Nếu như ngày 17/8 tin đồn bắt ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) khiến các nhà đầu tư chưa hết hoang mang thì đến ngày 18/8 lại tiếp tục hứng chịu "tin vịt" về ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT Eximbank cũng bị bắt. Đằng sau câu chuyện tin đồn này là gì?
Tin đồn ảo hậu quả thật
Mặc dù cả hai ông khẳng định đó là tin đồn ác ý, không có cơ sở, phía Ngân hàng Nhà nước Tp.HCM cũng phủ nhận, nhưng với tình hình làm ăn bết bát của hai ngân hàng như hiện nay, cộng với lợi nhuận sụt giảm, nợ xấu tăng cao...vẫn khiến nhiều người lo lắng.
Không hoang mang sao được khi từ ngày 13/8 đã rộ lên thông tin Ngân hàng Đông Á (DongA Bank) bị đưa vào diện "kiểm soát đặc biệt", kèm theo là những thông tin dồn dập trên các trang điện tử, mạng xã hội về thông tin cá nhân của Tổng giám đốc Trần Phương Bình, về nợ xấu, hàng loạt lãnh đạo Dong A Bank sẽ bị miễn nhiệm....
Tin đồn thì ảo nhưng hậu quả thì thật. Những kẻ tung tin đã đạt được mục đích khi gây nhiễu thị trường, nhà đầu tư bán tín bán nghi và thi nhau bán cổ phiếu tháo chạy.
Bằng chứng là cổ phiếu ngành ngân hàng hôm diễn ra tin đồn (17/8) đều đi xuống. Ông Lê Hùng Dũng đã có một "bàn thua" trông thấy trước tin đồn khi cổ phiếu EIB của Ngân hàng Eximbank lần đầu tiên trong 6 tháng qua đã lao dốc mạnh với khoảng 12.600 đồng/cổ phiếu (giảm 6,7%), VCB của Vietcombank mất 2.000 đồng; ACB của Ngân hàng Á Châu, BID của BIDV, CTG của Vietinbank đều mất hơn 1.000 đồng/cổ phiếu...
Tin đồn thất thiệt khiến cổ phiếu Eximbank lao dốc hôm 17/8
Thực tế, những tin đồn nhắm vào giới lãnh đạo ngân hàng có niêm yết lớn trên sàn chứng khoán không phải mới mẻ gì, bởi cách đây 2 năm, một loạt lãnh đạo của Sacombank, ACB, Ngân hàng Phương Nam hay Techombank, BIDV từng dính các tin đồn như vậy. Hậu quả là cổ phiếu của các ngân hàng sụt giảm thê thảm cùng những sóng gió thanh khoản ập đến. Và đó cũng là lúc những kẻ đầu cơ có thể trục lợi tới hàng trăm tỷ đồng từ các thị trường chứng khoán, vàng, tỷ giá.
Ts. Lê Văn Hảo, Viện Tâm lý học (Viện Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng trong điều kiện khủng hoảng, tin đồn càng có đất sống bởi khi đó công chúng thường cảm thấy bất định và lo âu nhất. Khi lo sợ về những hệ quả của một tình huống, ngược lại với mong muốn của công chúng, các tin đồn sẽ xuất hiện nhiều với cường độ lớn khi thông tin về các tình huống đó thiếu hụt hoặc mơ hồ.
Còn thiếu minh bạch là còn tin đồn
Ts. Charles Anaere, giảng viên tài chính Đại học WUSC (Canada) trong lần trao đổi với giới báo chí Việt Nam về cách thức xử lý tin đồn kiểu này, đã cho rằng khi gặp phải tin đồn thất thiệt, cần càng nhanh càng tốt giải thích cho công chúng, từ đó gây dựng niềm tin và hạn chế các tác hại có thể có.
Trong các hành động cần làm, ngoài việc tổ chức họp báo khẩn cấp thì cần cung cấp bằng chứng khẳng định tin đồn là thất thiệt, minh bạch hoá kinh doanh trong tất cả các công đoạn, nếu tin đồn nghiêm trọng thì phải mời cơ quan điều tra thật nhanh...
Điều đáng nói là hiện nay có không ít tin đồn sau đó đã trở thành hiện thực, như vụ bắt Bầu Kiên hay nhóm lãnh đạo ACB trước đây. Điều đó cho thấy có không ít thông tin vốn còn trong vòng bí mật điều tra đã bị rò rỉ ra ngoài, thậm chí còn bị bọn phản động xuyên tạc để phá hoại nền kinh tế. Và hậu quả nguy hiểm là dư luận càng lúc càng bám víu theo thực hư tin đồn, còn ngành ngân hàng thì lao đao.
Trong khi đó, việc xử lý những kẻ tung tin đồn hiện vẫn còn khá nhẹ tay. Đơn cử như vụ việc Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an vào tháng 7/2013 đã bắt giữ ba nghi phạm tung tin đồn bắt ông Trần Bắc Hà - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV. Sau đó cơ quan điều kết luận chưa đủ yếu tố để xử lý hình sự 3 nghi phạm mà chỉ chuyển hồ sơ để xử lý hành chính với mức phạt cao nhất là 15 triệu đồng cho mỗi người.
Theo nhận định, việc xử lý các hành vi tung tin thất thiệt được áp theo Nghị định 174/2013/NĐ-CP, chưa quy định rõ ở mức nào thì truy cứu hình sự. Chính điều này dẫn đến nguy cơ các đối tượng xấu dễ dàng tung tin bịa đặt với ý đồ xấu rồi sẵn sàng nộp phạt với một số tiền có tỷ lệ cực thấp so với số tiền trục lợi từ tin đồn.
Nên chăng, đã đến lúc chúng ta phải thay đổi mức xử phạt là tăng nặng lên thậm chí phải truy cứu hình sự những hành vi tung tin kiểu này. Để tăng "sức đề kháng" trước tin đồn thất thiệt và phòng ngừa sự lan truyền các tin đồn sai lệch thì các ngân hàng cần tăng cường sự minh bạch hơn nữa, cung cấp tin tức thường xuyên hơn về tình huống "có vấn đề" và lý giải những gì đã và đang xảy ra. Có như vậy thì những tin đồn ác ý mới không còn nguy cơ tái diễn.
Thế Vinh