Thống kê của Bộ Y tế, trong năm 2015, toàn quốc ghi nhận 171 vụ ngộ độc thực phẩm với 4.965 người mắc và 23 trường hợp tử vong. Cũng theo báo cáo của Thanh tra Bộ NN&PTNT cho biết, năm 2015, thông tin từ 59 tỉnh, thành gửi về cho thấy, qua kiểm tra gần 49.500 cơ sở, phát hiện tới gần 10.200 cơ sở vi phạm (khoảng 20%), đặc biệt là việc dùng chất cấm trong thức ăn chăn nuôi...
Những con số đáng báo động
Theo Báo cáo của Cục Bảo vệ thực vật (BVTV),, khi kiểm tra tại hơn 11.000 cơ sở sản xuất, buôn bán thuốc BVTV có đến hơn 2.000 cơ sở sản xuất và buôn bán thuốc kém chất lượng; khi thanh kiểm tra 11.000 hộ nông dân, có đến 1/5 hộ vi phạm quy trình chuẩn sử dụng thuốc BVTV, 40/120 mẫu rau chứa tồn dư thuốc BVTV vượt mức cho phép, 62% thịt gia súc, gia cầm trong tổng số 735 mẫu không an toàn cho người tiêu dùng (NTD). Đây chính là nguồn cơn tạo ra thực phẩm bẩn.
Từ những con số trên, có thể thấy cái chết đang rình rập trên từng mâm cơm gia đình, mâm cơm trong các bếp ăn tập thể, thậm chí ngay trong từng bữa ăn của trẻ nhỏ. Chưa bao giờ trẻ em Việt Nam lại bị ung thư nhiều như hiện nay. Việt Nam đang có tỷ lệ ung thư cao nhất thế giới, mà nguyên nhân chính là do nhiều người Việt Nam đang ngày ngày đầu độc chính đồng bào của mình.
Rất nhiều chế tài cùng với sự phối hợp vào cuộc của cơ quan quản lý liên ngành đã được thành lập và đi vào thực thi, song vì sao tình trạng thực phẩm bẩn vẫn không giảm.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bảo vệ quyền lợi NTD, cho rằng mấu chốt vẫn là việc tổ chức thực thi luật còn nhiều yếu kém.
Câu chuyện về 9 tấn Salbutamol được Bộ Y tế cho nhập khẩu (NK) vào nội địa, nhưng lại thiếu sự giám sát đường đi của chất này, khiến 80% số chất này được tuồn ra thị trường làm chất tạo nạc trong chăn nuôi lợn. Sự việc bị phát hiện, dư luận càng hoang mang hơn khi chứng kiến sự đùn đẩy trách nhiệm của hai Bộ Y tế và NN&PTNT. Và đến nay, vẫn chưa có “bản án” nào dành cho hành vi “thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ”.
![]() |
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo tỷ lệ ung thư của Việt Nam được đánh giá là cao nhất thế giới, mà nguyên nhân bị nghi ngờ là do các loại hóa chất độc hại trong thức ăn hàng ngày.
Trở thành quốc nạn
Trong phiên khai mạc kỳ họp 11 Quốc hội khóa XIII mới đây, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã ví tình trạng mất ATTP là “quốc nạn” cần phải tập trung giải quyết ngay.
Còn bà Lê Thị Nga – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp, lo ngại: “Nếu chúng ta không ngăn chặn được vấn nạn thực phẩm bẩn thì không thể bảo đảm quyền tiếp cận thực phẩm sạch của người dân. Đồng thời, không có một nền nông nghiệp sạch, chúng ta sẽ thua ngay trên sân nhà trước các sản phẩm sạch ngoại nhập”.
Thứ trưởng Bộ Công Thương – ông Trần Quốc Khánh, cho rằng vấn đề VSATTP cần phải chú trọng khi tham gia sân chơi này. Cách duy nhất để kiểm soát được VSTP, chất lượng nông sản là đưa nông nghiệp manh mún thành ngành sản xuất quy mô lớn, áp dụng công nghệ vào khâu chế biến, sau thu hoạch...
Khi mà NTD đang mất niềm tin nghiêm trọng với các mặt hàng thực phẩm trong nước, thì nhu cầu tìm đến những nguồn thực phẩm sạch ngoại nhập sẽ tăng mạnh. Điều này sẽ đẩy ngành nông nghiệp đứng trước sự cạnh canh gay gắt từ các nước TPP.Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế đất nước.
Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam – bà Đinh Thị Mỹ Loan, cho rằng thị trường nội địa vẫn còn rất nhiều vấn đề làm cho NTD lo lắng. Các DN cần phải ý thức được vấn đề phải làm sao có thực phẩm sạch, ATVS cho NTD; liên kết để cho ra đời chuỗi sản xuất – cung ứng thực phẩm sạch đến tay NTD. Có như vậy mới mang lại niềm tin cho NTD và cũng là cách để DN trong nước đáp ứng được yêu cầu về chất lượng hàng hóa mà các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Liên minh châu Âu đưa ra.
“Để hiện tượng ngộ độc thực phẩm liên tục xảy ra thời gian qua là không thể chấp nhận được. Nó không chỉ gây thiệt hại về sức khỏe của người dân, mà còn là hiện tượng không đẹp của đất nước về thị trường thực phẩm, đặc biệt sẽ khó khăn với nền kinh tế Việt Nam”, Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam Đinh Thị Mỹ Loan nói.
Huyền Anh