Theo số liệu của Chi cục Thủy lợi tỉnh Phú Thọ, tính đến hết quý II/2013, trên địa bàn tỉnh đã đầu tư xây dựng 203 công trình cấp nước sinh hoạt. Hiện tại, đã hoàn thành, bàn giao và đưa vào sử dụng 197 công trình ,với tổng kinh phí đầu tư khoảng 594,2 tỷ đồng.
Dân "khát" nước sạch
Hàng trăm công trình cấp nước sinh hoạt được xây dựng đã cải thiện điều kiện sinh hoạt, nâng cao chất lượng cuộc sống, thúc đẩy nông thôn mới. Tuy nhiên, tại nhiều địa bàn trong tỉnh, các công trình cấp nước bị "phong hóa" theo thời gian và rơi vào tình trạng "đắp chiếu" dài hạn.
Hàng loạt các địa phương phải chịu cảnh thiếu nước sạch trầm trọng như các xã Đoan Hùng, Chí Đàm, Tây Cốc (huyện Đoan Hùng), Ngô Xá, Tiên Lương (Cẩm Khê), khu 5 Phượng Mao (Thanh Thủy), Đồng Thịnh, Hưng Long, thôn Tân Long thị trấn Yên Lập (Yên Lập), An Đạo (Phù Ninh)…
Ông Hoàng Minh Điệp - Chủ tịch UBND xã Hùng Quan (huyện Đoan Hùng), cho biết: "Do điều kiện tự nhiên, nước sông cạn, nên nhiều khu dân cư trong xã bị thiếu nước sinh hoạt. Khu vực Hùng Quan là khu dân "khát" nhất trên địa bàn xã. Cả khu có khoảng 153 hộ thì có đến hơn 60 hộ bị thiếu nước".
Tại khu Hùng Quan, nhiều hộ dân phải mua nước về ăn, uống và dùng nước sông, nước mưa để sinh hoạt. Hầu hết các nhà dân đều có từ 3 - 5 thùng phi 20 lít để trữ nước sạch.
![]() |
Khan hiếm nước sạch khiến cuộc sống của người dân gặp vô vàn khó khăn
"Người dân chúng tôi giờ quen với cảnh chở can đi xin, hoặc mua nước rồi. Trước đây, nước sông sạch, chúng tôi còn dùng máy lọc lấy nước ăn. Nhưng giờ nước sông cạn, lại bẩn nên không ai dám dùng nữa", anh Nguyễn Văn Vĩnh, người dân khu Hùng Quan tâm sự.
Rơi vào hoàn cảnh tương tự, người dân tại xã Chí Đàm cũng đang vật lộn với cảnh thiếu nước sinh hoạt. Theo người dân, vào năm 2011, một công trình nước sạch đi vào hoạt động. Nhưng sau khoảng gần 2 năm, công trình đột nhiên ngừng hoạt động và người dân lại rơi vào cảnh "hứng nước mưa để sống".
Được biết, các địa phương rơi vào cảnh khan hiếm nước đều là do điều kiện địa chất kho khăn, đất vỉa đá không thể khoan giếng, hoặc đất đá vôi gây ảnh hưởng nước ngầm. Trước thực trạng trên, năm 2003 UBND tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo đầu tư nhiều công trình cấp nước sạch phục vụ nhu cầu của người dân.
Ông Đào Quốc Huân, Chi cục phó Chi cục Thủy lợi, cho biết: "Về cơ bản, các công trình khi hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng đã phát huy hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu bức thiết về nước sinh hoạt của người dân.
Công trình "treo" vì… sông cạn
Tuy nhiên, qua quá trình vận hành, sử dụng, đã bộc lộ một số bất cập, vướng mắc dẫn đến các công trình bị hư hỏng, nên hoạt động không bảo đảm công suất thiết kế".
Tại xã Hùng Quan, công trình cấp nước sạch hơn 5 tỷ đồng hoàn thành năm 2012, theo thiết kế, sẽ phục vụ cho khoảng 600 hộ của 5 khu dân cư, nhưng thực tế chỉ phục vụ cho khoảng 130 hộ dân thì dừng hoạt động vào cuối tháng 7/2013. Đến hiện tại, hầu hết các thiết bị đều có dấu hiệu bị hư hỏng, han gỉ, xung quanh công trình cỏ mọc hoang.
Nói về việc này, lãnh đạo UBND xã Hùng Quan cho biết: "Nhà máy được thiết kế trong điều kiện nước sông ổn định. Nhưng về sau, nước sông đột nhiên xuống quá thấp đẩy trạm bơm ra xa hàng trăm mét, dẫn tới đường ống bơm không tới, nên bị "treo" và ngừng hoạt động".
Người dân cho rằng nguyên nhân xảy ra tình trạng này là vì nhà máy thủy điện Thác Bà trữ nước và hoạt động của các tàu hút cát, sỏi quá mạnh khiến nước sông xuống thấp.
Trước tình trạng người dân đang "khát" nước sạch, thiết nghĩ, các đơn vị quản lý cần nhanh chóng có phương án để khắc phục tình hình. Cần nhanh chóng cải tạo và khai thác tối đa hiệu quả của các công trình cấp nước, tránh lãng phí và đảm bảo cuộc sống cho người dân.
Văn Hiến