Rạng sáng 23/10, cơ quan cứu thương hạt Essex - Đông Bắc thủ đô London của Anh, nhận được cuộc gọi trình báo về một phát hiện ghê rợn bên trong thùng container trên chiếc xe đang đỗ ở khu công nghiệp Waterglade, thị trấn Grays. Khi các nhân viên y tế mở cửa thùng xe, họ phát hiện thi thể 38 người lớn và một thiếu niên, được cho là người nhập cư.
Thương xót những phận đời
Đại sứ quán Việt Nam tại Anh thông tin, ngày 1/11, cảnh sát hạt Essex thông báo có nạn nhân người Việt trong thảm kịch 39 người thiệt mạng trên xe tải.
Từ ngày 25/10, cơ quan chức năng xác nhận có 21 gia đình ở Nghệ An và 10 trường hợp khác tại Hà Tĩnh trình báo mất liên lạc với người thân khi họ qua Anh. Và hiện nay, đã có 3 trường hợp mất tích ở Nghệ An đã liên hệ về với gia đình.
Cơ quan chức năng đã tiến hành lấy mẫu ADN của người thân từ các gia đình có trình báo người thân mất tích để gửi sang Anh phục vụ công tác xác định danh tính các nạn nhân và công tác điều tra.
Sự kiện này được xem là thảm kịch nhân loại từ trước đến nay và là hồi chuông báo động về sự nguy hiểm khôn lường của việc đi lao động nước ngoài bất hợp pháp.
Huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) - nơi có xã Thiên Lộc còn được gọi là “Làng Hàn Quốc”. Bởi Thiên Lộc có số lao động xuất khẩu lớn, chủ yếu xuất cảnh sang các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, số ít sang các nước châu Âu.
Tiếp xúc với một số gia đình có người thân trong vụ 39 người thiệt mạng trong xe container ở Anh, ông Võ Nhân Quế - là cha đẻ cháu Võ Nhân Du, sinh năm 2000, chia sẻ: Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, làm ăn chật vật, không kiếm được công việc ổn định, nên con trai tôi muốn đi xuất khẩu lao động nước ngoài để kiếm tiền gửi về giúp gia đình. Nhiều lần đắn đo suy nghĩ mãi nên hay không cho cháu đi vì cháu còn quá nhỏ tuổi, chưa thể tự lập nơi xứ lạ. Nhưng vì cháu tha thiết muốn đi để thay đổi cuộc sống, nên tôi quyết định vay nợ người thân, bạn bè và ngân hàng để cho con thực hiện được ý tưởng đi ra nước ngoài làm việc.
“Ai ngờ con mới ra khỏi nhà được mấy ngày đã điện về cho cha mẹ với giọng nói yếu ớt: Cha mẹ ơi con thương cha mẹ lắm, giờ con khó thở quá, có lẽ con chết mất thôi cha mẹ ơi…”, ông Quế đau đớn kể.
Chiếc xe kéo container và thảm kịch của 39 người nhập cư trái phép |
Cạn nước mắt chờ con!
Rời nhà ông Quế, chúng tôi tới gia đình ông Phạm Văn Thìn, có con gái là Phạm Thị Trà My (26 tuổi) mất liên lạc ở Anh. Không khí ảm đạm, mịt mù, xen lẫn vào đó là những tiếng khóc khan như xé cào trong tim của bà Phong trước bàn thờ của con gái.
Khuôn mặt đau khổ, đầy nếp nhăn, biến sắc vì lo cho con gái, ông Thìn nói những lời tuyệt vọng: “Tôi sinh được 3 người con, 2 trai, 1 gái. Trà My là con gái thứ hai. Vì khó khăn mà cháu không theo con đường học hành, đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản. Sau 3 năm ở Nhật Bản trở về, cách đây vài tháng, My tiếp tục xin cha mẹ đi lao động ở Anh. Tôi nói thôi con ở nhà lo làm ăn rồi ai thương thì lấy chồng được rồi. Nhưng cháu nói bố mẹ còn nợ nần nhiều nên để cho con đi chuyến nữa kiếm tiền về cho bố mẹ trả nợ…”.
Nhưng từ khi nghe thời sự đưa tin về 39 nạn nhân chết ở Anh, cùng thời điểm mà đứa con gái gửi tin về cho mẹ với nội dung: “Con xin lỗi bố mẹ nhiều, con đường đi nước ngoài không thành. Con thương bố mẹ lắm, con chết vì không thở được”. Sau tin nhắn, người nhà không còn liên hệ được với My.
“Sau nhiều lần liên lạc, gia đình tôi cũng không còn hy vọng gì nữa. Chỉ mong chờ các tổ chức, cá nhân giúp đỡ, để gia đình sớm đưa được thi thể cháu về. Cháu đang nằm ở đất khách quê người lạnh lẽo lắm!”.
Anh Bình - Phan Tiến