Tây Trà là huyện miền núi với 95% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Huyện có 9 xã thì cả 9 xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 75%. Để hỗ trợ người dân, chính quyền huyện Tây Trà đã tích cực đưa nguồn vốn và kỹ thuật đến tay người dân. Vì theo những người đứng đầu huyện, đối với người nghèo, vốn và kỹ thuật là những điều kiện quan trọng giúp người dân thể vươn lên giảm nghèo bền vững.
Uyển chuyển các mô hình
Chị Hồ Thị Nguyệt, ở thôn Trà Veo, xã Trà Xinh (Tây Trà) được hỗ trợ 6 con dê và 5 con heo giống địa phương. Qua gần 2 tháng thả nuôi, đàn dê và heo phát triển tốt. Chị Nguyệt cho biết, cán bộ địa phương hướng dẫn kỹ thuật và thường xuyên theo dõi việc chăn nuôi nên gia đình rất yên tâm.
Gia đình chị Hồ Thị Nguyệt là một trong những hộ ở xã Trà Xinh được huyện hỗ trợ con giống, để phát triển kinh tế theo mô hình chăn nuôi kết hợp dê và heo. Dự án này có tổng kinh phí đầu tư gần 350 triệu đồng, trong đó hơn 50% là tiền con giống, còn lại là hỗ trợ vật tư, tuyên truyền, tập huấn...
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tây Trà Huỳnh Thị Thanh Thúy cho biết: Các hộ dân tham gia dự án được hỗ trợ con giống và phải thực hiện đầy đủ quy trình chăm sóc heo theo kỹ thuật được hướng dẫn. Khi những hộ dân khác ở địa phương có nhu cầu chăn nuôi, thì các hộ đã được hỗ trợ bán con giống với giá bằng 1/2 giá thị trường để cùng hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Mục tiêu của mô hình là nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi, cải thiện thu nhập cho người dân, góp phần thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của địa phương.
Còn đối với người dân xã Trà Thọ, huyện đã tạo điều kiện để người dân phát triển kinh tế rừng kết hợp chăn nuôi. Anh Hồ Văn Sâm (thôn Nước Biếc, xã Trà Thọ) cho biết anh đã được tạo điều kiện vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH để mua keo giống, mua bò về nuôi. Nhờ vậy, gia đình anh đã thoát nghèo, trả hết nợ cho ngân hàng.
Nhận thấy vay vốn làm ăn có hiệu quả, không chỉ anh Sâm mà không ít người dân tại đây đã tiếp tục vay vốn chính sách dành cho hộ mới thoát nghèo, để tái đầu tư sản xuất, nâng cao thu nhập.
Theo UBND huyện Tây Trà việc phát triển kinh tế đối với người dân cần phải uyển chuyển, phù hợp với đặc điểm, nhu cầu của người dân từng xã, từng thôn. Hiện nay, để nâng cao hiệu quả giảm nghèo, huyện triển khai dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị.
Để làm được điều này, chỉ có thành lập và phát triển các Tổ hợp tác, HTX. Tuy nhiên đây là điều không hề dễ đối với Tay Trà vì người dân ở đây còn lạc hậu, chưa biết sâu, rộng về kinh tế hợp tác, HTX nên chưa mặn mà. Tuy nhiên, theo những người đứng đầu huyện tuy khó nhưng HTX là mô hình kinh tế đem lại ý nghĩa lớn cho người dân nên huyện quyết tâm thực hiện.
Giảm nghèo từ HTX
Huyện Tây Trà đã chỉ đạo các ngành chức năng lập danh sách các loại sản phẩm, vùng nguyên liệu... để thành lập HTX, Tổ hợp tác cũng như xây dựng chuỗi liên kết giá trị các sản phẩm. Trong đó có nhiều sản phẩm mang tính đặc thù có thể phục vụ cho mục tiêu “mỗi xã một sản phẩm” như: Chè Trà Nham, cam Trà Quân; sâm cau, dê núi, gà tre Trà Xinh; các loại cá nước ngọt sông Tang; các sản phẩm bản địa như: Gừng gió, ớt xiêm…
Hiện nay, huyện đã thành lập được một số HTX phát triển theo Luật HTX 2012. Tiêu biểu như HTX Lam Điền tại xã Trà Trung được thành lập nhằm khai thác tiềm năng thế mạnh về đất đai và lao động ở miền núi, tạo ra hướng đi mới cho đồng bào ngày càng có thu nhập cao, huyện Tây Trà đã tích cực hỗ trợ về nhiều mặt.
Sả là cây trồng được HTX Lam Điền tập trung đầu tư |
Hiện HTX đang phát triển 60ha sả, 10ha ớt chỉ thiên, 10ha gừng. HTX còn hướng dẫn thành viên chăn nuôi gia súc tập trung để tăng thu nhập và tận dụng nguồn phân phục vụ diện tích cây trồng. Mỗi năm, HTX có thể thu mua, tiêu thụ 1000 tấn phân hữu cơ phục vụ diện tích cây trồng nên việc kết hợp phát triển chăn là vô cùng cần thiết.
Với quy trình sản xuất bảo đảm chất lượng, chú trọng khoa học kỹ thuật và có tính quy vòng, HTX được hỗ trợ đưa sản phẩm ra thị trường. Đến nay, mô hình sản xuất của HTX đã giúp nhiều người dân thoát nghèo.
Hiện nay, huyện Tây Trà đang đẩy mạnh hỗ trợ các Tổ hợp tác nuôi trồng cá nước ngọt ở xã Trà Xinh, Trà Thọ,Trà Phong để nâng cao tính hiệu quả liên kết trong nuôi trồng thủy sản.
Việc chú trọng phát triển kinh tế tập thể được coi là điểm mạnh trong công tác giảm nghèo ở Tây Trà hiện nay vì đã tận dụng được thế mạnh và điều kiện tự nhiên, nhân công để phát triển sản xuất theo hướng bền vững. Từ đó, người dân cũng dần thay đổi tập quán canh tác, hiểu hơn về vai trò của HTX kiểu mới.
Như Yến