Cầu Cửa Hàng thuộc địa phận xã Thanh Hòa được xây dựng từ năm 1982 đã giải quyết rất lớn nhu cầu đi lại, giao thương buôn bán của hàng trăm hộ dân 5 xóm vùng trong và gần 300 học sinh hai cấp 1 và 2. Sau 36 năm vận hành, sử dụng, cây cầu đã xuống cấp và hư hỏng nặng.
Hiện tại, dầm cầu đã nứt nẻ, hai bên mố cầu bị sạt lở. Đặc biệt, mố cầu phía bắc bị lở đất thành hố rộng gây sạt lở cánh gà. Hàng ngày có hàng ngàn lượt người và phương tiện lưu thông đi qua tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn rất lớn.
“Qua cầu mà run”
Cũng nằm trên tuyến này, cầu Tây Long xây dựng từ năm 1980 cũng đã xuống cấp nặng nề: Móng hai bên bị sụt lún, trong đó móng phía bắc bị lở đất và bê tông chắn hai bên cánh gà.
Một phụ huynh đưa đón con đi học lo ngại: “Mỗi lần qua cầu là tôi lại run. Cầu được xây dựng quá lâu và rất xuống cấp nên không biết sẽ sập lúc nào”. Vì không có con đường nào khác, nên người dân vẫn phải qua lại trên cây cầu này.
Hai cây cầu bắc qua sông Gang ở xã Ngọc Sơn cũng đang xuống cấp nặng. Cầu Vực Tát nằm trên địa phận xóm 6 nhiều năm qua đang trở thành cái “bẫy” đối với người và các phương tiện tham gia lưu thông. Cầu được xây dựng từ năm 1976, trên tuyến đường độc đạo qua các xóm 11, 12, 13; qua xã Nam Hưng (Nam Đàn) và đi Truông Bồn (Đô Lương)… nên hàng ngày lưu lượng người và các phương tiện tham gia giao thông qua cầu rất lớn. Hiện hai bên mố cầu đã sạt lở hết, dầm cầu đã bị cong, trụ cầu tróc từng mảng bê tông, lan can cầu đứt từng đoạn dài.
Cũng nằm trên địa phận xã Ngọc Sơn, cầu Bến Lội thuộc xóm 5, đi vào các xóm 11, 1, 2A, 2B đã xuống cấp trầm trọng. 42 năm sử dụng, cây cầu đã “hết tuổi thọ”, nhưng hàng ngày vẫn phải gánh hơn 600 hộ các xóm vùng trong giao thông với vùng ngoài.
Hiện tại, mặt cầu đã trở thành cái ao nhỏ mỗi khi có mưa. Ông Nguyễn Đăng Hường - Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Sơn, trầm ngâm: “Lo lắm, không biết cầu sập lúc nào. Nếu lỡ may có sự cố thì nguy to”.
Thanh Chương là huyện miền núi phía Tây Nam tỉnh Nghệ An. Với địa hình dốc, nhiều sông suối, đây cũng là địa phương có rất nhiều cầu cống. Do được xây dựng quá lâu, kỹ thuật xây dựng cầu do người dân địa phương làm, qua thời gian mưa lũ bào mòn… nên đang có rất nhiều cầu xuống cấp nặng nề.
![]() |
Xóm trưởng xóm 6 xã Ngọc Sơn Trịnh Văn Tâm đang “bó bột” lan can cầu Vực Tát |
Huyện rất khó khăn
Theo tổng hợp từ UBND huyện, toàn huyện đang có khoảng hơn 20 cây cầu bị hư hỏng, xuống cấp cần sửa chữa và làm mới. Cụ thể, trên Quốc lộ (QL) 46C có cầu treo sông Giăng, cầu Ba bến, cầu Hoa Quân, cầu Chùa; Tỉnh lộ 533B có cầu Phú Nhuận; 2 cầu trên tuyến QL 46 đi xã Ngọc Sơn, 1 cầu trên tuyến QL 46 đi xã Thanh Dương, 1 cầu trên tuyến QL 46C đi xã Thanh Chi; cầu Thanh Dương, cầu Tráo xã Thanh Tùng, cầu Ngọc Khánh…
Qua tìm hiểu của chúng tôi, để khắc phục sự cố tạm thời đối với những cây cầu xuống cấp, UBND các xã đã trích một phần kinh phí nhỏ để duy tu hàng năm… nhưng chỉ là “muối bỏ biển”.
Hàng loạt lan can cầu bong tróc, hư hỏng… đã được các địa phương “bó bột” tạm thời bằng những đoạn tre nẹp; đóng cọc tre che chắn phần mố cầu sạt lở, cắm biển cảnh báo tải trọng, đồng thời phát thông báo trên loa truyền thanh của xã về mức độ nguy hiểm…
Thậm chí, ngay như xã Ngọc Sơn đã phải bỏ kinh phí duy tu 10 lần (trụ cầu, mố cầu, lan can…) nhưng vẫn không thấm vào đâu.
Trước phản ánh của người dân rằng chính quyền thiếu trách nhiệm trong việc duy tu, sữa chữa cầu công, ông Nguyễn Đăng Hường - Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Sơn, phân trần: “Không phải địa phương không quan tâm. Hàng năm, chúng tôi đều ưu tiên một phần ngân sách duy tu cầu. Do kinh phí hạn hẹp, nên chỉ sửa chữa được những chỗ hư hỏng nhẹ. Chúng tôi khẩn thiết mong muốn cấp trên quan tâm, đầu tư để dân chúng tôi sớm có được cây cầu kiên cố, yên tâm đi lại, phát triển sản xuất”.
Không riêng gì các xã, lãnh đạo UBND huyện Thanh Chương cũng bộc bạch về cái khó đầu tiên là tiền đâu. Qua tính toán sơ bộ, hơn 20 cây cầu hư hỏng, xuống cấp cần sửa chữa, làm mới “ngốn” hơn 230 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Hữu Hiền - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương, băn khoăn: “Chừng ấy tiền thì huyện đào đâu ra. Biết là các cầu xuống cấp vừa gây nguy hiểm vừa kìm hãm sự phát triển sản xuất… cho các địa phương, nhưng huyện đành chịu”.
Được biết, những năm qua, huyện Thanh Chương đã có nhiều báo cáo, tờ trình kiến nghị cấp trên về nhu cầu cấp bách cần đầu tư, sữa chữa các cây cầu hư hỏng nhưng… vẫn chưa có hướng giải quyết.
Thanh Nguyễn