Trong khi Bộ NN&PTNT cùng các bộ, ngành liên quan phải dồn trọng tâm để truy quét chất cấm (nhóm chất tạo nạc: salbutamol, clenbuterol…) thì việc phát hiện chất Vàng Ô bị một số cơ sở trộn vào thức ăn chăn nuôi lại một lần nữa khiến công việc của các ban ngành chức năng thêm bận rộn.
Danh mục chất cấm nối dài cũng làm dấy lên mối hoang mang trong dư luận về chất lượng thực phẩm ngày càng báo động.
Phát hiện nhiều DN dùng chất cấm
Theo nghiên cứu của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, khi con người ăn phải chất Vàng Ô còn tồn dư trong thực phẩm sẽ có nguy cơ biến đổi gen, mắc bệnh ung thư, hủy hoại sức khỏe. Với đặc tính nguy hiểm của chất này, Danh mục chất cấm lại được nối dài thêm.
Ngày 16/11, Bộ NN&PTNT đã ban thành Thông tư Danh mục bổ sung hóa chất, kháng sinh cấm NK, sản xuất, kinh doanh và sử dụng trong thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm tại Việt Nam. Thông tư có hiệu lực cùng ngày ký ban hành. Theo đó, Bộ NN&PTNT bổ sung chất Vat Yellow 1, Vat Yellow 2, Vat Yellow 3 và Vat Yellow 4, hay còn được gọi dưới cái tên Vàng Ô vào danh mục các chất cấm sử dụng trong chăn nuôi. Ngoài ra, còn có chất Auramine hay còn được gọi là cơ bản màu vàng 2, sử dụng trong công nghệ dệt nhuộm.
Cũng trong ngày 16/11, đoàn thanh tra chuyên ngành Bộ NN&PTNT đã phối hợp Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) tiến hành niêm phong, lập biên bản xử phạt công ty TNHH Thức ăn chăn nuôi Trường Phú (Hải Dương) vì hành vi sử dụng chất cấm Vàng Ô và Sabutamol trong thức ăn chăn nuôi.
Hiện, tang vật tại cơ sở này vẫn còn 2 thùng chất Vàng Ô đang dùng chưa hết và 1 thùng chất tạo màu vàng khác sử dụng trong công nghiệp nhuộm vải là Auramine, mỗi thùng chứa được 30kg đã được lực lượng chức năng niêm phong.
Ông Đoàn Văn Thênh, Giám đốc công ty khai nhận tính đến ngày 12/11/2015, lượng Vàng Ô đã được DN tiêu thụ là hơn 45 kg. Đã có gần 300 tấn thức ăn chăn nuôi được trộn lẫn chất cấm Vàng Ô được bán ra thị trường, cung cấp cho các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ ở nhiều tỉnh, thành khu vực phía Bắc.
Cũng ngay trong chiều 16/11, qua tiến hành kiểm tra đột xuất tại kho của công ty CP Dinh dưỡng Việt Nhật (Hưng Yên), các cơ quan chức năng phát hiện 11 thùng chất Vàng Ô (mỗi thùng có tổng trọng lượng 30 kg, trong đó có 10 thùng đã sử dụng hết, 1 thùng vẫn đang dùng dở, còn lại 25 kg). Tất cả đều có xuất xứ từ Trung Quốc. Các cơ quan chức năng đã tiến hành lập biên bản, niêm phong tang vật của công ty Việt Nhật, đồng thời lấy 28 mẫu đem đi kiểm nghiệm chất cấm.
Nguời tiêu dùng “chết từ từ”
Trước lo ngại về thực phẩm mất an toàn, một đại biểu Quốc hội đã phải thốt lên: “Chưa bao giờ con đường từ dạ dày tới nghĩa địa của mỗi người lại trở nên ngắn và dễ dàng đến thế”.
Nhiều ý kiến cho rằng, chế tài xử phạt đã có nhưng chưa đủ mạnh khiến doanh nghiệp nhờn luật, vì lợi nhuận mà bất chấp tất cả, cần hình sự hóa tội buôn bán, kinh doanh, sử dụng chất cấm.
Theo Đại tá Trần Trọng Bình - Phó Cục trưởng C49, quy định của pháp luật hiện hành thì chỉ có hành vi buôn bán, tàng trữ những loại chất cấm (như Salbutamol, Clenbuterol…) mới xử lý được, còn hành vi sử dụng chất cấm thì chưa có quy định xử lý cụ thể. Mặt khác, theo Điều 244 của Bộ luật Hình sự, vi phạm về ATTP phải gây hậu quả nghiêm trọng mới bị xử lý hình sự, tức là có người chết, ngộ độc hàng loạt…
Theo Đại tá Bình, người ăn các chất độc hại này không bị nặng ngay lập tức mà nó tồn dư, tích lũy lâu ngày ảnh hưởng đến sức khỏe vì vậy không nên đợi có hậu quả mới xử lý hình sự mà nên quy định chỉ cần đưa một lượng chất cấm vào trong chăn nuôi đã đủ cấu thành xử lý hình sự.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát thừa nhận, vấn đề chất cấm chúng ta mới xử lý được phần ngọn, nay phải tìm giải pháp triệt được tận gốc. Theo Bộ trưởng, hành vi trộn chất cấm vào thức ăn chăn nuôi là một tội ác cần phải làm triệt để.
Thu Hường