Thống kê của Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam cho thấy, đến thời điểm cuối tháng 8/2022, cả nước có hơn 13,95 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), tăng hơn 2,04 triệu người so với cùng kỳ năm trước, tương ứng với mức tăng 17,14%. Đáng chú ý, người lao động tham gia chính sách này được quan tâm hưởng nhiều quyền lợi (trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm…).
Mới bao phủ 28% lực lượng lao động
Chỉ tính riêng năm 2021, cả nước có gần 1,8 triệu lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm, trong đó tỷ lệ giới thiệu việc làm thành công đạt khoảng 35%; hơn 800.000 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp đã nhận được nguồn hỗ trợ đúng thời gian quy định. Với người lao động tham gia BHTN bị ảnh hưởng về việc làm do dịch COVID-19, họ được tiếp cận với gói hỗ trợ an sinh chưa có tiền lệ, trích từ Quỹ BHTN.
Số người tham gia BHTN hiện mới đạt hơn 28% lực lượng lao động trong độ tuổi. |
Theo thông tin từ BHXH Việt Nam, với tinh thần khẩn trương, quyết liệt triển khai minh bạch, hiệu quả Nghị quyết số 24/2022/UBTVQH15 ngày 11/8/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tiếp tục chi trả hỗ trợ đối với người lao động theo Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 (Nghị quyết số 24), BHXH Việt Nam đã thực hiện công tác chi trả gói hỗ trợ người lao động từ quỹ BHTN nhanh chóng, kịp thời, đúng người, đúng quy định của Nghị quyết số 24, được người lao động, người sử dụng lao động ghi nhận, đánh giá cao.
Theo đó, cơ quan này đã giải quyết hỗ trợ cho 362.522 người lao động thuộc đối tượng hỗ trợ từ Quỹ BHTN, đã nộp hồ sơ theo quy định với tổng số tiền chi trả hơn 1.028 tỷ đồng.
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết từ cuối năm 2021 đến nay, BHXH 63 tỉnh, thành phố đã chi hỗ trợ an sinh cho hơn 13 triệu người lao động từ Quỹ BHTN với số tiền gần 32.000 tỷ đồng. Đó là minh chứng rõ nhất để thấy chính sách BHTN giữ vai trò "phao cứu sinh" của người lao động khi không may họ bị ảnh hưởng về việc làm.
Vai trò, ý nghĩa nhân văn của BHTN là không thể phủ nhận, nhưng chính sách này chưa thực sự hấp dẫn. Dưới góc độ xây dựng chính sách, Bộ LĐ-TB&XH nêu rõ, đối tượng tham gia BHTN hiện chưa bao phủ hết các đối tượng có quan hệ lao động. Chế độ BHTN còn nặng về giải quyết trợ cấp thất nghiệp, chưa chú ý nhiều đến các chế độ mang tính chủ động, phòng ngừa, hạn chế thất nghiệp. Điều đáng quan tâm, chính sách hỗ trợ học nghề cho lao động thất nghiệp chủ yếu giải quyết nhu cầu học, chưa chú trọng đào tạo, phát triển hoặc nâng cao trình độ kỹ năng nghề… Điều này lý giải vì sao, số người tham gia BHTN hiện mới đạt hơn 28% lực lượng lao động trong độ tuổi, nhiều người lao động thuộc khu vực doanh nghiệp, hợp tác xã... vẫn chưa được tham gia BHTN.
Tăng thêm chính sách hấp dẫn
Do vậy, Bộ LĐ-TB&XH đang đề nghị xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi) lấy ý kiến người dân. Nhằm sửa đổi, bổ sung chính sách BHTN theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và người lao động duy trì việc làm, phát huy đầy đủ các chức năng của BHTN, bảo đảm BHTN thực sự là công cụ quản trị thị trường lao động, cơ quan này đề xuất: Mở rộng người tham gia BHTN; sửa đổi 04 chế độ hiện hành theo hướng mở rộng phạm vi, rà soát điều kiện tạo thuận lợi cho đối tượng thụ hưởng; bổ sung chế độ hỗ trợ người sử dụng lao động sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người cao tuổi và hỗ trợ trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh, "cú sốc" thị trường… đột xuất khác.
Cụ thể, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định đối tượng người lao động bắt buộc tham gia BHTN gồm người lao động có giao kết hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động xác định, không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên. Bổ sung một số quy định về tham gia BHTN: Trách nhiệm thông báo của người sử dụng lao động, xử lý đối với trường hợp người sử dụng lao động không có khả năng thực hiện đầy đủ nghĩa vụ BHTN, quản lý đối tượng…
Sửa đổi, bổ sung quy định về tư vấn, giới thiệu việc làm: sửa đổi, bổ sung quy định những người đang tham gia BHTN đều được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; bổ sung quy định về kinh phí thực hiện tư vấn, giới thiệu việc làm được xác định trên cơ sở số lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm và giá dịch vụ công theo quy định của pháp luật về giá.
Đồng thời, Bộ LĐ-TB&XH cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về hỗ trợ học nghề, sửa đổi tên chế độ “hỗ trợ học nghề” thành “hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề”…
Ông Tạ Văn Thảo, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội), đánh giá BHTN không chỉ có vai trò là “phao cứu sinh” của người lao động khi họ gặp khó khăn, mà còn là “công cụ” quản trị thị trường lao động. Do đó, việc xây dựng chính sách BHTN gắn liền, đồng bộ với giải pháp bảo đảm việc làm bền vững đang là yêu cầu bức thiết, cấp bách.
Hoàng Sơn