Kể từ ngày 10/8/2017, Thông tư 08 về quy định đăng ký kê khai giá sữa và thực phẩm chức năng (TPCN) dành cho trẻ em dưới 6 tuổi do Bộ Công Thương ban hành chính thức có hiệu lực. Đáng nói, Thông tư 08 có nhiều đổi mới, trong đó nổi bật là tập trung vào việc quản lý giá bán lẻ hàng hóa. Đây mới là mức giá mà người tiêu dùng (NTD) được tiếp cận và cũng chính là mục tiêu quản lý của nhà nước đối với giá các mặt hàng nhạy cảm này.
Tôn trọng quyền của doanh nghiệp
So với các quy định trước đây về quản lý giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, Thông tư 08 có nhiều điểm mới bảo đảm quyền lợi cho cả DN và NTD.
Điểm nổi bật đó là, đối với DN, Thông tư 08 đã trao quyền định giá cho các DN đối với hàng hóa của mình và chịu trách nhiệm đối với mức kê khai theo đúng chế độ hạch toán kế toán hiện hành.
Theo đó, các hệ thống phân phối phải kê khai như thế nào. DN khi nhập khẩu hay sản xuất sẽ có đăng ký giá với Bộ Công Thương và các cơ quan có thẩm quyền cấp địa phương. Nếu thay đổi biên độ dưới 5% thì DN vẫn được chủ động quyền thay đổi, nhưng phải thông báo với cơ quan nhà nước - điều này thể hiện quyền chủ động của DN.
Đối với NTD, trong Thông tư này có mục đăng ký giá bán lẻ cuối cùng đến tay NTD. Đây là điểm khác biệt, bởi trước đây cơ quan nhà nước chỉ quản lý giá bán buôn. Tránh tình trạng mỗi nơi phân phối bán lẻ một giá như trước đây, có địa phương bán cao hơn với giá công ty niêm yết đến vài chục nghìn đồng.
Thông tư 08 cũng quy định rõ ở từng vùng địa lý, từng địa bàn khác nhau, DN, doanh nhân, nhất là doanh nhân bán lẻ có thể kê khai giá với các cơ quan có thẩm quyền tại địa phương đó, nhưng phải giải trình đầy đủ, cụ thể chi phí phát sinh này.
Không chỉ về giá, NTD còn lợi về cả chất lượng, khi cơ quan quản lý công bố sản phẩm chất lượng hàng hóa của DN đến NTD cuối cùng.
![]() |
Giá sữa cuối cùng cũng được quản lý theo cơ chế thị trường
Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), Thông tư 08 đã lấp đầy “lỗ hổng” về trách nhiệm, quyền hạn của DN và quyền lợi của NTD, bảo đảm được lợi ích của người kinh doanh cũng như NTD.
Ông Nguyễn Lộc An - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, cho rằng từ chỗ quản lý phần ngọn, nay việc quản lý được thực hiện theo chuỗi (công bố sản phẩm chất lượng, giá cả, đầu vào…), quản lý giá theo giá bán lẻ là một bước tiến để NTD được hưởng lợi nhiều hơn.
Vừa làm vừa rút kinh nghiệm
Dù Thông tư 08 có nhiều đổi mới, nhận được sự đồng tình của các chuyên gia, các DN sản xuất và phân phối sữa, song vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn: Liệu giá sữa có được quản lý tốt hơn sau 10/8/2017?
Tại Hội nghị hướng dẫn triển khai Thông tư 08 mới đây, hầu hết các đại biểu tham dự đều đồng tình với nội dung của Thông tư và cho rằng việc ban hành và đi vào hoạt động của Thông tư sẽ góp phần quan trọng cho việc bình ổn giá sữa, nhất là đối với các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.
Tuy vậy, có nhiều ý kiến nhận định, việc triển khai lại không hề dễ dàng, do còn nhiều vấn đề chưa được hướng dẫn cụ thể, như: hiện nay chưa có quy định phân biệt rõ ràng đâu là sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi; hay DN nhập khẩu lớn có nhiều nhà phân phối thì các nhà phân phối tại địa phương sẽ phải đăng ký giá sữa lên cấp nào; việc phân chia theo các khu vực quản lý sẽ phát sinh nhiều thủ tục gây phiền hà cho DN…
Đại diện Sở Công Thương tỉnh Hải Dương cũng chia sẻ, khi nhận được Thông tư 08 ban hành chính thức, Sở rất lo lắng vì đây là việc tương đối khó.
Vị đại diện này lấy dẫn chứng: “Ở Hải Dương phải có đến 1 vạn cửa hàng, đại lý bán sữa. Trong trường hợp họ không kê khai mà vẫn bán, hoặc bán giá cao hơn, thì chế tài xử phạt như thế nào; hoặc có nhà phân phối cấp 1 nhập hàng ở nhiều cửa khẩu khác nhau. Do đó, Sở Công Thương địa phương không thể nắm hết được để quản lý”.
Băn khoăn của Sở Công Thương Hải Dương được đại diện Vụ Thị trường trong nước giải đáp: Việc tỉnh có trên 1 vạn cửa hàng, đại lý bán sữa thì không cần đăng ký với Sở Công Thương, mà chỉ cần niêm yết giá bán trên hộp sữa. “Nếu các đại lý phân phối không kê khai giá hoặc bán giá cao hơn mức giá khuyến nghị thì các đại lý đó vi phạm quy định về quản lý giá và sẽ bị xử phạt theo Nghị định 109/2013/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực quản lý giá”, ông An khẳng định.
Riêng việc nhập khẩu các sản phẩm sữa, đại diện Sở Công Thương Hải Dương cho rằng, Bộ Công Thương nên đề nghị Tổng cục Hải quan cung cấp danh sách để các DN nắm được.
Ông An cho biết để đánh giá đúng, các Sở Công Thương phải phối hợp chặt chẽ với các sở ngành địa phương. Việc ban hành Thông tư 08 với phương châm vừa làm vừa giúp NTD.
Thanh Hoa