![]() |
Bà Phan Thị Thu Hiền – Vụ Tài chính Ngân hàng, Bộ Tài chính |
Quỹ hưu trí tự nguyện được đánh giá là góp phần chia sẻ gánh nặng với xã hội khi người lao động về hưu và giúp doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm và sự quan tâm thiết thực tới nhân viên. Bằng cách này, doanh nghiệp có thể khiến nhân viên gắn bó lâu dài, tăng hiệu quả hoạt động.
Bên cạnh đó, Quỹ hưu trí còn giữ vai trò nhất định trong thị trường vốn bởi đây là sản phẩm tài chính lâu dài. Thường các kỳ hạn đầu tư từ 10-30 năm. Điều đó có nghĩa là các sản phẩm quỹ hưu trí đang cung cấp cho thị trường vốn những khoản đầu tư dài hạn.
Do đó, tại phiên thảo luận thứ 2 về tính hấp dẫn của Quỹ hưu trí tự nguyện, Ts Cấn Văn Lực đã đưa ra câu hỏi cho bà Phan Thị Thu Hiền là thực trạng phát triển của quỹ, nguyên nhân và giải pháp khắc phục.
Thông tin về việc phát triển Quỹ hưu trí tự nguyện, bà Hiền cho biết, hiện đang có hai sản phẩm là bảo hiểm và quỹ hưu trí tự nguyện. Hai mục tiêu quan trọng là phát triển xã hội và tạo nguồn vốn cho doanh nghiệp.
Về sản phẩm bảo hiểm hưu trí, cả nước có 6 trên 18 doanh nghiệp có sản phẩm này, tổng tài sản đạt 2.677 tỷ đồng. Trung bình, khoảng 500 tỷ đồng một năm đầu tư cho sản phẩm bảo hiểm hưu trí. Về quỹ hưu trí tự nguyện, từ năm 2016 mới có một doanh nghiệp đề xuất cấp phép đủ hoạt động kinh doanh và dự kiến sẽ được cấp phép trong vài tháng tới.
Tuy nhiên, hiện nay nguồn lực tài chính trong cá nhân và doanh nghiệp còn hạn chế nên Quỹ hưu trí phát triển chưa đúng khả năng. Ngoài ra, người dân thường có quen để tiền nhàn rỗi vào ngân hàng thay vì các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ hay quỹ hưu trí...
Lý giải nguyên nhân Quỹ hưu trí kém hấp dẫn, lãnh đạo một công ty quản lý quỹ có vốn đầu tư nước ngoài nhìn nhận, mức đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động tham gia vào quỹ hưu trí tự nguyện được miễn thuế ở mức 3 triệu đồng/người/tháng là quá thấp, không tạo được động lực cho các bên mặn mà tham gia.
Bà Hiền cho rằng, việc phát triển Quỹ hưu trí phụ thuộc vào tâm lý của người dân bởi họ luôn cân nhắc đầu tư kênh nào hiệu quả hơn. Vì vậy, việc phát triển quỹ hưu trí cần có sự phối hợp giữa Chính phủ, các doanh nghiệp. Nếu lãi suất thị trường vốn đi xuống thì lãi suất ngân hàng cũng phải tương ứng. Ngoài sự tham gia của người dân, các doanh nghiệp cũng cần có chính sách để hỗ trợ người lao động.
Ông Phạm Thanh Hà - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, cơ quan này cần đẩy mạnh tuyên truyền về Quỹ hưu trí, các ngân hàng hoạt động theo luật tín dụng, các công ty quỹ lại có quy định khác nhau... nên việc phát triển quỹ hưu trí cũng cần có quy định rõ ràng.
Ngoài ra, bản thân các sản phẩm cũng phải có tính hấp dẫn nhà đầu tư, thị trường thứ cấp cũng cần phát triển tương xứng để khi cần thanh khoản, nhà đầu tư sẽ có kênh uy tín.
Linh Đan