Theo dự thảo, đến năm 2018, UBND Hà Nội sẽ thống nhất thiết kế màu sơn chung cho tất cả các hãng taxi. Từ năm 2019 - 2024, xe taxi thay mới sẽ áp dụng màu sơn chung. Từ năm 2025, thống nhất áp dụng màu sơn chung đối với xe taxi hoạt động trên địa bàn Tp.Hà Nội.
Doanh nghiệp lo ngại
Ngay khi dự thảo được Sở GTVT Hà Nội đưa ra, nhiều hãng taxi và chuyên gia đã bày tỏ lo ngại việc sơn màu đồng nhất không chỉ ảnh hưởng tới các DN đã kỳ công gây dựng thương hiệu trong nhiều năm, mà còn khiến cho các DN giỏi, kém đều như nhau, triệt tiêu sự cạnh tranh và vô tình tiếp tay cho các taxi dù “khoảng trống” để hoạt động.
Ông Hồ Quốc Phi - Tổng Giám đốc taxi Mai Linh miền Bắc, cho biết taxi Mai Linh đã mất rất nhiều công sức để gây ấn tượng và thiện cảm với khách hàng bằng màu xanh lá cây đặc trưng của hãng. Đến nay, khách hàng chỉ cần nhìn thấy màu xanh lá đã có thể dễ dàng nhận biết được xe của hãng. Nếu quy định màu sơn chung được thông qua, mọi công sức của chúng tôi coi như “đổ sông, đổ bể”.
“Quy định gom tất các cả các hãng taxi lại và sơn chung một màu sắc sẽ khiến khách hàng rất khó nhận diện được logo thương hiệu, đèn mào, số điện thoại riêng của từng hãng taxi. Chưa kể với gần 15.000 xe taxi trên cả nước, nếu phải sơn lại toàn bộ số xe này, đơn vị sẽ phải tốn một khoản chi phí cực lớn” ông Phi lo ngại.
Ông Vũ Quốc Huy - Tổng Giám đốc công ty CP Ba Sao (đơn vị chủ quản hãng taxi Ba Sao), cũng cho rằng việc sơn chung màu xe sẽ cào bằng thương hiệu nhiều đơn vị, trong đó có những DN xây dựng thương hiệu tốt, uy tín, có DN không tốt. Đơn cử, hành khách đi đường vẫy taxi thường xuyên đi thì lại vẫy phải xe kém chất lượng. Đặc biệt Hà Nội có khoảng 77 hãng taxi lớn nhỏ khác nhau, điều này gây khó cho cả hành khách lẫn DN”.
Chung mối lo về mặt chi phí đổi màu sơn, ông Đinh Văn Sáu - Giám đốc công ty CP Hương Lúa (đơn vị chủ quản hãng Taxi Hương Lúa), chia sẻ: “Chúng tôi ủng hộ chủ trương của UBND Tp.Hà Nội nhằm tạo dựng môi trường đô thị văn minh. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là chi phí đổi màu sơn sẽ đè nặng DN. Phí sơn lại sẽ vào khoảng 6 - 8 triệu/xe, với hơn 400 xe hoạt động, Hương Lúa sẽ tốn một khoản không nhỏ”.
Dự thảo thiết kế “đồng phục” cho taxi đang khiến các hãng taxi lo ngại
Trong trường hợp buộc phải đổi màu sơn chung, ông Sáu kiến nghị sử dụng màu sơn trắng, vì hiện tại đa phần các hãng xe taxi đang có màu trắng, việc dùng màu sơn chung giống mới màu sắc của đa số taxi sẽ giúp giảm số lượng xe phải đổi đăng ký xe.
Trước những ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề thiết kế màu sơn chung, ông Nguyễn Tuyển - Phó Trưởng phòng Vận tải, Sở GTVT Hà Nội, phân tích: “Hà Nội có 77 hãng taxi thì đâu phải có 77 màu sơn khác nhau, nhiều hãng taxi vẫn đang trùng nhau về màu sơn, hành khách vẫn nhận diện được hãng qua logo dán hai bên thành xe, qua biểu trưng, chứ không chỉ có màu sơn”.
Vẫn ở thì tương lai
Khẳng định quyết tâm cao trong việc xây dựng một bức tranh giao thông đồng điệu, đẹp mắt, tuy nhiên, Sở GTVT cũng cho biết, vì đây là vấn đề mới, nên cách tiếp cận của Sở là ở tương lai. Trên lộ trình thực hiện, Sở sẽ tiếp tục lắng nghe thêm ý kiến của những chuyên gia đầu ngành về hoạt động vận tải và của các DN để hoàn thiện đề án.
“Không phải nhắm mắt một cái ngày mai ra đường taxi phải có một màu sơn. Ví dụ, theo lộ trình này, khoảng 10 năm nữa Hà Nội chúng ta có cùng một màu sơn đẹp mắt. Thậm chí, Sở còn lấy ý kiến của người dân về lựa chọn màu sơn. Chúng tôi xem xét có thể là 2 màu sơn để phân biệt nội thành và ngoại thành”, ông Hà Huy Quang - Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, cho hay.
Về lo ngại chi phí phát sinh đè nặng DN, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, chi phí phát sinh để đổi lại màu sơn là không có, bởi các xe taxi đang sử dụng màu sơn cũ thì cứ sử dụng bình thường cho đến khi hết niên hạn sử dụng. Quy định chỉ bắt buộc thay đổi màu sơn đối với các xe taxi đăng ký mới. Đồng thời, để giảm thiệt hại, các quy định cũng có lộ trình thực hiện hợp lý, giúp DN có kế hoạch đặt xe và thay thế “cuốn chiếu”.
Một vấn đề khác cũng được DN quan tâm, tại khoản 1 Điều 11 quy định về đấu giá quyền khai thác kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách bằng xe taxi. Nghĩa là DN muốn khai thác phải đấu giá quyền kinh doanh. Việc Sở GTVT sẽ là cơ quan vừa quản lý vừa chấm thầu khiến nhiều chuyên gia e ngại nảy sinh tiêu cực.
Trước lo ngại trên, ông Quang khẳng định: “Dự thảo này đưa ra nhằm hướng đến 3 mục tiêu lớn. Một là nâng được chất lượng cung ứng dịch vụ taxi đối với địa bàn Tp.Hà Nội. Hai là tạo thói quen đi lại văn minh theo hướng tiếp cận của đô thị phát triển hiện đại, bền vững. Cuối cùng là cạnh tranh công bằng, minh bạch, không có chuyện tiêu cực, cũng không có chuyện vừa đá bóng, vừa thổi còi”.
Văn Nguyễn