Thế nhưng, nhiều địa phương vẫn chưa chú trọng phát triển mô hình này, do những bất cập về chính sách, thiếu vốn để đầu tư vào công nghệ xử lý chất thải…
Mang lại lợi ích kinh tế
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNN), thời gian qua, các công trình khí sinh học (KSH) đã được sử dụng rộng rãi như một giải pháp về môi trường đối với chăn nuôi. Tính đến hết năm 2016, trên cả nước có tổng số 467.231 công trình KSH đã được xây dựng. Chỉ riêng 3 tháng đầu năm 2017, có 286.000 công trình KSH được xây dựng trên toàn quốc.
Ông Hoàng Thanh Vân - Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết thời gian qua, việc áp dụng xử lý chất thải chăn nuôi bằng biogas được nhân rộng đã giảm thiểu được ô nhiễm môi trường.
Theo Viện chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp (Ipsard) - Bộ NN&PTNN, việc sản xuất điện bằng khí biogas sẽ góp phần giảm phát thải CO2 khoảng 9,5 tấn/năm.
Nếu sử dụng 10.000 bộ hệ thống KSH và máy phát điện, có thể giảm được 95.000 tấn khí thải CO2/năm. Việc này đóng góp đáng kể cho thực hiện chống biến đổi khí hậu của Việt Nam.
Bên cạnh đó, việc xử lý chất thải chăn nuôi còn còn mang lại nhiều lợi ích kinh tế trong việc tiết kiệm chi phí sản xuất và sinh hoạt cho các nông hộ và các trang trại chăn nuôi.
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Viện trưởng Ipsard, cho biết chất thải trong chăn nuôi được phân giải thành bùn sinh học làm phân bón cho cây trồng đã làm tăng năng suất so với mức thông thường sử dụng phân bón hóa học
Theo tính toán của Ipsard, bùn sinh học từ các hầm KSH được sử dụng trực tiếp hoặc ủ với các phụ phẩm nông nghiệp khác để làm phân bón hữu cơ cho cây ăn trái (thanh long, dừa, nhãn,…) giúp năng suất cây trồng đều tăng so với mức thông thường.
Các hộ gia đình sử dụng biogas tiết kiệm được thời gian, lao động và chi phí điện, ga, sinh khối và củi. Theo đó, giảm chi phí điện sinh hoạt khoảng 130.000 đồng/tháng; giảm tiền gas 400.000 - 450.000 đồng/tháng và giảm chi phí phân bón từ 500.000 - 700.000 đồng/ha/năm.
Trong khi đó, đầu tư ban đầu để xây hầm biogas cho 10 con lợn trong 4 năm khoảng 10 triệu đồng, với lãi suất hiện tại của ngân hàng Agribank là 8% thì thời gian hoàn vốn chưa đến 3 năm.
Ngoài ra, chất thải chăn nuôi còn được sử dụng KSH tạo ra điện và bùn thải hỗ trợ trong sản xuất và sinh hoạt.
![]() |
Sử dụng hầm khí biogas mỗi hộ chăn nuôi tiết kiệm khoảng 450.000 đồng/tháng
Đại diện Ipsard phân tích, với động cơ tiêu thụ khoảng 1m3 KSH để sản xuất ra 1kWh điện, động cơ diesel 5kW tiêu thụ 10 lít dầu trong 6 giờ. Tuy nhiên, nếu sử dụng biogas 6h/ngày để phát điện, hộ gia đình có thể tiết kiệm được 2 triệu đồng/tháng, hay 24 triệu đồng/năm. Từ đó, hộ gia đình có thể khấu hao đủ tiền đầu tư cho hệ thống KSH sau 2 tháng hoạt động.
“Nếu sử dụng 10.000 hệ thống công trình KSH kết hợp máy phát điện, mỗi năm, chúng ta có thể tiết kiệm được 240 tỷ đồng” vị này cho biết.
Vẫn còn hạn chế
Dẫu vậy, chất thải trong chăn nuôi đang được đổ trực tiếp ra môi trường vẫn còn cao, do tình hình chăn nuôi của nước ta ngày càng gia tăng. Trong khi đó, các chuyên gia ngành nông nghiệp cũng cho rằng việc sử dụng các công trình từ xử lý chất thải trong chăn nuôi vẫn còn bộc lộ một số hạn chế.
Ông Nguyễn Thế Hinh - Giám đốc Dự án Hỗ trợ nông nghiệp Các bon thấp (Lcasp), cho biết một số nghiên cứu cho thấy, mặc dù hầm KSH được vận hành đúng quy trình, nhưng nước thải sau biogas vẫn còn chứa các tác nhân gây bệnh, và hàm lượng BOD, COD còn cao, do hầm KSH không xử lý triệt để được.
Ông Hinh cảnh báo: “Vấn đề ô nhiễm nước thải sau biogas đang ở mức báo động. Các chỉ tiêu BOD5, COD, tổng số coliform, Ni tơ tổng số của nước thải sau biogas đều cao hơn tiêu chuẩn cột B (trong giá trị C) về nước thải chăn nuôi theo QCVN 62-MT:2016/BTNMT rất nhiều”.
Trên thực tế, những năm vừa qua, biện pháp KSH được người dân và các cấp chính quyền ưu tiên sử dụng, tuy nhiên thực tế phát sinh một số bất cập trong mô hình xử lý chất thải chăn nuôi.
Đó là, các trang trại quy mô lớn không có khả năng xử lý toàn bộ chất thải do hạn chế về diện tích, công nghệ xử lý và chi phí đầu tư cho xử lý chất thải; thiếu các ưu đãi để áp dụng quản lý chất thải chăn nuôi tiên tiến.
Dù việc xử lý chất thải chăn nuôi thành phân bón mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, nhưng nhu cầu đối với phân bón hữu cơ vẫn còn thấp, do sự tiện lợi của việc sử dụng phân bón vô cơ. Trong khi đó, các yếu tố khác như giá thành cao; xử lý, thu gom, bảo quản và vận chuyển phức tạp khiến nhiều hộ chăn nuôi không “hào hứng”.
Bên cạnh đó, số lượng nhà đầu tư tư nhân sẵn sàng đầu tư vào việc xử lý chất thải gia súc để sản xuất phân bón hữu cơ cho mục đích thương mại còn thấp. Cùng với đó, còn nhiều bất cập trong chính sách quản lý môi trường và sử dụng các phân hữu cơ từ xử lý chất thải chăn nuôi trong phạm vi của các doanh nghiệp nông nghiệp.
Thanh Hoa