Chiều 16/6, tại họp báo thường kỳ quý II/2023, trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến giải pháp kiểm soát, điều hành giá khi ngày 1/7 sẽ thực hiện tăng lương cơ sở, đại diện Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết, điều hành quản lý giá là hoạt động thường xuyên, liên tục.
Theo đó, giúp việc cho Thủ tướng Chính phủ trong công tác này là Ban chỉ đạo điều hành giá do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái là Trưởng ban, Bộ Tài chính là cơ quan thường trực. Ban chỉ đạo đã thường xuyên họp để đưa ra các kịch bản trong điều hành giá từ đầu năm đến nay. Bộ Tài chính cũng đã chủ trì xây dựng các báo cáo về điều hành giá, đưa ra những kế hoạch, tình huống sẽ triển khai trong quá trình điều hành như tăng lương cơ sở và một số vấn đề khác.
Trong thời điểm tăng lương cơ sở thì phải kiểm soát được giá, để cuối năm 2023, chỉ số giá tiêu dùng CPI không vượt quá 4,5%. |
Vì thế, về vấn đề này, đại diện Cục Quản lý giá cho hay, Bộ Tài chính đã có những báo cáo để ngay từ đầu năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 03/CT-TTg về đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, Văn phòng Chính phủ cũng đã có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về điều hành giá.
Theo đó, một số giải pháp về điều hành giá đã được đại diện Cục Quản lý giá nhấn mạnh khi thông tin với báo chí. Cụ thể là tập trung vào các nhóm nội dung, chẳng hạn như bám sát diễn biến thị trường giá cả, đảm bảo kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu mà Quốc hội đưa ra, đặc biệt chú ý đến mặt hàng chiến lược là xăng dầu, tập trung chú ý nằm bắt tình hình.
Đối với một số mặt hàng thuộc danh mục Nhà nước định giá thì thời gian tới sẽ tiếp tục điều hành thận trọng phù hợp từng thời kỳ. Các cơ quan chức năng cũng sẽ theo dõi chặt chẽ hoạt động kê khai thông báo giá, việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lý giá, tránh việc găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý.
Đặc biệt, thời gian tới, cơ quan quản lý cũng sẽ chú trọng thông tin truyền thông, công khai minh bạch trong quản lý giá, để làm sao đạt được các mục tiêu đã đề ra.
Cũng về vấn đề này, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, các giải pháp để kiểm soát lạm phát, giữ mặt bằng giá và hướng tới mục tiêu kiểm soát tốt hơn mục tiêu mà Quốc hội đã đề ra trong năm 2023 là xuyên suốt cả năm, trong đó tính tới cả nhiệm vụ, chính sách khi từ 1/7 tăng lương cơ sở.
Trong đó, Thứ trưởng nhấn mạnh tới giải pháp quan trọng cần làm tốt công tác truyền thông để giải quyết vấn đề tâm lý khi thời điểm tăng lương 1/7 đã cận kề, để cả xã hội, tất cả người tiêu dùng ổn định tâm lý. Bởi chính sách tăng lương cơ sở nằm trong chính sách được định trước, nên để không ảnh hưởng tâm lý, phải nhờ đến đội ngũ báo chí, cơ quan truyền thông, cơ quan làm chính sách, trong đó có Bộ Tài chính, giúp làm giảm bớt những ảnh hưởng tâm lý.
“Tâm lý của người dân bị ảnh hưởng càng nhỏ càng tốt, nếu không bị ảnh hưởng thì các giải pháp về kiểm soát giá nêu trên sẽ phát huy tác dụng, giá cả ổn định, hướng tới những mục tiêu đề ra”, Thứ trưởng nêu rõ.
Trước đó, ngày 8/6, trong phần chất vấn và trả lời chất vấn về các giải pháp tổng thể về điều hành giá để đảm bảo kiểm soát lạm phát và tránh được hiệu ứng tâm lý tăng lương, tăng giá, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, cho biết điều hành giá là nghệ thuật uyển chuyển trong điều kiện điều hành theo kinh tế thị trường nhưng có sự quản lý của Nhà nước. Việc điều hành, theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, phải quan tâm đến đời sống của người dân, đặc biệt người dân ở vùng sâu, vùng xa.
"Giải pháp điều hành giá phải uyển chuyển, căn cứ tín hiệu của thị trường, phải nắm bắt thị trường để có kịch bản điều hành", Phó Thủ tướng cho hay.
Đặc biệt, trong thời điểm tăng lương cơ sở thì phải kiểm soát được giá, để cuối năm 2023, chỉ số giá tiêu dùng CPI không vượt quá 4,5%.
Cũng liên quan đến tăng lương, trước đó trong phần báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, Phó Thủ tướng nhấn mạnh thời gian tới sẽ thực hiện lộ trình cải cách tiền lương; xây dựng phương án điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng phù hợp.
Thanh Hoa