9 tháng năm 2015, các đơn vị trực thuộc Bộ NN&PTNT đã tổ chức 22 đoàn thanh tra chuyên ngành và 33 đoàn thanh tra đột xuất. Qua đó, đã ban hành gần 1.200 quyết định xử phạt hành chính, với tổng số tiền hơn 21 tỷ đồng. Hành vi vi phạm chủ yếu là sản xuất vật tư nông nghiệp ngoài danh mục, không bảo đảm chất lượng…
Cuộc chiến không cân sức
Số liệu giám sát ATTP nông thủy sản trên diện rộng 9 tháng đầu năm, cho thấy tỷ lệ mẫu giám sát vi phạm ATTP còn cao, một số chỉ số ATTP chưa có cải thiện so với năm 2014 (1,01% mẫu thủy sản nhiễm dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng vượt ngưỡng cho phép; 10,3% mẫu rau có dư lượng hoạt chất thuốc BVTV vượt mức giới hạn cho phép; 16% mẫu thịt phát hiện có Samonella, 7,6% mẫu thịt có dư lượng hóa chất, kháng sinh vượt ngưỡng.
Qua các cuộc thanh, kiểm tra, Thanh tra Bộ đã phát hiện 5 công ty sử dụng chất cấm trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản xuất thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi không có trong danh mục cho phép, tiêu hủy tại chỗ hơn 13kg hóa chất Vàng Ô (Vat Yellow), tịch thu 20kg bột màu trắng nghi là chất cấm Sabutamol…
Theo ông Nguyễn Như Tiệp (Cục Quản lý chất lượng nông - lâm - sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT), kết quả trên cho thấy việc cải thiện ATTP còn chậm, thiếu bền vững khiến các vi phạm về ATTP và tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp xếp loại C còn cao. Sự cố về ATTP thời gian qua chưa được kịp thời xác minh, kiểm chứng và cung cấp đầy đủ thông tin, gây hoang mang cho người dân và làm giảm khả năng tiếp cận thị trường cho các mặt hàng nông - lâm - thủy sản.
Thời gian qua, vi phạm về ATTP nổi cộm lên vấn đề sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Một số ý kiến cho rằng, đã có quy định vi phạm về vệ sinh ATTP gây hậu quả nghiêm trọng, có thể dẫn đến chết người phải chịu trách nhiệm hình sự.
![]() |
Quang cảnh Hội nghị về Công tác quản lý chất lượng ATTP nông - lâm - thủy sản
Kiểm soát trọng điểm rau và thịt
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng sản phẩm heo nhiễm chất cấm khi bán ra thị trường, người ăn vào không chết ngay mà nhiễm độc từ từ, về lâu dài có thể gây nhiều bệnh nguy hiểm. Chính vì vậy, cần coi việc sử dụng chất cấm là điều kiện cấu thành tội phạm chứ không nên để đến khi hậu quả xảy ra mới đưa ra truy tố.
Về công tác quản lý chất lượng ATTP nông - lâm - thủy sản, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát trăn trở: “Ba năm qua, tháng nào tôi cũng họp giao ban về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP nhưng chưa hiệu quả. Bộ NN&PTNT được khen ban hành nhiều thông tư, nhưng cái nhân dân cần không phải thông tư mà là miếng thịt, ngọn rau an toàn. Lâu nay, chúng ta mới giải quyết phần ngọn”.
Bộ trưởng khẳng định sản xuất thực phẩm bẩn là một tội ác và không chấp nhận việc một người đầu độc nhiều người. Bộ trưởng chỉ đạo, quản lý chất lượng ATTP không chỉ tập trung kiểm tra đánh vào cái ác mà còn phải mở lối cho thực phẩm sạch phát triển, trong đó, tập trung hướng dẫn cho người dân làm ăn chân chính thiết lập những kênh phân phối nông sản an toàn.
Bộ NN&PTNT cùng các Sở NN&PTNT các địa phương chỉ rõ địa chỉ và chịu trách nhiệm trước người dân về sản phẩm mua ở đâu là an toàn. Kiểm soát gắt gao cơ sở sử dụng chất cấm từ đó truy xuất nguồn gốc, đấu tranh tìm ra những đường dây…
Nhấn mạnh vấn đề chất cấm, Bộ trưởng nêu rõ ở nước ta không có cơ sở sản xuất sabutamol, nên chỉ có hai con đường đưa chất cấm này vào, là nhập lậu hoặc nhập chính thức rồi tuồn ra thị trường. Phải giám sát chặt hai con đường này thì mới triệt tận gốc vấn đề.
Thu Hường