Tham dự chương trình có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; các Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng; Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản Lê Hải Bình; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thuỷ; Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Chủ tịch Trung uơng Hội sinh viên Việt Nam Nguyễn Minh Triết; Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Đoàn Thị Tuyết Nhung; Tổng Biên tập Báo Văn Hoá, Truởng BTC chương trình Nguyễn Anh Vũ cùng đại diện các Ban, Bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ VHTTDL, lãnh đạo các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương…
Chương trình có sự đồng hành của: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Công ty Cổ phần lọc hóa dầu Bình Sơn, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, Tổng Công ty Phát điện 1.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đại biểu dự chương trình. |
76 năm về trước, Lời kêu gọi thi đua ái quốc ra đời trong một hoàn cảnh lịch sử đặc biệt. Sau chiến thắng Việt Bắc (Thu Đông 1947), theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị phát động phong trào thi đua ái quốc, quy tụ sức mạnh của lòng yêu nước và truyền thống đoàn kết dân tộc; tạo nên một phong trào hành động thiết thực của toàn dân, huy động mọi lực lượng, mọi sáng kiến và tài năng của toàn dân vào công cuộc kháng chiến kiến quốc. Thực hiện Chỉ thị này, ngày 11.6.1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi, chính thức phát động cuộc vận động thi đua ái quốc.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thuỷ phát biểu khai mạc chương trình. |
Phát biểu khai mạc chương trình, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh, Lời kêu gọi thi đua ái quốc là văn kiện lịch sử chứa đựng những chỉ dẫn quý báu, có giá trị sâu sắc về lý luận và thực tiễn đối với phong trào thi đua yêu nước của toàn dân tộc. Thấm nhuần Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phong trào thi đua yêu nước được tổ chức rộng khắp, liên tục, trở thành phong trào cách mạng sôi nổi, góp phần cổ vũ, động viên đồng bào và chiến sĩ cả nước đoàn kết, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, chung sức đồng lòng tạo nên những thắng lợi vĩ đại trong các cuộc kháng chiến của dân tộc, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Cũng theo Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ, Việt Nam - Khát vọng vươn xa là chương trình mang ý nghĩa chính trị sâu sắc. Dòng chảy âm nhạc sâu lắng sẽ bồi đắp cho các thế hệ người dân Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ về lòng yêu nước, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy khát vọng và tinh thần cống hiến, góp phần tạo nên những phát triển đột phá trong công cuộc xây dựng, đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế sâu rộng.
Với 3 phần Người đi tìm hình của nước, Lời kêu gọi ái quốc, Kiến thiết và xây dựng Tổ quốc, chương trình nghệ thuật Việt Nam - Khát vọng vươn xa đã tạo nên một không gian nghệ thuật với nhiều cung bậc cảm xúc mà mạch nguồn là tình yêu quê hương đất nước, khát vọng cống hiến, là sự biết ơn và tình cảm kính yêu đối với Bác Hồ - vị cha già dân tộc.
Các tiết mục nghệ thuật trong chương trình. |
Việt Nam - Khát vọng vươn xa đã mang đến nhiều cảm xúc cho khán giả thông qua các bản phối, phần dàn dựng mang màu sắc mới mẻ. Lời kêu gọi thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ 76 năm về trước cho đến hôm nay vẫn là lời hiệu triệu vô cùng ý nghĩa. Đồng thời, là động lực để mỗi nghệ sĩ tham gia chương trình nỗ lực thể hiện, cố gắng chuyển tải những cảm xúc đẹp nhất, những lời ca chạm đến trái tim của khán giả đêm nhạc. Chương trình còn như tiếng lòng tri ân sâu sắc của thế hệ hôm nay dâng lên Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới.
N.B