Theo Thông báo của Ban quản lý (BQL) các dự án PTNN (Sở NN&PTNT tỉnh Hà Giang) tiến hành bán hồ sơ 4 gói thầu HG/W1/2015, HG/W2/2015, HG/W4/2015, HG/ W5/2015. Đây là các gói xây lắp công trình: Nâng cấp cải tạo các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Hà Giang, do Sở NN&PTNT tỉnh làm chủ đầu tư, được đấu thầu rộng rãi từ ngày 1/3/2016. Hồ sơ mời thầu (HSMT) được bán tại trụ sở BQL các dự án PTNN, số 216 đường Trần Phú, Tp.Hà Giang.
“Chào thầu” bằng “xã hội đen”
8h ngày 1/3, gói thầu HG/W1/2015 được mở. Thế nhưng, từ 7h sáng đã có hàng chục đối tượng dàn hàng ngang trước cổng trụ sở BQL các dự án PTNN để ngăn chặn các DN đến mua HSMT. Trong số đó, có một người đàn ông tướng tá bặm trợn, gọi các DN đang bị “kẹt” ở ngoài cổng BQL các dự án PTNN lại và nói: “Đây là gói thầu của anh S. đã chạy bằng rất nhiều tiền để làm. Nhiều DN trong tỉnh còn không mua được. Các ông ở Hà Nội, Ninh Bình mà đòi về đây, kể cả có mua được cũng không làm được. Tốt nhất các ông nên ngồi uống nước xong rồi về đi”.
Một số DN nhận thấy sự hung hãn của những đối tuợn này liền quay về, khi chưa thể mua được HSMT. Và, không biết có bao nhiêu nhà thầu đã tiếp cận được bên trong phòng bán HSMT, trong khi 8h30, chủ đầu tư đã tuyên bố đóng thầu.
Tương tự những ngày tiếp theo, các gói thầu vẫn được BQL các dự án PTNN mở theo đúng lịch trình và “xã hội đen” thì vẫn “tác nghiệp” theo đúng “kế hoạch”, khiến nhiều DN, đặc biệt là những DN tỉnh khác, phải ra về trong sự bức xúc, ngỡ ngàng.
Phản ánh đến Thời báo Kinh Doanh, nhiều DN cho rằng lẽ ra việc đi mua HSMT là một việc hết sức đơn giản, thế nhưng đây lại là một nỗi khiếp sợ với họ. Bởi ở bất cứ gói thầu nào, họ cũng bị hù dọa, cản trở, hoặc nếu không thì bị chính chủ đầu tư gây khó trong quá trình mua HSMT.
Đơn cử như tại gói thầu DHWW-0703 - gói thầu Xây dựng và kè sông Con - tiểu dự án thoát nước, thu gom và xử lý nước thải, do Tp.Đông Hà (Quảng Trị) là chủ đầu tư. Mặc dù vẫn đang trong thời hạn bán HSMT, nhưng BQL dự án thoát nước, thu gom và xử lý nước thải Tp.Đông Hà luôn gây khó khăn cho DN đến mua HSMT.
Nhóm phóng viên và một số DN đến địa chỉ BQL dự án thoát nước, thu gom và xử lý nước thải Tp.Đông Hà - số 86C, Quốc lộ 9 để mua HSMT. Tuy nhiên, ngay trong sáng ngày đầu tiên bán HSMT, đại diện BQL đã gây khó khăn cho DN, khi liên tục trả lời máy photo bị hỏng và hẹn chiều sẽ có. Thế nhưng đến chiều, DN vẫn chưa mua được HSMT, vì “máy photo vẫn chưa sửa được”.
Những ngày sau, nhiều DN vẫn chưa mua được HSMT có đề suất với đại diện BQL cho đóng tiền trước, còn hồ sơ chủ đầu tư có thể chuyển sau. Tuy vậy, đại diện chủ đầu tư không đồng ý. Ngoài ra, trong suốt thời gian bán HSMT, tại trụ sở BQL luôn có một người đàn ông với vẻ mặt hung dữ dọa dẫm các DN từ nơi khác, hoặc ép DN bán lại hồ sơ với giá 5 triệu đồng.
Cơ quan chức năng ở đâu?
Ngay sau khi nhận được phản ánh và tác nghiệp tại gói thầu DHWW-0703, PV đã liên hệ làm việc nhằm phản ánh sự việc trên với lãnh đạo BQL, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời.
Đáng nói, hiện tượng dùng “xã hội đen” để trúng thầu đang làm nhức nhối dư luận. Vấn nạn này không chỉ mới diễn ra và trên phạm vi hẹp là một tỉnh, mà đã lan rộng ra hầu hết các gói thầu trên cả nước. Dư luận bức xúc đặt câu hỏi, cơ quan chức năng đang ở đâu, khi một bộ phận DN ngang nhiên dùng “xã hội đen” để “vây thầu”, “cướp thầu”, coi thường pháp luật?
Phải chăng, hiện tượng trên chưa thể chấm dứt là bởi còn có sự tiếp tay của một số chủ đầu tư, để thông thầu với DN. Chính vì thế mới có chuyện 4 gói thầu liên tiếp bị “xã hội đen” “vây” trước cổng trụ sở mà BQL không hề có động thái nào ngăn chặn, hoặc ít ra cũng phải có sự can thiệp của lực lượng công an. Và, điềm nhiên phía trong trụ sở cuộc mua bán HSMT vẫn diễn ra, dù không có một DN nào bước qua được “vòng vây” của “xã hội đen”. Để rồi sau 30 phút mở thầu, gói thầu được đóng lại, kèm theo một bản báo cáo đã “làm đủ”, “làm đúng” theo quy định của pháp luật, “công tác an ninh trật tự được bảo đảm, không có hiện tượng gây rối trật tự tại nơi diễn ra lễ mở thầu” Đương nhiên, khi chủ đầu tư vẫn còn dung túng, bao che cho một bộ phận DN làm ăn bất chính, thì những DN sẽ không còn “cửa”.
Có thể nói, đối với một số dự án có nguồn vốn ODA của Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ, hiện tượng này sẽ làm mất niềm tin, tác động tiêu cực đến nhà tài trợ.
![]() |
“Xã hội đen” vây trước cổng trụ sở BQL các dự án PTNN tỉnh Hà Giang
Đừng để hình ảnh đất nước bị méo mó
Những năm gần đây, nhiều dự án tại Việt Nam bị các nhà tài trợ nước ngoài lên tiếng vì phát hiện tiêu cực. Thậm chí, có những dự án đang triển khai nhưng khi phát hiện ra tiêu cực, nhà tài trợ đã tạm dừng cấp vốn. Như năm 2012, Đan Mạch tuyên bố tạm dừng cấp vốn ODA vì phát hiện các dấu hiệu bất thường về tài chính, với số tiền hơn nửa triệu USD trong ba dự án ở Việt Nam.
Tháng 12/2015, WB phát đi thông cáo báo chí về việc xử phạt với SFC Việt Nam, do những sai phạm khi triển khai các dự án do WB cấp vốn. Đây là quyết định được đưa ra bởi Hội đồng xử phạt độc lập của WB, dựa trên bằng chứng về hành vi lừa đảo và thông đồng thuộc hai dự án: Hỗ trợ kỹ thuật chuẩn bị tại Việt Nam và Đầu tư hạ tầng ưu tiên ở Tp.Đà Nẵng.
Để trả lại môi trường cạnh tranh lành mạnh, tạo được niềm tin của các DN và các nhà tài trợ, đề nghị cơ quan chức năng cần sớm có biện pháp mạnh, để không còn tình trạng “ở đâu chả có cướp thầu”, mà một số lãnh đạo sở vẫn thường dùng, để thoái thác trách nhiệm, khi để xảy ra những sự việc trên, đang làm méo mó hình ảnh Việt Nam.
Huyền Anh