Một thực trạng đáng báo động hiện nay được Ts. Hoàng Cầm, Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (ISEE), đề cập là hiện phần lớn các hộ nông dân dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên đang phải gánh các khoản nợ khác nhau với mức độ nợ từ 50 đến 240 triệu. Đây chủ yếu là các khoản vay nặng lãi từ tín dụng đen với lãi suất lên tới 50%-60%/năm để đầu tư cho sản xuất nông nghiệp thay vì có thể vay ở các ngân hàng với lãi suất thấp như chính sách quy định.
Tín dụng đen - lãi suất “cắt cổ”
Theo Ts. Cầm, lý do của tình trạng trên là do người dân không có tài sản thế chấp để vay ngân hàng, do thủ tục vay ngân hàng quá phức tạp và giải ngân chậm, phải chờ đợi từng đợt vay với lượng tiền quy định, nhiều khi không đáp ứng được nhu cầu đầu tư sản xuất. Trong khi đó, vay từ tư nhân thủ tục rất đơn giản, không yêu cầu thế chấp, đáp ứng ngay khi có nhu cầu với lượng tiền cho vay cao hơn.
Kể cả tổ chức như HTX, THT cũng khó tiếp cận vốn vay. Ts. Lê Đức Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), cho biết thời gian qua, việc tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng của các HTX khá hạn chế. Trong năm 2015, chỉ có 0,67% trên tổng số 11.000 HTX trên cả nước tiếp cận được nguồn tín dụng.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, nếu tính trong 3 năm (từ tháng 7/2013-6/2015), cả nước chỉ có 8,83% HTX nông nghiệp được hỗ trợ vay vốn tín dụng và 5,77% HTX nông nghiệp được tiếp cận với Quỹ hỗ trợ HTX.
Thời gian qua, tỷ trọng tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn rất thấp. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tỷ trọng vốn tín dụng nông nghiệp chiếm trong tổng tín dụng của toàn ngành sau 3 năm thực hiện Nghị định số 41/2010/NĐ-CP chỉ khoảng 18-19%, nếu cộng cả dư nợ của Ngân hàng Chính sách chiếm khoảng 20-22%. Tính đến cuối tháng 6/2016, tổng dư nợ tín dụng nông nghiệp nông thôn ước đạt 886.000 tỷ đồng, cũng chỉ chiếm khoảng 18% tổng dư nợ nền kinh tế.
Việc vay vốn của nông dân, doanh nghiệp, HTX vẫn gặp không ít khó khăn
Trên thực tế, các ngân hàng thương mại hiện nay hầu hết là các ngân hàng cổ phần, và quyết định đầu tư của ngân hàng hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định đầu tư của các cổ đông, những người luôn lựa chọn kênh đầu tư ít rủi ro nhất và có lợi nhuận nhất.
Trong khi đó, lĩnh vực nông nghiệp nông thôn thường được đánh giá là rủi ro cao (thiên tai, dịch bệnh, giá cả thị trường,…), lợi nhuận thấp hơn các khu vực khác thì quyết định của các cổ đông ngân hàng hạn chế đầu tư vào nông nghiệp nông thôn là điều dễ hiểu.
Những khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng trong nông nghiệp của nông dân được cho là bắt nguồn từ những bất cập trong chính sách tín dụng nông nghiệp nông thôn.
Đơn giản hóa các điều kiện, thủ tục
Bóc tách những bất cập này Ts. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR), cho biết, ở nông thôn hiện nay chủ yếu tồn tại hai hệ thống tín dụng chính thức và tín dụng giản đơn, trong đó không ít là loại hình tín dụng đen.
Việc tiếp cận tín dụng chính thức không hề dễ dàng bởi các điều kiện phía ngân hàng đặt ra khiến người dân nhiều nơi phải tìm đến tín dụng đen với các khoản vay nặng lãi để đầu tư cho sản xuất nông nghiệp.
Bên cạnh đó, mỗi sản phẩm nông sản có những chu kỳ sản xuất khác nhau nhưng hiện nay các tổ chức tín dụng thường đưa ra các thời hạn vay cứng là 6 tháng, 12 tháng , 24 tháng hoặc 36 tháng và vẫn chủ yếu cung cấp tín dụng ngắn hạn (12 tháng).
Rõ ràng thời hạn vay vốn này không phù hợp với chu kỳ sản xuất nông nghiệp hiện nay, tạo ra rào cản cho các khách hàng khi tiếp cận tín dụng.
Để thúc đẩy tín dụng nông nghiệp trong thời gian tới, theo nhiều chuyên gia cần phát triển tín dụng phi chính thức (không bao gồm loại hình tín dụng giản đơn) nhằm bổ sung vào mảng khuyết của hệ thống tín dụng chính thức; Xây dựng hệ thống các tổ chức tín dụng cho DNNVV; tiếp tục điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn vay của các ngân hàng thương mại ưu tiên cho nông nghiệp nông thôn, nhất là các khoản vay trung hạn và dài hạn.
Chính phủ nên có các chương trình cho vay đầu tư nông nghiệp trung và dài hạn và ủy thác vốn của các chương trình cho các ngân hàng thương mại tham gia; tăng cường hỗ trợ và phát triển bảo hiểm nông nghiệp đối với một số nông sản chủ lực trong các vùng sản xuất hàng hóa tập trung.
Đơn giản các thủ tục và điều kiện vay vốn. Thay vì yêu cầu phải có sổ đỏ đất và các tài sản thế chấp khác, cần xem xét các điều kiện khác có thể đảm bảo thế chấp để vay vốn ngân hàng như: tài sản trên đất của (nhà xưởng), tài sản hình thành từ vốn vay, dự án đầu tư, hợp đồng hợp tác, hợp đồng bảo hiểm…. của hộ nông dân, trang trại, DN và HTX, THT.
Cần có chính sách đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý về kỹ năng quản lý chiến lược và kỹ năng phát triển kinh doanh trong nông nghiệp.
Đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng nông nghiệp nông thôn phù hợp với đặc thù của chu kỳ sản xuất từng sản phẩm trong nông nghiệp; phát triển hình thức tín dụng liên kết theo chuỗi; xây dựng khung thống nhất về quy trình sản xuất đối với từng chuỗi giá trị.
Thu Hường