Việc dùng thuốc không theo chỉ định của bác sỹ đã trở thành thói quen của rất nhiều người dân và việc bán thuốc không theo đơn cũng là hình ảnh quen thuộc tại nhiều quầy thuốc.
Tiền mất, bệnh mang
Chị Nguyễn Thị Nhung (đường Lạc Long Quân, quận Tây Hồ, Hà Nộ) có con nhỏ gần 3 tuổi bị ho, chảy nước mũi 2 ngày, chị ra một cửa hàng thuốc gần nhà mua thuốc cho con uống.
Nhân viên bán hàng chỉ hỏi sơ qua triệu chứng và bán cho chị mấy gói kháng sinh, một lọ si rô và vài viên con con nói là thuốc chống chảy nước mũi. Sau khi uống 4 ngày, bệnh tình con chị ngày càng nặng lên. Chị vội đưa đến bệnh viện khám. Bác sỹ bị kết luận con bị viêm phổi nặng, phải nằm viện hơn chục ngày. Tình trạng con chị Nhung có thể sẽ nhẹ hơn nếu được bác sỹ thăm khám và điều trị sớm.
Anh Hoàng, phố Đội Cấn (Ba Đình) cũng bị ốm mấy hôm ở nhà. Vợ anh đi mua thuốc ở một quầy thuốc tư nhân, cũng được người bán hàng tự ý kê một số loại thuốc, tuy nhiên uống xong anh đau bụng quằn quại. Nguyên do là, anh Hoàng bị bệnh đau dạ dày kinh niên, người bán thuốc chỉ hỏi diễn biến của việc anh bị ốm chứ không hỏi tiền sử có bệnh gì hay không, kết quả là đã đưa loại thuốc có thành phần chống chỉ định cho người đau dạ dày cho anh.
Ngoài việc bán hàng theo lời mô tả của người bệnh, một số cửa hàng còn tự ý kê sẵn các liều thông dụng cho người bệnh uống. Một cửa hàng trên địa bàn quận Cầu Giấy đã chia sẵn từng túi với khoảng 4 loại thuốc bán cho người bị say tàu xe, mỗi liều dùng được bán với giá 20.000 đồng. Tại một cửa hàng thuốc khác nằm ở quận Ba Đình, dược sỹ lại kê liều 4 - 5 loại thuốc (bao gồm cả thuốc kháng sinh) cho bệnh nhân bị ho, sốt uống.
Việc tùy tiện bán và kê đơn thuốc như trên là thực tế diễn ra ở rất nhiều cửa hàng kinh doanh thuốc trên địa bàn Hà Nội. Tình trạng bán mua tự ý càng thể hiện rõ hơn, qua kết quả khảo sát mới nhất của Bộ Y tế, về việc mua bán thuốc kháng sinh tại gần 3.000 nhà thuốc ở khu vực nông thôn và thành thị phía bắc. Theo đó, cứ 10 người mua thuốc kháng sinh thì tới 9 người mua không theo chỉ định của bác sĩ.
![]() |
Các nhà thuốc tư nhân vẫn ngang nhiên bán thuốc không đơn
Biết sai vẫn cố tình làm
Theo ông Cao Thái Hưng, Cục phó Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), số lượng bán thuốc không theo toa quá lớn, nhất là khu vực dân cư vùng ven, khu công nghiệp. Mặt khác, hiện nay các nhà thuốc tư nhân quá nhiều, khó kiểm soát, có thể mua thuốc một cách nhanh chóng, tiện lợi, đáp ứng nhu cầu của người dân nên tình trạng mua thuốc không có đơn ngày càng nghiêm trọng.
Theo các chuyên gia, vệc mua bán thuốc không có đơn là việc làm có thể dẫn tới các tai biến nguy hiểm. Việc tự dùng thuốc không có bác sỹ chỉ định có thể dẫn tới các phản ứng phụ không mong muốn. Đặc biệt dùng bừa bãi thuốc kháng sinh có thể dẫn đến kháng thuốc, sốc thuốc hoặc biến chứng.
Hơn nữa, mỗi ngày lại có rất nhiều loại kháng sinh được các dược sĩ bào chế ra bởi vì quá trình kháng kháng sinh của vi khuẩn. Nếu không có đơn của bác sỹ sẽ rất khó biết được đâu là loại kháng sinh phù hợp cho bệnh nhân.
Chính vì vậy, việc thăm khám, uống thuốc theo chỉ định của bác sỹ đối với người bệnh vô cùng quan trọng, vì chỉ có đơn thuốc mới chỉ dẫn được người bệnh về liều lượng dùng thuốc, những thức ăn kiêng kỵ, chống chỉ định với thuốc. Trường hợp xảy ra sự cố, từ đơn thuốc mới truy cứu được trách nhiệm của người kê đơn, còn trường hợp tự ý mua thuốc điều trị, nếu xảy ra vấn đề gì, thì mọi hậu quả người bệnh sẽ là người trực tiếp gánh chịu.
Khoản 1 Điều 40 Nghị định 176 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế quy định: Cảnh cáo, phạt tiền từ 200.000 - 500.000 đồng đối với hành vi mua bán thuốc trong danh mục “thuốc theo đơn” mà không có đơn của bác sỹ. Tuy nhiên, thực tế số lượng nhà thuốc bị phạt rất ít. Các nhà thuốc tư nhân vẫn ngang nhiên bán thuốc không đơn, thu lợi nhuận khủng.
Thu Hường