Ở một nước có tới 70% dân số sống ở nông thôn, hơn 50% lao động sống nhờ nông nghiệp như Việt Nam thì đất đai là tư liệu sản xuất quan trọng, là nền tảng tổ chức sản xuất nông nghiệp.
Tuy nhiên, đất nông nghiệp hiện trong tình trạng hết sức manh mún, phân tán. Việt Nam có khoảng 11,9 triệu hộ sản xuất nông nghiệp, trong đó 35% số hộ có diện tích canh tác dưới 0,2 ha, 69% số hộ có diện tích dưới 0,5 ha và 80% số hộ có diện tích canh tác dưới 1 ha.
Rào cản lớn
Theo Ths. Vũ Thành Bao - Đại học Kinh tế Quốc dân, yêu cầu sản xuất nông nghiệp quy mô lớn trên cơ sở ứng dụng KH-CN hiện đại đã và đang đòi hỏi đất đai phải được sử dụng tập trung với quy mô nhất định. Sự hình thành bước đầu quy mô sản xuất cánh đồng mẫu lớn ở miền Nam và những cố gắng dồn điền đổi thửa thời gian qua ở miền Bắc khi thực hiện kế hoạch xây dựng nông thôn mới đã có tác động tích cực tới nhận thức và phương thức sản xuất của người nông dân. Song, trên thực tế, đây vẫn là quá trình vô cùng khó khăn phức tạp.
Than phiền về rào cản đất đai, ông Lê Văn Tam - Chủ tịch HĐQT công ty Mía đường Lam Sơn, cho rằng Luật Đất đai hiện nay là rào cản lớn đối với DN muốn đầu tư vào nông nghiệp. Lý do là đất đai hoàn toàn là sở hữu công, nông dân không có quyền chuyển đổi, bán. Vì vậy, DN rất khó để tích tụ ruộng đất để sản xuất lớn. Để giải quyết được vấn đề này, phải sửa đổi từ Luật Đất đai.
![]() |
Tích tụ ruộng đất là điều kiện cần để có được nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn
Thừa nhận rào cản đất đai khiến DN không muốn đầu tư vào nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT - ông Nguyễn Xuân Cường, khẳng định hiện nay, một trong những khó khăn điển hình kìm hãm DN đầu tư vào nông nghiệp là nút thắt đất đai. Tất cả DN đầu tư muốn sản xuất phải có đất.
Bộ trưởng cho biết, để giải quyết đất cho DN, nhiều tỉnh đã sáng tạo cách làm. Chẳng hạn tại tỉnh Hà Nam, trên cơ sở giao quyền sử dụng đất nông nghiệp cho nông dân, những nơi nông dân cảm thấy làm hiệu quả không bằng dồn vào một tổ chức làm tốt hơn thì trên cơ sở dân tự nguyện, tỉnh đại diện giao lại đất cho DN. Quyền sử dụng đất vẫn của nông dân, chuyển quyền sử dụng trong giới hạn thời gian nhất định.
Hay như tại Nam Định, một số DN mạnh dạn tiếp nhận quyền sử dụng đất qua việc chuyển nhượng của người dân, tuy nhiên vấn đề này bị giới hạn bởi hạn điền. Hiện nay, quy định hạn điền cho phép DN tiếp nhận chuyển nhượng chỉ giới hạn 20 - 50 ha. Tuy nhiên, DN tổ chức làm tốt vẫn tích tụ được diện tích nhất định.
Bảo đảm quyền lợi của nông dân
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, vừa qua, Ban kinh tế Trung ương đã tổ chức diễn đàn tìm hiểu, xúc tiến DN đầu tư vào nông nghiệp. Hai vấn đề nổi cộm được tập trung tháo gỡ thời gian tới là tích tụ đất để DN có điều kiện sản xuất; tập trung nhóm giải pháp để phát triển kinh tế hợp tác, chủ thể là HTX.
Cũng tại Diễn đàn này, ông Nguyễn Văn Bình - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, cho rằng phải tích tụ được ruộng đất mà vẫn bảo đảm được quyền lợi của người nông dân. Chúng ta đã có nhiều mô hình thành công, do đó cần tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi cho DN. Phải bảo đảm chủ trương, chính sách để bảo đảm tích tụ ruộng đất, tạo điều kiện cho DN phát triển.
Làm sao để tích tụ ruộng đất có hiệu quả là yêu cầu được đặt ra. Ts. Đặng Kim Sơn - nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp (IPSARD), cho rằng muốn tích tụ được đất đai thì phải giải quyết được 3 vấn đề.
Thứ nhất, gắn với thị trường lao động, thậm chí là gắn với chiến lược công nghiệp hóa: làm sao tạo ra việc làm và thu nhập phi nông nghiệp một cách chính thức để rút mạnh lao động nông thôn ra khỏi nông nghiệp.
Thứ hai, là tạo điều kiện cho những nông dân có năng lực ở lại, tích tụ được đất, thủ tục thuê đất, mua đất thuận lợi, chi phí giao dịch rẻ, có vốn mua đất, mua máy, có đường, có điện áp dụng cơ giới, mảng này gắn với thị trường đất đai và cơ sở hạ tầng.
Thứ ba, gắn với vấn đề phát triển nông thôn, có chính sách để có thể thu hút các DN đầu tư vào nông thôn, hợp tác với nông dân sản xuất lớn giải quyết vấn đề đầu vào và đầu ra cho nông nghiệp. Ba mảng này phải lồng ghép với quá trình tái cơ cấu nền kinh tế chung, kể cả việc sửa đổi Luật Đất đai.
Tích tụ ruộng đất là điều kiện cần để có được nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Nhiều ý kiến cho rằng, tích tụ ruộng đất quan trọng nhất là làm sao để người dân tin tưởng, yên tâm cho thuê đất, hoặc góp đất, qua đó xác định nghĩa vụ để cùng hợp tác sản xuất hiệu quả.
Thu Hường