![]() |
Những núi than được che chắn sơ sài
Có mặt tại thôn Đá Bạc vào những ngày này, điều dễ nhận thấy nhất là màu xám đen của bụi than bao trùm lên khắp làng… từ mọi con đường, cây cối, nhà cửa. Trời mưa phùn, đường làng nhớp nháp, sình lầy. Theo người dân, trời nắng ráo, gió bắc, bụi bay mù mịt khắp làng.
Sống cùng bụi than
Đi quanh khu vực ngoài đê, hàng chục đống than được tập kết. Tiếng ồn từ các máy nghiền, sàng than liên tục phát ra. Trong quá trình sản xuất, các doanh nghiệp (DN) không có nhà xưởng, bạt để che chắn các “núi than” nên chỉ cần khi có gió nhẹ, bụi than đã dễ dàng bị khuếch tán sang khu dân cư. Hầu hết các núi than này đều cao hơn mặt đê, thậm chí có đống than cao bằng nóc nhà của dân.
Bà N.T.G cho biết: Nhà tôi cách bãi tập kết than trên đê khoảng 100m. Một ngày lau nhà đến 5 lần mà bẩn vẫn hoàn bẩn. Tất cả nhà cửa, sân, vườn và các đồ đạc trong nhà như giường, tủ, ti vi đều nhuốm một màu đen, cứ chạm đến vật gì thì tay lại đen đến đó. Ăn cùng bụi, ngủ cùng bụi… Trẻ con mặt mũi, quần áo đứa nào cũng nhem nhuốc vì bụi.
Còn bà B.T.V bức xúc: Hàng chục núi than sau khi nghiền, chất thành đống cao không che chắn đã tỏa bụi bay khắp các nhà dân. Nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm, nước uống trong mỗi gia đình đen kịt bụi than khiến người dân hoảng sợ. Trẻ em, người già mắc bệnh hô hấp triền miên, nghiêm trọng. Rau màu, cây cối xơ xác…
![]() |
Hệ thống thoát nước chưa hoàn thiện
Năm 2015, quá bức xúc với tình trạng ô nhiễm môi trường sống, hàng trăm hộ dân hai thôn đã tập kết đá và dựng lều tại đê trong vòng gần nửa năm để phản đối các đơn vị gây ô nhiễm.
Tuy nhiên, theo bà B.T.V: Do quá mất thời gian, tiền bạc và công sức nên sau gần nửa năm “đấu tranh”, bám trụ tại đê, bà con đã dời đi. Sau cuộc dời đi của bà con, các đơn vị kinh doanh than lại tiếp tục hoạt động trở lại.
Chưa thực hiện đúng cam kết môi trường
Ông Nguyễn Văn Công - Chủ tịch UBND xã Lưu Kỳ, cho biết: Toàn khu vực ngoài đê Đá Bạc có chiều dài khoảng 1.400m. Hai năm trước, cơ quan chức năng đã cho dừng hoạt động của hai DN (chuyên ép dầu, cao su và và nung vôi) nên tình trạng khói đen ô nhiễm gây tức ngực, khó thở đã được chấm dứt, hiện nay chỉ còn bụi than.
Trước mùa hanh khô, xã đã có văn bản thông báo xuống các hộ, DN có hoạt động kinh doanh, tập kết than, yêu cầu các hộ kinh doanh bảo đảm đúng quy định về môi trường.
Chính quyền địa phương đã có nhiều biện pháp như yêu cầu các hộ kinh doanh than không được lấn chiếm khu vực mặt đê, lùi ra xa khoảng 20m, trồng cây trên hành lang đê, 13 đơn vị kinh doanh đóng tiền để thuê phương tiện tưới nước, thuê người quét dọn đường đê và 2 thôn Bạch Đằng và Đá Bạc. Tuy nhiên, số lượng than tập kết về đó quá lớn nên vẫn gây ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân.
![]() |
Con đường đi trở nên sình lầy
Ông Bùi Trung Mạnh - Phó trưởng phòng TN&MT huyện, cho biết: Vừa qua, đoàn kiểm tra đi kiểm tra bất chợt 3 đơn vị về việc thực hiện cam kết môi trường. Các đơn vị đã kiểm tra đều chưa bảo đảm các điều kiện về môi trường.
Bãi than của bà Bùi Thị Gái đã bị đoàn kiểm tra lập biên bản xử phạt về hành vi không có hệ thống thu gom nước thải riêng biệt với nước mưa và không có hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật. Tuy nhiên, đơn vị vẫn chưa nộp phạt.
Kế hoạch trong thời gian tới, đoàn sẽ tiếp tục rà soát kiểm tra hết các đơn vị kinh doanh than còn lại tại khu vực sông Đá Bạc và có báo cáo cụ thể về UBND huyện.
Ông Bùi Doãn Nhân, Phó Chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên, cho biết: “UBND huyện đã chỉ đạo, yêu cầu các DN, hộ kinh doanh phải tuân thủ nghiêm công tác bảo vệ môi trường. Nếu hộ kinh doanh nào không thực hiện đúng, huyện sẽ ra quyết định dừng hoạt động kinh doanh”(?!).
Thanh Vân