Theo ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, chăn nuôi hiện nay đang là sinh kế của 11,3 triệu hộ làm nông nghiệp, (khoảng 55-58 triệu người dân làm nông nghiệp), chiếm 60-63% dân số Việt Nam. Trong đó, 4 triệu hộ chăn nuôi heo; 7,9 triệu hộ nuôi gà ; 2,7 triệu hộ nuôi vịt; 2,5 triệu hộ nuôi bò thịt; 1,6 triệu hộ nuôi trâu, gần 24.000 hộ nuôi bò sữa.
Theo Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, thị trường TACN nước ta có doanh số hàng năm lên tới 6 tỷ USD và nhu cầu luôn tăng 13- 15%/năm. Dự kiến đến năm 2020, thị trường cần 25- 26 triệu tấn TACN.
Phân chia lợi nhuận không đều
Hiện, cả nước có 239 nhà máy chế biến TACN, trong đó 180 nhà máy là của các DN trong nước, 59 nhà máy còn lại là thuộc DN liên doanh và doanh nghiệp FDI. Số lượng nhà máy liên doanh và FDI không nhiều nhưng lại đang chiếm 60-65% tổng sản lượng TACN sản xuất ra. Ngược lại, khối tư nhân và khối nhà nước có số lượng nhà máy lớn nhưng lại chỉ chiếm 35-40% trong tổng sản lượng.
DN chiếm thị phần cao nhất hiện nay là công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam với 19,4%; kế tiếp là công ty TNHH Cargill Việt Nam với 8,11%; xếp sau lần lượt là các doanh nghiệp như Proconco (8%); Green Feed (5%); Anco (4%)… Chỉ riêng hai công ty đầu ngành CP và Cargill đã chiếm gần 30% thị trường TACN của cả nước.
Khâu chăn nuôi và sản xuất TACN liên quan chặt chẽ với nhau như vậy nhưng có một thực tế là có sự phân chia lợi nhuận không đồng đều. Các DN sản xuất TACN đang hưởng lãi suất khủng, nông dân thì chi phí đầu vào cao nên lợi nhuận không được bao nhiêu.
Mấy năm nay, người chăn nuôi lao đao khi phải chịu nhiều sức ép từ giá thức ăn quá cao, dịch bệnh, đến việc thịt nhập ngoại giá rẻ tràn lan vào nước ta thời gian qua khiến nhiều nông dân thua lỗ.
Nhưng các DN TACN lại đang sống khỏe với lợi nhuận khá cao. Ông Lê Bá Lịch thừa nhận lĩnh vực sản xuất TACN có lợi nhuận tương đối khá, khoảng 5-7% đối với thức ăn hỗn hợp và 7-8% đối với thức ăn đậm đặc.
Ngoài ra, lợi nhuận của lĩnh vực TACN còn khoảng 10% nằm ở các khâu đại lý như kiểu “đa cấp”. Nếu có dịch vụ cung cấp TACN xuống đến trang trại, có thể giảm 10% giá thành, mà muốn giảm được 10% này, cần phải bỏ qua hết được các khâu phân phối cấp 1, cấp 2 kiểu “đa cấp”.
Con số lợi nhuận của DN TACN, theo ông Âu Thanh Long, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ, đưa ra còn cao hơn so với thông tin từ ông Lê Bá Lịch.
Theo ông Long, giá TACN ở Việt Nam cao hơn khoảng 20% so với các nước trong khu vực như Indonesia, Thái Lan. Giá này, trừ thuế VAT 5%, lợi nhuận của các công ty TACN từ 11 – 15%. Đáng nói là ở Thái Lan, người ta quy định lợi nhuận đối với mặt hàng này chỉ khoảng 5%, không được cao hơn, nhưng ở Việt Nam thì không ai quản lý.
Nhiều ý kiến nghi vấn là các DN TACN còn bắt tay nhau, thao túng thị trường đẩy giá TACN lên cao. Tuy nhiên, ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thủy sản, khẳng định đoàn thanh tra liên ngành gồm đại diện của 5 bộ đã tiến hành kiểm tra 7 DN sản xuất TACN có vốn đầu tư nước ngoài (FDIvà không phát hiện chất cấm và tình trạng thao túng giá thức ăn chăn nuôi.
![]() |
Các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi đang tìm mọi cách để giành thị phần
Chi hoa hồng “khủng”
Kết quả của đoàn kiểm tra cho thấy có hiện tượng chiết khấu “hoa hồng” quá lớn, chiếm 20 – 30% dẫn tới giá TACN cũng bị đẩy lên cao. Có đại lý của các DN này chỉ bán vài chục tấn TACN cho khách hàng mà mỗi năm tổ chức hội nghị khách hàng rất hoành tráng và tặng cả xe ô tô_Camry hàng tỷ đồng cho khách hàng, từ đó cho thấy chiết khấu “hoa hồng” của lĩnh vực chăn nuôi là rất cao. Việc chiết khấu quá lớn như vậy khiến giá thức ăn bị đẩy lên cao.
Chủ một đại lý bán cám trên địa bàn Hà Nội thừa nhận, cách đây một vài năm, khi còn có ít DN sản xuất TACN tham gia vào thị trường thì họ thường cạnh tranh với nhau về mặt giá cả. DN nào bán sản phẩm với giá mềm sẽ chiếm được thị phần lớn trên thị trường.
Chủ đại lý này cho biết thêm rằng giờ đây các DN TACN đã thay đổi chiến lược, họ cạnh tranh nhau bằng chính sách chiết khấu hoa hồng, chính sách khuyến mãi và còn giao nhiệm vụ cho nhân viên thị trường đi xuống từng địa bàn mở càng nhiều đại lý càng tốt.
Ts. Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi quốc gia, cho rằng hiện còn rất nhiều “ẩn số” trong ngành sản xuất, kinh doanh TACN. Đến nay, cơ quan nhà nước hầu như không nắm được sản lượng TACN sản xuất hàng năm, các con số đưa ra chỉ là ước lượng, dựa trên năng lực của các nhà máy. Điều này khiến việc phân chia lợi nhuận giữa DN TACN và người chăn nuôi không được rõ ràng, minh bạch.
Thu Hường