liên kết đơn vị được tổ chức khắt khe, khiến tỷ lệ đỗ xuống thấp.
Lãnh đạo ngành bảo hiểm nhân thọ thừa nhận thị trường đã phát triển nhanh và cần thanh lọc để đi đúng hướng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho rằng cơ quan quản lý cần sớm ban hành quy định hướng dẫn về việc cấm bán bảo hiểm qua ngân hàng, khi đó sẽ góp phần thúc đẩy ngành bảo hiểm phát triển.
Theo các doanh nghiệp, vướng mắc lớn nhất là ở chỗ Luật đã có hiệu lực từ 1/7/2024, song đến nay vẫn chưa có cách hiểu thống nhất, cụ thể và chính xác về quy định này, trong khi cũng không có hướng dẫn cụ thể từ các cơ quan nhà nước. Vì vậy, nhiều câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ, chưa có câu trả lời rõ ràng như: Thế nào là “sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc”? Thế nào là “gắn” việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ? “Mọi hình thức” ở đây là gì, có bao gồm hoạt động tư vấn, giới thiệu sản phẩm bảo hiểm không?...
Tổng Giám đốc Bảo hiểm Agribank Nguyễn Hồng Phong thông tin, trước đây, 80% doanh thu đến từ hoạt động bán bảo hiểm qua Ngân hàng Agribank. Tuy nhiên, từ 1/7/2024, khi Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực, nhiều chi nhánh Agribank đã dừng việc bán sản phẩm bảo hiểm. Điều này gây tổn thất về doanh thu cho cả doanh nghiệp bảo hiểm, ngân hàng, phía khách hàng cũng không được bảo vệ; đồng thời ảnh hưởng đến nhu cầu chuyển giao rủi ro giữa ngân hàng sang công ty bảo hiểm.
Mặc dù ngày 11/10 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản gửi Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam về việc triển khai thực hiện khoản 5 Điều 15 Luật Các tổ chức tín dụng, song ông Phong cho rằng, để tạo sự thống nhất trong nhận thức cũng như hành động, Ngân hàng Nhà nước cần có thông tư để có tính pháp lý cao hơn.
Phó Tổng giám đốc BIC Đoàn Thị Thu Huyền cũng cho rằng, các công ty bảo hiểm đều muốn hợp tác với tổ chức tín dụng để bán chéo sản phẩm bảo hiểm theo luật. Khi đó, các công ty bảo hiểm đều phải chuẩn bị về hạ tầng, hệ thống tư vấn viên để bán hàng tại các điểm bán của ngân hàng.
Tuy nhiên, khoản 5 Điều 15 trong Luật Các tổ chức tín dụng đã quy định cứng nhưng lại không có văn bản hướng dẫn ở cấp nghị định, thông tư dẫn đến cách hiểu khác nhau. Luật cũng không phân định rõ bảo hiểm nhân thọ với phi nhân thọ, trong khi khâu bán hàng thì phân biệt rõ. Do vậy, cần thiết có văn bản mang tính chính thống để hướng dẫn quy định này, bà Huyền đề xuất.
Thanh Hoa