Ngày 27/7, lãnh đạo Sở Y tế TPHCM đã công bố kết luận thanh tra hoạt động tài chính trong mua sắm thuốc và tổ chức, hoạt động dược tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (phường 8, quận 5, TPHCM). Theo đó, tổng số nợ chi tiết về thuốc, vật tư thấp hơn báo cáo tài chính là 20,8 tỷ đồng và từ tháng 8/2014 đến ngày 31/12/2015, tổng số nợ thấp hơn báo cáo tài chính gần 13 tỷ đồng.
Các quy trình liên quan đến việc theo dõi nhập thuốc, xuất thuốc và kiểm kê thuốc chưa được thực hiện đúng tại bệnh viện Nguyễn Tri Phương
Nguyên nhân là do chưa hạch toán chi tiết, mở sổ theo dõi và chưa đối chiếu giữa các bộ phận nhập kho theo dõi nợ, thanh toán nợ, hạch toán kế toán nên báo cáo tài chính và tổng số nợ chi tiết của bệnh viện có chênh lệch lớn.
Không những vậy, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương còn chậm thanh toán công nợ tiền thuốc cho các công ty do các năm 2012-2013 bệnh viện đã mượn tiền thuốc, vật tư để chi thu nhập cho cán bộ, viên chức vượt chênh lệch thu chi trong năm dẫn đến nợ thuốc không nguồn quyết toán gần 103 tỷ đồng.
Tính đến 31/12/2014, nợ tiền thuốc, vật tư các công ty hơn 134 tỷ đồng. Trong đó, 50% là nợ quá hạn và nợ thuốc không có nguồn quyết toán khoảng 67 tỷ đồng. Đến 31/12/2015, nợ tiền thuốc, vật tư các công ty hơn 127 tỷ đồng. Trong đó, 28% là nợ quá hạn và nợ thuốc không có nguồn quyết toán khoảng 45 tỷ đồng.
Đáng chú ý, kết luận thanh tra cũng cho biết các quy trình liên quan đến việc theo dõi nhập thuốc, xuất thuốc và kiểm kê thuốc chưa thực hiện đúng, đầy đủ. Đặc biệt, một số nhân sự ở khoa dược có quan hệ gia đình là chị em, vợ chồng được phân công vào các vị trí công việc có mối liên hệ như kế toán - phụ trách kho, kế toán - cấp phát thuốc. Đây chính là yếu tố nguy cơ làm nảy sinh tiêu cực.
Qua các tồn tại, sai phạm trên, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh cho rằng hoạt động của khoa dược Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đã gián tiếp gây ra việc thất thoát thuốc. Điều này ảnh hưởng đến việc điều trị của rất nhiều bệnh nhân tại bệnh viện, thậm chí là cả mạng sống của bệnh nhân nếu như thiếu thuốc trong quá trình điều trị.
Trách nhiệm này thuộc về các giám đốc bệnh viện qua các thời kỳ gồm ông Nguyễn Thi Hùng, ông Võ Đức Chiến từ trước và sau ngày 3/9/2014. Trách nhiệm của bà Trương Thị Mỹ Linh – Trưởng khoa dược và các dược sĩ có liên quan theo sự phân công của bà Linh.
Do đó, Sở Y tế TP.HCM đã yêu cầu ông Chiến - Giám đốc đương nhiệm tổ chức kiểm điểm đối với tập thể, cá nhân có liên quan đến các sai sót, báo cáo kết quả cho sở sau 30 ngày kể từ ngày công bố kết luận trên. Đồng thời, rà soát, ban hành đúng và đầy đủ các quyết định, quy định và quy trình cho công tác dược của bệnh viện.
Được biết, kết luận này dựa trên kết quả làm việc của Đoàn thanh tra do Giám đốc Sở Y tế chỉ đạo tiến hành thanh tra tại bệnh viện từ 2/5 đến 13/6 vừa qua.
Toàn Thắng