Si Ma Cai là 1 trong 3 huyện nghèo của tỉnh Lào Cai được Nhà nước hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững thông qua chương trình 30a. Để người dân thoát nghèo là một chuyện nhưng đẻ người dân không tái nghèo lại là chuyện lớn hơn. Chính vì vậy, chỉ có phát triển kinh tế bền vững mới giúp người dân thoát nghèo bền vững. Đó là những gì huyện đang làm.
Phát triển chăn nuôi
Si Ma Cai là huyện tái thành lập năm 2000 (tách ra từ huyện Bắc Hà). Khi đó, Si Ma Cai còn chưa có khu thị trấn, trung tâm huyện chỉ là vài con đường đất cheo leo, xe cộ đi lại khó khăn, dân cư thưa thớt với vài nóc nhà... Đến năm 2014, 13/13 xã (100%) đều thuộc diện đặc biệt khó khăn. Si Ma Cai có trên 35.000 người với 15 dân tộc cùng sinh sống, trong đó chiếm 80% là dân tộc Mông, trình độ dân trí, chất lượng nguồn lao động thấp nhất tỉnh, thu nhập bình quân đầu người khoảng 9,6 triệu đồng/người/năm, chỉ bằng 1/3 bình quân chung cả tỉnh. Có lẽ không chỉ tỉnh Lào Cai, dù cùng nằm trên danh sách 62 huyện nghèo trong cả nước theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, nhưng Si Ma Cai phải xếp vào "diện" nghèo, khó khăn nhất cả nước...
Cũng chính vì lẽ đó mà trong suốt thời gian dài, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai luôn trăn trở để làm sao phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân…, từng bước đưa Si Ma Cai phát triển theo kịp mặt bằng chung của tỉnh. Tuy nhiên, với chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững của Nhà nước, tỉnh đã có động lực để hỗ trợ người dân giảm nghèo, xây dựng kinh tế.
![]() |
Huyện Si Ma Cai hỗ trợ người dân chăn nuôi để giảm nghèo |
Chính vì vậy, để giúp người dân giảm nghèo, huyện xác định tập phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa, khai thác tốt các thế mạnh của địa phương, chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp từ trồng trọt sang chăn nuôi gia súc là chủ yếu. Cùng với đó là xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng, chuyển đổi cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hiệu quả theo quy hoạch…
Để chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp từ trồng trọt sang chăn nuôi gia súc là chủ yếu, giúp người dân thoát nghèo, có đời sống khá hơn, ngoài việc hỗ trợ kỹ thuật sản xuất, huyện tập trung nguồn lực hỗ trợ vốn và giống sản xuất cho người dân.
Huyện cũng khuyến khích người dân thành lập nhóm, Tổ hợp tác, HTX để phát triển sản xuất. Khi đăng ký nuôi trâu, bò, hộ nông dân phải chứng minh được có diện tích đất trồng cỏ, đất quy hoạch làm chuồng, lao động… mới được nghiệm thu và giải ngân. Các hộ cũng phải đăng ký rõ mua loại trâu, bò nào, mua ở đâu, bao nhiêu con, hình thức nuôi vỗ béo hay nuôi sinh sản… để huyện xác nhận cho vay vốn.
Để bảo đảm chất lượng đàn gia súc, vấn đề nguồn cung cấp giống, phòng tránh dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh môi trường nông thôn… đã được đặt ra. Các cấp ngành đã hướng dẫn và sát cánh cùng người dân trong chăn nuôi. Công tác thú y, làm chuồng nuôi nhốt, trồng cỏ làm nguồn thức ăn cho gia súc, tận dụng chất thải làm phân vi sinh… cũng được thực hiện để nâng cao hiệu quả sản xuất.
Ông Ngô Tiến Sơn - Chủ tịch UBND xã Bản Mế - cho hay, trước năm 2015 toàn xã chỉ có khoảng 600 con trâu và hơn 100 con bò, nhờ chương trình 30a, đến nay, xã đã có trên 1.000 con trâu và khoảng 600 con bò. Đây là sự hỗ trợ lớn, tạo cơ hội cho người dân làm giàu. Bà con rất mừng và quyết tâm hơn khi thực hiện mở rộng sản xuất.
Nền tảng phát triển sản xuất hàng hóa
Có thể thấy, với điều kiện của huyện, việc tập trung phát triển chăn nuôi giúp người dân thu về kết quả lớn. Đây cũng là ngành mang lại công việc và lợi nhuận bền vững nên có vai trò quan trọng trong xóa đói, giảm nghèo, tăng thu nhập cho người dân.
Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của huyện rõ rệt, năm 2017 đạt gần 22 triệu đồng/người (so với 9,6 triệu đồng/người năm 2014). Con số này đạt được chủ yếu từ việc người dân phát triển chăn nuôi trâu, bò… Quan trọng hơn, người dân đã có ý thức về chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, phát triển những cây có thế mạnh, đặc biệt lĩnh vực chăn nuôi đã mang tính sản xuất hàng hóa, từng bước chuyển từ thả rông sang nuôi nhốt, thả có kiểm soát, chuồng trại, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, phòng chống rét cho gia súc đã chuyên nghiệp hơn…
Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp, sự hưởng ứng tích cực của nhân dân, đến nay, đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số ở Si Ma Cai đã có nhiều đổi thay. Đặc biệt, định hướng chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ trồng trọt sang chăn nuôi là đúng hướng, phát huy thế mạnh địa phương, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Tuy nhiên, để giúp bà con chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa thì câu chuyện thị trường cần được tính đến và có sự vào cuộc của nhiều cấp, ngành… Chính vì vậy, huyện cần chú trọng phát triển các mô hình sản xuất theo hình thức của mô hình kinh tế tập thể, có thể đi lên từ nhóm nông hộ, đến tổ hợp tác, sau đó phát triển thành HTX để phát huy hiệu quả của mô hình chuỗi giá trị.
Huyền Trang