Vắc xin Covid-19 đang được phát triển và thử nghiệm bởi công ty dược phẩm Pfizer và BioNTech SE đã ngăn được hơn 90% ca lây nhiễm trong nghiên cứu thử nghiệm với hàng chục nghìn người tình nguyện, đây là tiến bộ khoa học lớn nhất trong cuộc chiến phát triển vắc xin chống lại đại dịch Covid-19, theo Bloomberg đưa tin.
Đại dịch Covid-19 đã kéo dài trên thế giới sang đến tháng thứ 8. Kết quả thử nghiệm vắc xin Covid-19 ban đầu sẽ tạo tiền đề để vắc xin có thể được cấp phép sử dụng khẩn cấp bởi cơ quan quản lý nếu các nghiên cứu tiếp theo cho thấy rằng vắc xin có độ an toàn.
Trên thị trường giao dịch tương lai, cổ phiếu công ty dược phẩm Pfizer tăng khoảng 7%.
Kết quả công bố trên được tính toán dựa trên phân tích tạm thời với khoảng 94 người tham gia đã lây nhiễm Covid-19. Việc thử nghiệm này sẽ được tiến hành cho đến khi hoàn thành được 164 trường hợp.
Nếu các số liệu của đợt thử nghiệm phát đi tín hiệu tốt, điều đó cũng đồng nghĩa thế giới sẽ có một công cụ mới vô cùng quan trọng để ngăn được đại dịch Covid-19 cho đến nay đã cướp đi sinh mạng của 1,2 triệu người trên khắp thế giới. Kết quả thử nghiệm của Pfizer sẽ có trong khoảng 1 tuần nữa.
Vắc xin Covid-19 của Pfizer và BioNTech SE thành công trên 90% ca lây nhiễm (Ảnh Int) |
Phó giám đốc cao cấp chuyên nghiên cứu về thử nghiệm vắc xin lâm sàng của Pfizer, ông William Gruber, nhận xét: “Đây có thể coi như tiến bộ khoa học tốt nhất cho thế giới, cho nước Mỹ và ngành y tế công cộng toàn cầu”. Ông cho biết kết quả mới nhất này thậm chí còn tốt hơn cả chính mong đợi của công ty.
CEO của công ty BioNTech, ông Ugur Sahin, cho biết công ty chỉ kỳ vọng tỷ lệ thành công của vắc xin đợt đầu này ước chừng khoảng từ 60 cho đến 70%, nhưng cuối cùng đã đạt đến 90%, thực sự đã vượt xa mong đợi của công ty.
Ông Sahin khẳng định: “Tiến bộ khoa học mới nhất cho thấy Covid-19 hoàn toàn có thể được kiểm soát. Cuối cùng, khoa học đã chiến thắng”.
Tuy nhiên, số liệu về vắc xin cũng có những hạn chế. Cho đến nay, chi tiết của đợt thử nghiệm vắc xin lần này chưa được công bố thực sự chi tiết. Hiện tại chưa thể biết vắc xin hiệu quả đến đâu với từng nhóm độ tuổi nhất định, ví như người già. Và cũng chưa thể biết được liệu vắc xin Covid-19 này có ngăn được các ca bệnh nặng hay không bởi không có người tình nguyện mắc Covid-19 tham gia trong đợt này thuộc diện nặng.
Dù vậy, kết quả rất tích cực từ đợt thử nghiệm trên quy mô lớn lần này cũng tạo nền tảng quan trọng cho các thử nghiệm vắc xin khác, đặc biệt vắc xin của Moderna hiện đang sử dụng công nghệ tương tự. Nếu nghiên cứu đó thành công, vào cuối năm nay, tại Mỹ có thể có 2 loại vắc xin Covid-19.
Pfizer dự kiến sẽ phải có 2 tháng tiếp theo để theo dõi độ an toàn của vắc xin, một yêu cầu bắt buộc của giới chức Mỹ trước khi có thể tính đến việc cấp phép khẩn cấp. Nếu các nghiên cứu cuối cùng không có vấn đề gì, Pfizer có thể nộp hồ sơ xin cấp phép tại Mỹ trong tháng này. Một cuộc thử nghiệm cũng được tiến hành tại châu Âu vào tháng trước, các nhà quản lý đang làm việc với BioNTech để tiếp tục đẩy nhanh quá trình.
Kết quả thử nghiệm ban đầu đồng nghĩa công ty dược phẩm Mỹ và đối tác Đức của họ đang tiến gần hơn đến khả năng ra được vắc xin Covid-19 sau khi ký kết hợp đồng cung cấp vắc xin với chính phủ nhiều nước trên thế giới. Các công ty này cho biết họ sẽ có thể sản xuất được khoảng 1,3 tỷ liều vắc xin, đủ để tiêm cho 650 triệu người trước cuối năm 2021. Trong năm 2020, dự kiến sẽ chỉ có khoảng 50 triệu liều được sản xuất ra.
Vũ Hồng