Chiều ngày 17/10, Vinastas công bố kết quả khảo sát nước mắm trên toàn quốc. Theo đó, có đến 101/150 mẫu được kiểm định chất lượng có hàm lượng asen (thạch tín) vượt ngưỡng cho phép. Đáng chú ý, 95,65% nước mắm độ đạm càng cao, chứa thạch tín càng nhiều.
Quy chuẩn nào về asen?
Một khảo sát mới đây của Vinastas cho thấy, Theo quy định QCVN 8-2:2011/BYT, hàm lượng asen cho phép có trong sản phẩm nước chấm tối đa là 1,0 mg/l. Tuy nhiên, kết quả thử nghiệm asen tổng cho thấy có đến 101/150 mẫu khảo sát (chiếm 67,33%) không đạt quy định này.
Tuy nhiên, ông Phạm Tiến Dũng - Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành của Thanh tra Bộ NN&PTNT, cho biết asen phát hiện ở đây không phải là asen vô cơ mà là asen hữu cơ, tức tự thân trong động vật (cá) đã sản sinh ra asen này. Việc hàm lượng asen hữu cơ vượt ngưỡng như vậy cần có những nghiên cứu để đánh giá, xem liệu chuyện vượt ngưỡng này có ảnh hưởng tới sức khỏe của NTD hay không.
Trước kết quả thử nghiệm trên, PGs.Ts. Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội), cũng có ý kiến, cho rằng việc lấy quy chuẩn của Bộ Y tế về asen trong thực phẩm làm thước đo đánh giá là đúng, nhưng xác định hàm lượng để công bố thì lại sai và đang gây ra hoang mang.
Theo ông Thịnh, đối với việc xác định hàm lượng asen trong nước mắm, nếu là tổng lượng asen thì khác, mà lượng asen vô cơ lại khác. Asen vô cơ thì độc, còn asen hữu cơ không độc, nó vẫn tồn tại như một chất tự nhiên có trong con cá.
![]() |
Hiện chưa có công bố nào nói nước mắm nào là không an toàn
Đáng chú ý, kết quả khảo sát còn kết luận nước mắm có độ đạm càng cao thì hàm lượng asen càng nhiều, dẫn đến nhiều suy diễn khác nhau, gây hoang mang cho NTD.
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, kết luận này là không có cơ sở và không công bằng đối với ngành sản xuất nước mắm, nhất là nước mắm truyền thống với độ đạm cao. Bởi cũng theo kết quả khảo sát này, đối với những mẫu nước mắm có hàm lượng đạm cao, lượng asen vô cơ lại hầu như không có.
Ts. Trần Thị Dung - chuyên gia thủy sản, cho rằng Bộ Y tế chỉ có quy định về asen vô cơ, nhưng ở đây lại khảo sát asen tổng. Theo bà Dung, kết quả khảo sát trên là không đúng, vì tiêu chuẩn Việt Nam không có. Hiện tại, chỉ có quy chuẩn về kim loại nặng như chì, thủy ngân....
Có asen, nước mắm có độc?
Theo Tổng cục Thống kê, người dân Việt Nam mỗi năm tiêu thụ hơn 200 triệu lít nước mắm. Tuy nhiên, hiện chưa có đầy đủ quy chuẩn để quy định nước mắm thế nào được gọi là an toàn.
Ông Huỳnh Ngọc Diệp - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc điều hành công ty CP Thủy sản 584 Nha Trang, cho rằng nước mắm đạm càng cao thì asen càng nhiều là do làm từ tinh chất cốt cá, mà trong cá có asen hữu cơ, mà về bản chất thì asen hữu cơ không độc hại.
“Hiện nay, có nhiều luồng thông tin về việc cá biển có asen và Bộ Y tế cũng có giới hạn về asen vô cơ trong cá, nên nước mắm được làm từ cá đương nhiên có asen. Còn nước mắm công nghiệp được pha chế thì không có asen. Asen không phải là tiêu chuẩn để đánh giá nước mắm đó thật hay không thật”, ông Thịnh khẳng định.
Nước mắm truyền thống là được sản xuất theo phương pháp truyền thống của người dân. Cách làm này vừa lâu mà nước mắm lại mặn, chu kỳ sản xuất dài.
Nước mắm công nghiệp là nước mắm được sản xuất theo phương pháp công nghiệp hiện đại, bằng cách dùng những loại enzim được sản xuất công nghiệp để thủy phân protein trong cá. Phương pháp này rút ngắn thời gian làm. Đồng thời, nhà sản xuất cũng có thể tăng thêm độ đạm bằng cách dùng protein trong cá đã được thủy phân bổ sung vào mắm để tăng hàm lượng đạm.
Ông Thịnh cũng cho rằng 150 mẫu nước mắm dùng để khảo sát không phải là mẫu đại diện, mà phải phân tích nhiều lần thấy lặp lại con số thống kê mới được công bố kết quả.
Theo ông Phạm Tiến Dũng, trong khảo sát của Vinatas có nói rằng asen vượt ngưỡng rất cao, nhưng asen này là do người sản xuất cho vào, hay asen hữu cơ? Ảnh hưởng thế nào tới sức khỏe NTD thì cần phải có đánh giá và ý kiến của các bên liên quan.
Thùy Linh