Ts. Lê Xuân Nghĩa - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh, đã có những trao đổi thẳng thắn trước thông tin tăng thuế VAT lên 12% mà Bộ Tài chính mới đề xuất. Theo ông Nghĩa, tăng thuế VAT trong hoàn cảnh nào cũng sẽ có nhiều tác động tiêu cực tới cả doanh nghiệp (DN) và người tiêu dùng (NTD).
Thuế đẩy giá hàng hóa tăng
Chỉ ra những lý do Bộ Tài chính cần thận trọng nếu tính đến việc tăng thuế VAT, ông Nghĩa cho rằng: “Thuế VAT là thuế gián thu, đánh trực tiếp vào hàng hóa, tác động đến người mua hàng. Như ở Mỹ, thuế VAT dành cho các tiểu bang, có bang có, có bang không áp dụng. Như vậy, những người nghèo, có thu nhập thấp thường tìm đến những tiểu bang không có thuế VAT để mua hàng”.
Vị chuyên gia này cho rằng không chỉ người dân chịu thiệt, mà ngay cả đến DN cũng bị ảnh hưởng. Khi thuế tăng sẽ làm giá cả hàng hóa tăng lên, chi phí tiêu dùng tăng lên. Điều này sẽ có tác động ngược trở lại DN.
“Giá hàng bán cao thì NTD mua ít đi, làm cho sức cạnh tranh của DN giảm. Do vậy, xét ở phương diện NTD và DN, thì tăng thuế trực thu hay gián thu đều tác động đến cả hai, ông Nghĩa khẳng định.
Việc tăng thuế VAT sẽ làm tăng thu ngân sách mà lại dễ thực hiện nhất, bởi “cứ có hóa đơn bán hàng là thu”, trong khi đó, thuế thu nhập DN (TNDN), thu nhập cá nhân (TNCN) tính được ra để thu đã khó và thu được cũng khó.
Tuy nhiên, tác động của việc tăng thuế VAT cực mạnh đến người nghèo. “Thuế VAT được ví như vãi thóc cho cả đàn gà, gà to gà nhỏ đều bị cả. Song, do người thu nhập thấp phải dành một tỷ trọng thu nhập lớn hơn cho tiêu dùng nên gánh nặng thuế họ phải chịu sẽ chiếm một tỷ trọng cao hơn so với thu nhập. Tăng thuế VAT vì vậy sẽ làm người thu nhập thấp bị tổn thương nhiều hơn”, ông Nghĩa nói.
Tăng thuế VAT trong hoàn cảnh nào cũng tác động tiêu cực tới NTD
Do vậy, ông Nghĩa cho rằng Bộ Tài chính cần cân nhắc, bởi không có tác dụng điều chỉnh theo thu nhập, hỗ trợ người nghèo, điều chỉnh xã hội như thuế trực thu.
“Các nước đều hạn chế thuế gián thu, một số ít đánh thuế 10%, một số 5%, có nước như nhiều bang tại Mỹ không thu. Tuy nhiên, VAT có tác động tới hàng hóa, ngay trực tiếp tới NTD, thậm chí là người nghèo bị ảnh hưởng nhiều hơn. Ví dụ như người nghèo thu nhập 6 triệu đồng thì dành tới 4 triệu đồng chi tiêu ăn uống tiêu dùng, tỷ lệ thuế sẽ cao. Trong khi với người giàu thu nhập 100 triệu đồng, chỉ dành 20% tiêu dùng thôi”, ông Nghĩa ví dụ.
Cần chính sách nhất quán
Trong khi Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đang cố gắng nới lỏng tín dụng để để kích cầu đầu tư và tiêu dùng, thì chính sách tài khóa lại cản trở tiêu dùng tăng. Như vậy, sự hỗ trợ từ chính sách tiền tệ sẽ không phát huy tác dụng.
Ông Nghĩa cho rằng cần có một chính sách nhất quán. “Lương mới tăng được 7% thì thuế cũng tăng thêm vài phần trăm thì có tác dụng ngược. Chúng ta đang huy động ngân sách 22 - 23%, trong khi các nước khác chỉ 17%, có nước 14%. Thâm hụt ngân sách nước ta triền miên, nhưng không thể tăng thuế để bù vào nguồn thu thâm hụt được”, ông Nghĩa khuyến cáo.
Đánh giá về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Vũ Thành Tự Anh cũng cho rằng với thuế suất VAT phổ thông hiện nay là 10%, VAT đã chiếm tới 27,5% tổng thu ngân sách của Việt Nam. Trong khi đó, hiện nay tỷ trọng đóng góp của VAT trong tổng thu ngân sách của Việt Nam hiện đã khá cao, cao hơn hẳn so với các nước EU - là những nước có thuế suất VAT thuộc nhóm cao nhất thế giới.
Vì vậy, việc tăng thuế suất VAT ở Việt Nam không hiển nhiên cải thiện vai trò của sắc thuế này trong tổng ngân sách, mà chỉ đánh vào người thu nhập thấp nặng nề hơn. Do đó khó được chấp nhận dưới góc độ công bằng.
Theo ông Tự Anh, quan trọng nhất, nguồn gốc của nợ công và thâm hụt ngân sách nặng nề ở Việt Nam không phải do thiếu khả năng huy động ngân sách, mà chính là do hiệu quả chi ngân sách thấp, trong khi tỷ lệ chi ngân sách hiện đã rất cao, lên tới 28 - 29% GDP.
Việc tăng thuế VAT để tăng thu ngân sách không những không giải quyết được gốc rễ của vấn đề, mà còn tạo điều kiện và dung dưỡng cho việc chi ngân sách “vung tay quá trán”, hay các dự án nghìn tỷ đắp chiếu và kém hiệu quả.
Thanh Hoa