Hà Nội, đất chật người đông, canh tác nông nghiệp được tận dụng ở mọi chỗ, mọi nơi. Cùng với các mảnh vườn chia ô trồng rau của các hộ nông dân, các khu nghĩa địa cũng là một trong những nơi lý tưởng để nhiều nông dân ươm mầm những loại rau ăn lá, như rau muống, rau cải, bắp cải, xà lách… Không mấy ai có thể nhìn những mớ rau xanh non mơn mởn ngoài chợ mà biết được xuất xứ nơi trồng.
Sinh sôi trên mảnh đất nghĩa địa
Tại một khu nghĩa địa thuộc địa phận phường Cổ Nhuế 2 (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), những đám rau xanh nõn, mơn mởn cứ thế mọc tràn lan, rau và mộ nằm chen chúc xen kẽ lẫn nhau. Khu vực rau của mỗi chủ nhân lại được bao bờ, chia lô. Nước tại các ruộng rau nghĩa địa này đen ngòm, nổi đầy váng mỡ. Các đường bờ bao còn được người dân tận dụng những tấm chăn, đệm của người đã khuất để trải làm đường đi cho dễ.
Bà Nguyễn Thị Thảo (phường Cổ Nhuế 2) - một người trồng rau muống, cho biết: “Từ đời cha ông chúng tôi đã trồng rau muống ở đây. Nhà nào có ít đất thì trồng để ăn, nhiều thì trồng bán buôn, bán lẻ tại các chợ trong khu vực. Chúng tôi chưa thấy ai phản hồi là ăn rau muống trồng gần nghĩa địa bị ngộ độc hay bị bệnh tật gì”.
Tại một số địa phương, một số ao chứa nước thải bẩn thỉu, đen ngòm, sủi bọt bẩn cũng được tận dụng là nơi để trồng rau. Tất cả các loại rau này được thu gom chuyển về các chợ đầu mối rồi tuồn ra các chợ trong nội đô.
Không chỉ những loại rau trồng ở những nơi ô nhiễm, nghĩa địa, cạnh KCN mới gây hoang mang cho người dân, mà quá trình canh tác, việc “tắm” hóa chất cho rau cũng khiến dư luận bàng hoàng.
![]() |
Rau sạch rửa nước bẩn cũng thành rau bẩn
Nguy hại với nhiễm độc trường diễn
Theo Gs. Vũ Duy Giảng - Học Viện Nông nghiệp Việt Nam, trong lĩnh vực trồng trọt, thuốc BVTV bị lạm dụng ngày càng nhiều. Nếu năm 2000, số lượng thuốc BVTV sử dụng trong nông nghiệp là 42.000 tấn, thì đến năm 2014, con số này đã hơn gấp đôi (100.000 tấn). Sử dụng thuốc trừ sâu đã giảm 45% so với 10 năm trước, nhưng thuốc trừ bệnh, thuốc trừ cỏ tăng hơn 30%. Dư lượng thuốc BVTV trong rau quả vượt mức cho phép nhiều lần, gây nguy hại cho sức khỏe và gây một số vụ ngộ độc nguy hiểm.
Việc sử dụng các nguồn nước không sạch, nguồn nước nhiễm kim loại nặng tưới rau cũng làm cho những loại rau ăn lá ngấm những kim loại nặng này vào thân cây, có thể dẫn đến ngộ độc cấp tính, hay ngộ độc trường diễn cho người ăn phải loại rau này. Chẳng hạn như việc tưới rau bằng dầu nhớt thải tại Tp.HCM thời gian qua.
Quá trình trồng, chăm sóc rau không sạch sinh ra các loại rau bẩn. Bên cạnh đó, có một loại rau bị cho là bẩn, dù có được canh tác tại nơi sạch: đó là do quá trình sơ chế trước khi đem ra chợ bán, để rũ bớt đất, người ta nhúng rau vào các ao tù nước đọng. Nguồn nước bẩn khiến các loại rau ngấm các kim loại, vi rus, vi sinh vật được tuồn vào từng gia đình.
Theo Ts. Nguyễn Duy Thịnh, quá trình kiểm soát an toàn trên rau gồm kiểm soát yếu tố kim loại nặng, ni tơ rat để chất độc hại không đi vào cây rau. Tiếp đó, phải kiểm soát nguồn nước tưới, nguồn nước này có thể mang theo những chất ô nhiễm trong môi trường hiện nay. Các loại rau đặc biệt là rau ăn lá dễ bị nhiễm các chất độc hại này do quá trình tưới. Nước được hút từ khi tưới trên thân cây, trên lá hoặc hút rễ vào. Với rau được phun tưới hóa chất, thuốc BVTV, cần kiểm soát hàm lượng, dư lượng. Vì các loại rau cũng dễ hấp thụ hóa chất, một phần ngấm trên lá một phần nhiễm vào trong.
Những loại rau bẩn là mầm mống phát sinh nhiều loại bệnh. Rau bẩn cũng có thể gây ra những vụ ngộ độc cấp tính.
Nhưng đáng lo hơn, là ngộ độc trường diễn do rau bẩn gây ra. Một số vi khuẩn, vi rút, kim loại nặng ngấm vào rau được sơ chế, nấu nướng làm người ăn tích tụ dần chất độc hại, gây bệnh mãn tính, nguy hiểm, thậm chí dẫn đến ung thư.
Thu Hường