Câu chuyện về “bẫy” tín dụng đen đáng sợ ở tỉnh Cà Mau và vùng ĐBSCL mà dư luận xôn xao trong những ngày qua đang đặt ra nhiều vấn đề bất cập. Trong đó, câu hỏi trước tiên là trách nhiệm theo dõi và quản lý thuộc về ai? Vai trò của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ở đâu trong chuyện này?
Ngân hàng không thể vô can
Theo phản ánh mới đây, riêng tại tỉnh Cà Mau, đang có rất nhiều nạn nhân (chủ yếu là nông dân, tiểu thương) lâm vào cảnh tan nhà nát cửa, thiệt hại hàng chục tỷ đồng vì tín dụng đen, nhất là ở các huyện Cái Nước, Đầm Dơi, Thới Bình và Tp.Cà Mau.
Các nạn nhân chủ yếu rơi vào tình cảnh bị cho vay nặng lãi, bị ràng buộc thành con nợ bởi một hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất với giá trị chưa bằng 1/4 giá trị thật và một hợp đồng tính lãi suất khống. Chỉ cần con nợ trả trễ 2 - 3 tháng là chủ nợ âm thầm sang tên đổi chủ sổ đỏ.
Thủ đoạn tín dụng đen ở ĐBSCL còn được núp bóng thông qua việc bán chịu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chơi hụi, hay vay nợ đáo hạn ngân hàng... khiến nhiều nông dân điêu đứng.
Trước tiên, xét về phương diện giám sát, quản lý nạn tín dụng đen, ngoài trách nhiệm của lực lượng công an, chính quyền địa phương thì không thể nói NHNN vô can trong chuyện này.
Bỏ qua những trường hợp sập bẫy tín dụng đen vì vay tiền không chính đáng, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng việc người dân phải chấp nhận vay “tín dụng đen” chỉ khi họ không thể, hoặc quá khó khăn, không tiếp cận được vốn tín dụng của Nhà nước.
Ông Thành nhận định hệ thống các NHTM, nhất là ngân hàng nông nghiệp, nông thôn đã không làm tròn trách nhiệm giúp người dân có nhu cầu được tiếp cận với nguồn tín dụng nhà nước.
Theo giới chuyên gia, trước nạn hoành hành tín dụng đen, cần làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương ở khu vực nông thôn, nơi mà người dân khó tiếp cận vốn hơn người dân thành thị. Bởi đã có những giai đoạn, theo ước tính, có đến 80% nông dân vùng ĐBSCL phải đi vay tiền từ tín dụng đen, thay vì tiếp cận ngân hàng.
Lý do chủ yếu vẫn là vì người dân thiếu kiến thức pháp luật, “ngại” thủ tục ngân hàng rườm rà, hoặc mục đích vay tiền không chính đáng (để trả nợ, cờ bạc, chơi bời)... Trong khi đó, các dịch vụ cho vay “nóng” luôn chủ động săn đón, thủ tục vay dễ dàng, nhanh gọn.
![]() |
Chỉ khi nào người dân được tiếp cận với tín dụng minh bạch thì tín dụng đen mới hết đất sống
Cần tín dụng minh bạch
Theo số liệu thống kê, tính riêng trong 5 năm trở lại đây, lực lượng chức năng đã khởi tố hơn 11.000 bị can liên quan đến tín dụng đen. Tuy nhiên, không vì thế mà hoạt động tín dụng đen dừng lại. Và hiện vẫn chưa có một cuộc điều tra khảo sát nào nhằm làm rõ vai trò, trách nhiệm của các NHTM như thế nào trong sự hình thành các tổ chức tín dụng đen.
Cần nhắc lại, một cuộc khảo sát hồi cuối năm 2015 ở Đăk Lăk và Lâm Đồng của Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE) và Trung tâm Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn miền Nam (SCAP) đã cho thấy, một tỷ lệ rất lớn hộ dân đang phải gánh các khoản nợ khác nhau với mức độ nợ từ 50 đến 240 triệu đồng.
Các hộ dân này đang phải vay nặng lãi từ tư nhân để đầu tư cho sản xuất nông nghiệp (chiếm 77%), với lãi suất lên tới 50 - 60%/năm, thay vì có thể vay ở các ngân hàng, với lãi suất thấp như chính sách quy định.
Người dân ở các tỉnh Tây Nguyên chủ yếu tìm đến các hộ đại lý vật tư nông nghiệp để vay tiền (chiếm hơn 50%). Các hình thức vay tư nhân chủ yếu là vay nóng tiền mặt, với lãi suất 3 - 5%/tháng.
Nhiều người cho rằng trong chuyện vay vốn làm ăn, các nông dân ở vùng ĐBSCL cũng không khác gì mấy với nông dân ở vùng Tây Nguyên, có chăng là “bẫy” tín dụng đen ở ĐBSCL đang ở mức độ ngày càng lan rộng.
Trước tình hình như vậy, liệu các cơ quan quản lý ở ĐBSCL có biện pháp gì để siết chặt các hoạt động cho vay, huy động vốn tự phát?
Nói như chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, chỉ khi nào người dân được tiếp cận với tín dụng một cách minh bạch, rõ ràng về thủ tục, được hưởng ưu đãi của chính sách, thì lúc đó mới có thể loại bỏ được tín dụng đen ở vùng nông thôn.
Về phía NHNN, liệu có nhận ra trách nhiệm của mình, là cần chủ động phối hợp với công an và chính quyền địa phương làm rõ tình trạng tín dụng đen để có giải pháp xử lý triệt để?
Để nông dân ĐBSCL hiểu và cảnh giác cao trước thủ đoạn của “tín dụng đen”, nhằm quay lại với nguồn tín dụng Nhà nước, rất cần vai trò của NHNN trong lúc này.
Thanh Loan