Theo thống kê, trong 3 tháng qua, cơ quan chức năng đã thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý 3.619 vụ việc vi phạm liên quan đến DP, TPCN, MP. Số tiền thu nộp ngân sách nhà nước gần 22 tỷ đồng. Trị giá hàng hóa, tang vật tiêu hủy gần 20 tỷ đồng, trị giá hàng hóa, tang vật tịch thu chưa tiêu hủy gần 15 tỷ đồng. Khởi tố 4 vụ án hình sự với 5 đối tượng.
Buôn lậu vẫn diễn biến phức tạp
“Hoang mang” trên từng con số
Những con số cho thấy tình trạng buôn lậu vẫn diễn biến khó lường và sôi động trên từng ngõ ngách, mọi địa bàn. Nóng nhất vẫn là Hà Nội. Các lực lượng chức năng trên địa bàn Tp.Hà Nội đã kiểm tra 799 vụ, xử lý 655 vụ, phạt hành chính 5,14 tỷ đồng. Trị giá hàng hoá thu giữ 12,23 tỷ đồng. Khởi tố 2 vụ và 3 đối tượng. Tiếp theo là Tp.HCM với 423 vụ vi phạm (trong đó có 12 vụ buôn lậu, 12 vụ sản xuất và 399 vụ kinh doanh hàng giả), thu nộp ngân sách ước đạt 5,5 tỷ đồng, trị giá hàng tiêu hủy 3,7 tỷ đồng.
Vùng biên Lạng Sơn có 114 vụ với 106 đối tượng vi phạm, tiền phạt vi phạm hành chính hơn 495 triệu đồng. Tịch thu, xử lý hàng hóa vi phạm trị giá 13 tỷ đồng. Tỉnh Quảng Ninh, phát hiện và xử phạt 112 vụ với 99 đối tượng vi phạm. Tổng số tiền vi phạm hành chính là 547 triệu đồng. Tịch thu, xử lý hàng hóa vi phạm trị giá 1,3 tỷ đồng…
Riêng Bộ Y tế, trong đợt cao điểm này đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 140 vụ vi phạm, tổng số tiền phạt vi phạm hành chính gần 3,2 tỷ đồng; thu hồi và đình chỉ giấy phép sản xuất, kinh doanh DP, TPCN, MP hàng trăm đơn vị và dừng lưu thông hàng nghìn sản phẩm vi phạm các quy định quản lý nhà nước.
Đáng lo ngại hơn, là “chiêu thức” hoạt động của các đối tượng ngày càng tinh vi để “qua mặt” cơ quan chức năng. Với buôn lậu tại các vùng biên, các đối tượng tập kết hàng tại vùng giáp ranh, tìm thời cơ vận chuyển hàng qua lối mòn, tập kết vào nhà dân, chợ biên giới. Sau đó xé lẻ hàng hóa, tuồn vào nội địa. Với sản xuất DP, TPCN, MP giả, các đối tượng không sản xuất tập trung với số lượng lớn, mà nhập nguyên liệu về xé lẻ, chia nhỏ từng công đoạn hoặc sản xuất hàng đến đâu tiêu thụ đến đó. Thậm chí, không cho người mua hàng đến nơi sản xuất để nhận hàng mà hẹn điểm giao hàng, thường là quán cà phê, cơ quan…
Nâng cao nhận thức người tiêu dùng
PGs.Ts. Phạm Lê Tuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế, cho rằng vấn nạn hàng giả, hàng nhái và hàng lậu đang ngày một lấn át những sản phẩm chính hãng về phương thức tiếp thị và giá cả, gây thiệt hại cho cả Nhà nước, DN và NTD. Để giải quyết vấn nạn này, cần sự chung tay vào cuộc của không chỉ các cấp, các ngành, cơ quan chức năng mà còn phải có sự tham gia của toàn xã hội. Đặc biệt là người dân và các DN.
“Công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng phải có sự phối hợp chung tay của toàn xã hội. Sự phối hợp chặt chẽ đòi hỏi từ các khâu rà soát và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật. Đến các khâu tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm, ý thức của DN, người dân”, ông Tuấn nói.
Ông Trần Hùng - Chánh văn phòng BCĐ 389 quốc gia, cho biết: “Vi phạm đã được kiểm soát đáng kể so với thời điểm trước, nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ của các lực lượng 389. Tuy nhiên, các đối tượng xấu ngày càng tinh vi, khiến tình trạng buôn lậu, hàng giả vẫn còn phức tạp”.
Để tình trạng buôn lậu, sản xuất “chui” được kiểm soát, ý thức chấp hành pháp luật của các hộ cá nhân, đơn vị, DN sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh DP, TPCN, MP cần phải được cải thiện. Người dân cả nước, đặc biệt là người dân vùng biên giới cần phối chặt chẽ, báo ngay cho cơ quan chức năng khi phát hiện những sai phạm, hành vi buôn lậu.
Nhận thức của NTD cũng cần được bồi dưỡng và nâng cao hơn. Vì con mắt giám sát của NTD chính là thứ “vũ khí” lợi hại nhất để chiến thắng trong “cuộc chiến” chống buôn lậu, bảo vệ quyền lợi của chính NTD.
Hiến Nguyễn