Tính đến hết tháng 11/2015, cả nước đã có 1.298 xã (chiếm khoảng 14,5% tổng số xã) được công nhận đạt chuẩn NTM; số tiêu chí bình quân/xã là 13,56 tiêu chí (tăng 8,9 tiêu chí so với năm 2011).
Số xã khó khăn nhưng có nỗ lực vươn lên xuất phát điểm dưới 3 tiêu chí, nay đạt được 10 tiêu chí trở lên là 214 xã. Dự báo đến 31/12/2015, cả nước sẽ có khoảng 1.450 xã chiếm 16,8% tổng số xã đạt chuẩn NTM.
Cần rà soát, sửa đổi bổ sung một số tiêu chí cho phù hợp các vùng khó khăn
Thách thức lớn nhất
Trong số 1.298 xã đã đạt chuẩn NTM, có cả những xã khi xuất phát điểm xây dựng NTM chỉ đạt từ 4 - 5 tiêu chí. Hiện nay, cả nước có 2.535 xã khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu với số tiêu chí bình quân đạt khoảng 5,94 tiêu chí/xã (bình quân cả nước là 13,56 tiêu chí/xã), trong đó số xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí là 1.374 xã (chiếm 54,01% tổng số xã khó khăn); số xã đạt dưới 5 tiêu chí là 552 xã (chiếm 30,11% tổng số xã khó khăn).
Thu nhập bình quân đầu người của các xã khó khăn là 14,07 triệu đồng/người/năm (cả nước là 24,6 triệu đồng/người/năm). Tỷ lệ hộ nghèo bình quân ở các xã khó khăn là 18,56% (cả nước là 4,5%). Theo ông Tiến, đây là một thách thức lớn trong quá trình triển khai xây dựng NTM ở những địa phương này.
Trong thành công chung, Chương trình MTQG xây dựng NTM còn chậm ở nhiều xã khó khăn. Theo ông Phương Đình Anh - Trưởng phòng Nghiệp vụ (Văn phòng điều phối NTM Trung ương), qua 5 năm thực hiện Chương trình, mức độ tăng trưởng một số tiêu chí ở 2.535 xã khó khăn còn rất chậm và thấp.
Cụ thể: tiêu chí giao thông mới đạt 7,96% (cả nước là 36,4%); thủy lợi đạt 32,98% (cả nước là 61,4%); trường học đạt 10,6% (cả nước là 41,2%); cơ sở văn hóa vật chất đạt 4,96% (cả nước là 34,6%); chợ nông thôn đạt 29,91% (cả nước là 58%); nhà ơ dân cư đạt 14,22% (cả nước là 61,3%).
Ông Lê Văn Dương - Phó Chánh Văn phòng điều phối NTM Quảng Ngãi, cho biết kết quả thực hiện Chương trình ở các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh là rất thấp, nhiều địa phương không có chuyển biến, qua 5 năm thực hiện không có số tiêu chí tăng thêm. Thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về NTM ở 63 xã đăc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đạt bình quân 4,7 tiêu chí/xã.
Nguyên nhân chính là do điểm xuất phát rất thấp, phát triển sản xuất tạo sinh kế để nâng cao thu nhập rất khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo còn rất cao. Phần lớn hộ nghèo thiếu vốn, chậm tiếp thu kiến thức kinh tế, kỹ thuật, không ít hộ thụ động thiếu nỗ lực phấn đấu, vươn lên thoát nghèo, nguy cơ tái nghèo hàng năm còn rất cao. Một số cơ sở hạ tầng thiết yếu, giao thông nông thôn, đường nội đồng, trường học, nước sinh hoạt… chưa đáp ứng yêu cầu.
Linh hoạt để phù hợp thực tiễn
Tương tự, tại Phú Yên, quá trình thực hiện MTQG xây dựng NTM ở các xã miền núi còn khó khăn, không có xã nào đạt chuẩn trong vòng 5 năm từ 2011 - 2015. Theo ông Trần Hưng Lợi - Phó Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh Phú Yên, một trong những tiêu chí được đánh giá là khó trong quá trình thực hiện ở nhiều xã miền núi khó khăn là thu nhập của người dân. Đến nay, chỉ có 7/33 xã đạt tiêu chí về thu nhập, 5/33 xã đạt tiêu chí về hộ nghèo và 4/33 xã đạt tiêu chí về nhà ở và dân cư.
Theo quy định của Bộ tiêu chí quốc gia, thu nhập của người dân nông thôn giai đoạn 2013 - 2015 phải đạt bình quân từ 18 triệu đồng/người/năm. Tuy nhiên, qua kiểm tra, đánh giá thu nhập bình quân các xã miền núi chỉ đạt 13 - 14 triệu đồng/người/năm.
Nguyên nhân là do tập quán sản xuất của người dân lạc hậu, hộ dân tộc thiểu số chiếm đa số. Thêm vào đó, diện tích đất canh tác của bà con ít, chủ yếu là đất đồi rừng, khó sản xuất. Để tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, nhiều địa phương đã áp dụng KH-KT, đưa các mô hình vào sản xuất, chăn nuôi, nhưng hiệu quả kinh tế vẫn không cao, chỉ đạt từ 10 - 12 triệu đồng/người/năm.
Trước thực tế diễn ra tại các địa phương, ông Nguyễn Tiến Minh lo ngại các xã khó khăn, nhất là ở các địa phương có nguồn thu ngân sách tại chỗ thấp chủ yếu phụ thuộc vào ngân sách Trung ương thì việc phấn đấu đạt đủ 19 tiêu chí trong 5 năm tới là khó khả thi.
Chính vì vậy, Văn phòng điều phối NTM Trung ương đề xuất cần phải rà soát sửa đổi bổ sung một số tiêu chí cho phù hợp với điều kiện thực tế của các địa phương nhất là các vùng khó khăn, vùng đặc thù theo hướng không hạ thấp tiêu chuẩn, chất lượng của các tiêu chí đạt chuẩn, tránh chạy theo hình thức và chạy theo thành tích để đảm bảo chương trình được thực hiện mang hiệu quả thiết thực cho đời sống của người dân.
Không thay đổi số lượng của Bộ tiêu chí quốc gia, chỉ bổ sung một số chỉ tiêu cho phù hợp với việc lồng ghép một số dự án từ các Chương trình MTQG khác vào Chương trình MTQG xây dựng NTM.
Thu Hường