Đồng bào DTTS thường sinh sống ở những nơi có điều kiện khí hậu khắc nghiệt, địa hình bị chia cắt khiến giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn, công tác khám chữa bệnh của người dân cũng gặp không ít trở ngại. Với nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn, thiết thực và hiệu quả, mạng lưới y tế vùng đồng bào DTTS và miền núi ngày càng được hoàn thiện.
Cả hệ thống chính trị vào cuộc
Nhà nước đã hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho đồng bào DTTS ở vùng khó khăn. Năm 2018, có hơn 6,6 triệu người nghèo vùng DTTS được cấp thẻ bảo hiểm y tế, chiếm 69,96% người DTTS. Các tỉnh có đông đồng bào DTTS sinh sống thì tỷ lệ người dân có bảo hiểm y tế cao hơn hẳn. Tại Quảng Ninh, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt từ 80% (năm 2015) đến năm 2018 là 94,3%, các vùng DTTS, miền núi, vùng khó khăn đạt tỷ lệ bao phủ BHYT là 100%; có 100% xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã (tiêu chí mới).
Thông qua các nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ và các địa phương, hiện nay đã có 58 trạm y tế xã tại 3 tỉnh của vùng Tây Nguyên được xây dựng mới, sửa chữa; các trạm y tế của 15 tỉnh miền núi phía Bắc được cung cấp trang thiết bị, xây mới 87 trạm y tế xã khó khăn.
Cơ sở vật chất, trình độ đội ngũ y, bác sĩ ngày một tăng lên. Người nghèo, đồng bào DTTS và miền núi, các đối tượng chính sách, người dân vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới ngày càng có nhiều cơ hội được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, ban đầu.
Hiện nay, cả nước có hơn 2.600 cô đỡ tại 8.165 thôn, bản, nhờ đó đã góp phần giảm tỷ lệ tử vong của bà mẹ và trẻ em sơ sinh; chất lượng công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình từng bước được nâng cao tại khu vực vùng đồng bào DTTS.
Ở khu vực biên giới, lực lượng quân y Bộ đội biên phòng (BĐBP) góp phần rất lớn thực hiện chức năng y tế cơ sở. Hiện nay, BĐBP có gần 150 phòng khám và trạm y tế quân dân y kết hợp. Từ năm 2009 - 2019, đã có hơn 60.000 lượt người dân, chủ yếu là đồng bào DTTS bị bệnh cấp tính được quân y các đồn Biên phòng cấp cứu thành công. Số lượt người dân đến khám bệnh ở các đồn Biên phòng và các phòng khám quân dân y là hơn 150.000 lượt người mỗi năm. Ngoài ra, BĐBP cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người dân khu vực biên giới.
Khám, cấp phát thuốc miễn phí
Để phòng ngừa, điều trị một số bệnh lý cơ bản cho người DTTS vùng sâu, vùng xa, ngành y tế các tỉnh đã chủ động cấp phát miễn phí nhiều loại thuốc thông dụng và hướng dẫn bà con cách sử dụng cụ thể.
Huyện miền núi Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh hiện có tới 96% đồng bào DTTS sinh sống. Không ngừng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn, Trung tâm Y tế huyện Bình Liêu nỗ lực đổi mới, cải tiến lề lối làm việc, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, đáp ứng yêu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Trung tâm hiện đã triển khai được nhiều kỹ thuật mà trước đây chưa thực hiện được, như: Phẫu thuật nội soi viêm ruột thừa, chụp cắt lớp, nội soi tai mũi họng, nội soi tiêu hóa, nội soi cổ tử cung, siêu âm 4D, phẫu thuật kết hợp xương...
![]() |
Một buổi khám, cấp phát thuốc miễn phí tại huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh |
Bác sĩ Ngô Thị Bình, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bình Liêu, cho biết: Trung tâm y tế các địa phương thuộc tỉnh Quảng Ninh tăng cường phối hợp với các bệnh viện tuyến tỉnh tổ chức khám, chữa bệnh lưu động, cấp phát thuốc miễn phí cho người dân. Trong 9 tháng năm 2019 đã tổ chức 14 đoàn khám, cấp thuốc miễn phí cho trên 11.500 lượt người dân, chủ yếu là đồng bào DTTS sinh sống tại địa bàn 39 xã khó khăn. Dự kiến hết năm 2019 sẽ khám bệnh lưu động cho khoảng 15.500 lượt người, qua đó sàng lọc, phát hiện, tư vấn cho hàng nghìn trường hợp người dân bị mắc các bệnh nặng, hiểm nghèo điều trị kịp thời.
Cuối tháng 9/2019, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hà Giang phối hợp với huyện Vị Xuyên và các đơn vị tài trợ tổ chức chương trình khám bệnh và cấp thuốc miễn phí, chăm sóc sức khỏe cho người dân xã Ngọc Linh. Gần 700 người nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, người có công, đã được các bác sĩ kiểm tra các bệnh về tim mạch, huyết áp và cấp phát thuốc miễn phí. Cùng với đó, các y, bác sĩ đã tư vấn chế độ dinh dưỡng và cách tự chăm sóc một số bệnh thường gặp; hướng dẫn người dân ăn ở hợp vệ sinh, bảo đảm an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng ngừa các loại dịch bệnh dễ xảy ra.
Để công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân đạt hiệu quả từ tuyến cơ sở, tỉnh Cao Bằng phấn đấu hết năm 2019 có thêm 9 xã đạt chuẩn, nâng số xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã lên 121/199 xã.
Ngày 28/9, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Cao Bằng cũng phối hợp với Cụm thi đua số IV của tỉnh tổ chức chương trình “Tháng cao điểm khám sức khỏe cho người nghèo tỉnh Cao Bằng năm 2019” tại huyện Trùng Khánh. Các y, bác sĩ của đoàn công tác đã khám bệnh, tư vấn sức khỏe và phát thuốc miễn phí cho 1.040 lượt người thuộc hộ nghèo, gia đình chính sách và người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn 6 xã của huyện Trùng Khánh…
Có thể thấy, công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào DTTS luôn được các địa phương quan tâm thực hiện thường xuyên, liên tục. Đảng, Nhà nước luôn có những chính sách hỗ trợ kịp thời liên quan đến lĩnh vực y tế cho bà con vùng 135, 30a... Những việc làm thiết thực trên góp phần to lớn trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, từng bước tăng tỷ lệ tuổi thọ trung bình của bà con DTTS…
Thu Thảo