Theo lộ trình, năm 2016, ngành điện sẽ chính thức vận hành thử nghiệm thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Để bảo đảm cho thị trường này vận hành, Bộ Công Thương đã ban hành nhiều văn bản, trong đó có việc triển khai thay thế công tơ điện cơ bằng công tơ điện tử, để đo đếm điện năng và truyền dữ liệu từ xa. Việc làm này sẽ giúp ngành điện và khách hàng yên tâm về sự chuẩn xác của loại thiết bị hiện đại này.
Khách hàng bị “đánh úp”
Thế nhưng đến nay, số lượng công tơ điện tử được lắp chủ yếu cho các DN, cơ sở sản xuất kinh doanh, còn các hộ gia đình vẫn đang sử đụng công tơ điện cơ. Theo quy định, đối với các công tơ điện cơ, phải được thay thế để kiểm định định kỳ trong thời gian 5 năm 1 lần. Khi tiến hành kiểm tra, kiểm định, treo, tháo các thiết bị đo đếm điện điện năng (công tơ, TU, TI) phải có sự chứng kiến và xác nhận của khách hàng, hoặc đại diện của khách hàng vào biên bản kiểm tra, kiểm định công tơ.
Rõ ràng việc thay thế công tơ điện cũ theo định kỳ là một chủ trương đúng đắn, nhằm đảm bảo lợi ích cho cả ngành điện và người dân. Thế nhưng hiện nay, việc thay mới công tơ điện đang được nhiều công ty điện sử dụng hình thức “áo gấm đi đêm”, chỉ đến khi nhân viên điện lực mang tờ thông báo đến để khách hàng ký thì nhiều gia đình mới biết công tơ điện nhà họ đã được thay, trong sự ngỡ ngàng và bức xúc.
Phản ánh với báo Thời báo Kinh Doanh, anh Tân (có mã số khách hàng là PĐ 05000100xxx, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), cho biết ngày 22/2, Công ty Điện lực Nam Từ Liêm ra Thông báo số 211/TB-PCNTL về việc thay định kỳ công tơ - do Phó Giám đốc Nguyễn Văn Sơn ký, được dán tại bảng tin của tổ dân phố Sao Đồng, có nội dung: “Thực hiện kế hoạch thay công tơ hàng năm của Tổng công ty Điện lực Tp.Hà Nội, Công ty Điện lực Nam Từ Liêm trân trọng gửi thông báo để quý khách hàng được biết: Kể từ ngày 23 - 25/2/2016, Công ty Điện lực Nam Từ Liêm sẽ tiến hành thay định kỳ công tơ 1 pha theo quy định tại TBA Phú Mỹ II, cấp điện cho xóm Sao Đồng. Đề nghị quý khách hàng bố trí thời gian phối hợp thực hiện cùng với công ty...”.
Đáng nói là, việc thay mới công tơ điện chỉ diễn ra trong vòng 3 ngày, cách ngày thời điểm thông báo 1 ngày, trong khi văn bản thông báo của Công ty Điện lực Nam Từ Liêm cũng khẳng định, việc thay công tơ là theo định kỳ hàng năm và đây là kế hoạch của Tổng công ty Điện lực Hà Nội. Vậy lý do gì mà ngành điện phải nhập nhằng gấp rút triển khai.
Được biết hiện nay, Tổng công ty Điện lực Hà Nội (đơn vị chủ quản) đã triển khai tin nhắn điện tử đến số điện thoại di động của các khách hàng, để thông báo số tiền điện phải trả hàng tháng. Vậy tại sao các thông báo cần thiết như việc thay công tơ lại không áp dụng phương thức nhắn tin này? Dư luận cho rằng đây là việc làm nhập nhằng và thiếu tôn trọng khách hàng của “nhà đèn” quận Nam Từ Liêm.
Thực tế, các hộ dân ở xóm Sao Đồng nêu trên lại cho biết không có chuyện họ được thay công tơ định kỳ hàng năm. Nhiều hộ dân mua nhà ở đây đã gần chục năm và đến đợt này mới được thay công tơ mới. Các hộ dân nghi vấn: Công ty Điện lực Nam Từ Liêm không thay công tơ định kỳ theo quy định? Hoặc là công ty đã nhiều lần “đánh úp” thay công tơ mà các hộ dân ở đây không hề hay biết?...
![]() |
Liệu có sự minh bạch giữa người bán điện và người mua điện
Minh bạch...5 hay 10 năm nữa?
Ngành điện lực đang tiến tới thị trường bán lẻ điện minh bạch, thế nhưng việc âm thầm thay công tơ điện càng làm niềm tin của khách hàng với ngành điện giảm sút.
Đáng buồn là sự việc trên không chỉ xảy ra tại một số quận tại địa bàn Hà Nội, mà ở một số tỉnh cũng có phản ánh của người dân. Việc “lách luật” khi tiến hành kiểm định hàng loạt công tơ đo đếm điện năng mà không có sự xác nhận của khách hàng dùng điện về chỉ số cuối của công tơ khi đưa đi kiểm định và chỉ số đầu của công tơ thay thế, là cách mà các đơn vị trực tiếp cung cấp và quản lý điện áp dụng nhằm “hoàn thành kế hoạch”, liệu có sự minh bạch giữa người bán điện và người mua điện? Đây là câu hỏi mà nhiều người dân quan tâm, mong muốn các cơ quan chức năng giải quyết thỏa đáng.
Chức năng giám sát công tơ điện là để bảo đảm quyền bình đẳng giữa người mua và bán điện. Dư luận cho rằng để tạo được niềm tin với người dân, ngành điện cần phải có cơ quan kiểm tra giám sát điện năng và giải quyết các khiếu kiện về hợp đồng mua bán điện, chỉ số chỉnh định công tơ. Hai bên cùng giám sát thì mới có thể đảm bảo được sự bình đẳng .
Kể cả việc người dân dù có nhận được thông báo thay định kỳ công tơ trước 1 ngày như ở quận Nam Từ Liêm, thì việc giám sát sẽ như thế nào, khi việc thay công tơ diễn ra vào giờ hành chính, chỉ còn toàn người cao tuổi ở nhà, cũng không thể trèo lên cột để giám sát được.
Những nhập nhằng của ngành điện, cùng với cách tính giá điện lũy tiến như hiện nay có lợi cho “nhà đèn”, khiến người dân đang mong chờ ngành điện có một cuộc “đại phẫu” để bảo đảm quyền lợi cho khách hàng.
Thanh Hoa