Mới đây (ngày 13/8), Cục An ninh văn hóa, thông tin và truyền thông (A87, Bộ Công an) đã bắt giữ hơn 51.000 cuốn sách in lậu tại Long Biên (Hà Nội). Theo đại diện A87, đây được coi là đợt bắt giữ kho sách lậu lớn nhất Việt Nam từ trước tới nay. Và, thực tế cho thấy số lượng sách lậu bị ngăn chặn chỉ là một phần rất nhỏ so với số lượng sách lậu đang trôi nổi trên thị trường.
"Ma trận" sách, đồ dùng học tập
Các nhà xuất bản (NXB) ồ ạt "mọc lên như nấm" khiến thị trường sách và ĐDHT đang thực sự trở thành "ma trận", khiến PH, HS gặp không ít áp lực khi mua sắm. Sách lậu và ĐDHT chất lượng thấp có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng dạy và học trong nhà trường.
Ông Phạm Tuấn Vũ - Phó Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ TT&TT): "Thị trường sách lậu đang ngày càng phức tạp và gia tăng. Điều này không chỉ gây tổn hại lớn đến các NXB, mà còn gây hại cho người dạy và người học".
Sách lậu thường "đội lốt" các NXB uy tín, nhưng thực tế lại không được biên tập, kiểm tra kỹ lưỡng khi in, vì vậy, rất dễ xảy ra nhầm lẫn, sai sót. Chị Phạm Quỳnh Trâm (Nam Từ Liêm, Hà Nội) kể: "Đã mấy lần tôi mua phải sách kém chất lượng, lần thì thiếu trang, lần thì sai nội dung, sai chính tả… Vì thế, bây giờ tôi chấp nhận đi xa hơn, đến các hiệu sách lớn, có uy tín để mua sách cho con".
Phụ huynh, học sinh cần thận trọng khi mua sách và đồ dùng học tập
Bạn Mai Anh Thư, học sinh trường THPT Chu Văn An (Hà Nội), chia sẻ: "Năm nay em lên lớp 12, nên chuẩn bị nhiều sách tham khảo để ôn thi đại học. Cũng nhiều lần mua phải sách lậu, có nội dung sai, giấy xấu, đọc rất mỏi mắt".
Không chỉ có sách, mà các loại ĐDHT kém chất lượng cũng đang "hoành hành" thị trường. Bút, mực, vở ghi, đồng phục, bảng đen, phấn, màu vẽ… đều có thể bị làm giả một cách tinh vi. Chị Thu Nga (Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay: "Có lần tôi đi chợ, tiện nên mua luôn mấy thứ đồ dùng học tập cho con, nhưng sau khi sử dụng vài lần thì bút mực bị nhòe, chảy mực…".
Giá cả cũng là một vấn đề đáng quan tâm, đi cùng sự sôi động của thị trường là tình trạng "loạn giá". PHHS nên tránh mua đồ không rõ xuất xứ, vì dễ bị "ép giá cao" và cũng không nên vì mua đồ giá rẻ để tránh "tiền mất tật mang".
Trên thực tế, sách lậu đang được in ấn ngày càng tinh vi và khó phát hiện. Chính vì vậy, các cơ quan chức năng và các NXB đang nỗ lực tìm giải pháp để giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, ngoài sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, chính bản thân PH, HS cần tỉnh táo để tránh rơi vào "ma trận" sách lậu, đồ dùng kém chất lượng.
Phụ huynh, học sinh tỉnh táo "phá trận"
Đại diện NXB Giáo dục - một trong những đơn vị bị mạo danh nhiều nhất, cho biết: "Tất cả sách đều được dán tem chống giả. Tuy nhiên, các đơn vị in sách lậu cũng ngày càng tinh vi làm giả, khiến PH, HS khó nhận biết. Vì vậy, cách tốt nhất là tìm đến các hiệu sách lớn, có uy tín. Và, trước khi mua cần kiểm tra thật kỹ bằng mắt thường chất lượng giấy, mực in, số trang…".
Hiện tại, nhiều trường cũng tổ chức bán sách, vở và ĐDHT cho học sinh, các bậc PH nên mua ngay tại trường để được bảo đảm chất lượng. Khi buộc phải mua ngoài, nên xin sự tư vấn của các thầy cô giáo có kinh nghiệm, đặc biệt là khi mua sách tham khảo.
A87 (Bộ Công An) cũng cho hay: "A87 đang phối hợp với các đơn vị liên quan, bám sát thị trường để phát hiện và xử phạt các đơn vị tiêu thụ hàng giả. Tuy nhiên, vì thị trường sách lậu rất rộng và diễn biến phức tạp, nên cơ quan chức năng rất cần sự phối hợp của người tiêu dùng. Các bậc PH, HS khi phát hiện hàng giả cần giữ lại mẫu hàng, ghi nhớ địa chỉ và phản ánh và báo ngay cho cơ quan chức năng để được bảo đảm quyền lợi".
Ý thức và trách nhiệm của người dùng không chỉ giúp cơ quan chức năng làm việc có hiệu quả hơn, mà còn giúp người dùng bảo đảm lợi ích của mình. Ngược lại, sự thờ ơ với hàng giả sẽ chỉ làm cho thị trường thêm "loạn" và quyền lợi của người dùng bị xâm phạm.
Văn Hiến