Ông Nguyễn Công Thanh giới thiệu hiện đang là Chủ tịch hiệp hội đúc của xã Mỹ Đồng. Được biết, xưởng sản xuất của ông Thanh trước đây là kho để nguyên liệu, nhưng hơn 2 tháng nay, xưởng này được cải tạo lại để nấu – cô nhôm. Xưởng có diện tích khoảng 250m2.
Dân nói: Tức ngực khó thở
Đại diện các hộ dân cho biết: Nguyên liệu chủ yếu của xưởng sản xuất nhà ông Thanh là chất thải phế liệu nhập từ Trung Quốc và chất liệu không rõ nguồn gốc. Để nấu được một mẻ hóa chất như vậy phải pha trộn rất nhiều nguyên liệu, chất phụ gia và hóa chất độc hại. Hầu như ban đêm, khi lò hoạt động, bằng mắt thường thấy ống khói thải ra khí thải có màu nâu thẫm đặc, có lúc màu trắng, vàng, người dân thấy buồn nôn, ho, kèm khó thở.
Chị N.T.H bức xúc cho biết: "Xưởng này hoạt động cả ngày lẫn đêm, nhiều hôm chúng tôi bức xúc quá đã đến xưởng yêu cầu dừng sản xuất nhưng ông Thanh không có mặt ở xưởng, công nhân khóa trái cửa bên trong, không hợp tác với người dân, vẫn tiếp tục nấu nhôm. Vì không chịu được mùi khí thải bốc ra từ quá trình sản xuất, một số hộ dân đã phải di tản đến nơi khác để ngủ".
Cung cấp thông tin cho phóng viên vào chiều 10/8, đại diện các hộ dân mong muốn cơ quan chức năng sớm vào cuộc kiểm tra và yêu cầu ông Thanh đóng cửa sơ sở sản xuất trái phép, ô nhiễm này
![]() |
Xưởng cô - nấu nhôm của ông Thanh |
Ông Lê Văn Qúy – Phó chủ tịch xã Mỹ Đồng cho biết: Diện tích đất ông Nguyễn Công Thanh đang sử dụng, theo quy hoạch là đất trồng cây. Tuy nhiên hơn 10 năm nay, một số hộ dân, trong đó có ông Thanh đã tự ý dựng xưởng làm cơ sở sản xuất, kho chứa đồ.
Đến nay, UBND xã chưa nhận được đơn thư phản ánh chính thức từ người dân. Nhưng ngày 9/8, người dân tại khu 9 làng nghề Mỹ Đồng có đưa thông tin lên mạng xã hội phản ánh việc ô nhiễm tại xưởng nấu nhôm của ông Thanh. Từ thông tin trên mạng internet, chiều 9/8, đại diện UBND xã đã xuống kiểm tra. Tại thời điểm kiểm tra, ông Thanh đi vắng, UBND xã không lập được biên bản hiện trường nhưng đã gửi giấy mời đề nghị ông Thanh cùng người dân đến chiều ngày 13/8 có mặt tại UBND xã để làm việc, cung cấp hồ sơ liên quan đến xưởng sản xuất này.
Chủ xưởng: Tôi không làm gì sai!
Mặc dù là khu đất được quy hoạch để trồng cây, nhưng khi phóng viên đặt câu hỏi: "Anh được UBND xã cho thuê đất từ bao giờ, để làm gì?", ông Nguyễn Công Thanh tỏ ra tức tối và trả lời: "Các anh chị không có quyền hỏi tôi câu đó. Tôi sản xuất – kinh doanh phải có giấy phép. Diện tích đất tôi đang sử dụng được UBND xã cho thuê, ký hợp đồng 1 năm một (?). Khi nào xã cần lấy, tôi sẽ trả. Còn sản xuất thì không thể tránh khỏi ảnh hưởng tới môi trường, đây là thực trạng chung của tất cả các cơ sở sản xuất, các hộ tại làng nghề này. Làng nghề đúc truyền thống, chúng tôi có thể đúc nhiều thứ như gang, đồng, thép, nhôm... chứ không phải chỉ đúc mỗi kim loại đồng. Cả làng chỉ có mỗi cơ sở của tôi có hệ thống xử lý khí thải. Vì là xưởng gia công nguyên liệu cho đối tác nước ngoài nên phải bảo đảm các điều kiện về môi trường (?)".
![]() |
Theo ông Thanh, khi nấu lại những lô hàng vỏ ô tô lỗi sẽ có mùi |
Cũng theo lời ông Thanh: Cơ sở sản xuất của ông ký hợp đồng với một công ty chuyên sản xuất đồ chơi xuất khẩu đi nước ngoài. Xưởng nhận nguyên liệu nhôm rời từ phía đối tác rồi cô – nấu thành khối sau đó chuyển trả về nhà máy sản xuất đồ chơi để sản xuất ô tô trẻ em. Xưởng không sử dụng nguyên liệu bẩn, phế thải nhập từ Trung Quốc như người dân phản ánh.
Tuy nhiên, trong quá trình công nhân tại nhà máy đồ chơi sản xuất ô tô, có những sản phẩm bị lỗi (đã sơn tĩnh điện). Những sản phẩm lỗi được phía công ty chuyển về xưởng của ông Thanh để nấu lại. Sản phẩm đồ chơi lỗi khi nấu lại sẽ có mùi hóa chất khó chịu - mùi sơn, gây bức xúc trong khu dân cư.
Sáng ngày 12/8, phóng viên có mặt ở xưởng của ông Thanh. Tại xưởng, có 3 công nhân đang làm việc. Xưởng nấu – cô nhôm trước là kho chứa đồ, nay được cải tạo làm nơi sản xuất. Trong xưởng là một lò nấu cô nhôm thành từng thỏi to như viên gạch, phía sau là hệ thống ống hút và theo ông Thanh giới thiệu thì đó chính là hệ thống lọc khí thái trước khi đưa ra môi trường mà trong làng nghề đúc Mỹ Đồng chưa ai đầu tư được.
Nhưng qua quan sát, tuyệt nhiên không thấy các thiết bị và điều kiện về PCCC để bảo đảm an toàn về PCCN. Nhưng ông Thanh vẫn nói: “Tôi khẳng định tôi không làm gì sai. Tuy nhiên, tôi là Chủ tịch hội hiệp hội đúc của xã Mỹ Đồng. Qúa trình sản xuất của tôi để bà con trong khu bức xúc, tôi sẽ đóng cửa xưởng. Hợp đồng tôi ký với đối tác có giá trị 3 tháng, chỉ còn vài ngày nữa hết hợp đồng, tôi sẽ dừng hoạt động...”.
Xưởng sản xuất của ông Thanh có thực sự sai không? Từ việc được cho thuê đất, đến việc đưa nhôm phế thải vào cô đúc thành thỏi có giấy phép không? Có gây ô nhiễm môi trường như trong đơn của công dân phản ánh không? Công tác PCCN đã bảo đảm chưa? Câu trả nằm ở UBND huyện Thủy Nguyên, UBND TP Hải Phòng.
V.Trang - T. Vân