Theo ông Kim Văn Tiêu - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, từ năm 2014 đến tháng 10/2015, Việt Nam có khoảng 25.000 tấn thủy sản bị các nước trả về, liên tiếp nhiều lô hàng thủy sản XK của Việt Nam bị khách hàng phàn nàn về chất lượng.
Chỉ tính trong quý I/2016, đã có khoảng 31 lô hàng thủy sản XK, trong đó 10 lô vi phạm quy định về hóa chất, kháng sinh bị các đối tác như Nhật Bản, Liên minh châu Âu... “tuýt còi”.
Diễn biến phức tạp
Theo Ts. Bùi Quang Tề - Chuyên gia bệnh thủy sản, một số loại kháng sinh được dùng phổ biến trong thú y hiện nay là penixilin, chloroxit, streptomyxin, tetraxylin… gần đây có gentamycin, kanamyxin, các penixilin bán tổng hợp… Đây là những kháng sinh dùng để chữa bệnh, có giá trị rất lớn trong sản xuất, nhưng cũng gây nhiều tác hại cho con người, dẫn đến hiện tượng kháng thuốc hay “nhờn thuốc”.
Kháng sinh phá hoại sự cân bằng sinh học của tập đoàn vi sinh vật đường tiêu hóa (các vi khuẩn mẫn cảm với thuốc bị chết nhanh chóng, tạo điều kiện để vi khuẩn khác phát triển quá độ, từ loại không độc trở lên có độc, gây bệnh).
Do tiêu diệt nhanh chóng vi trùng gây bệnh làm đảo lộn khả năng phòng vệ của cơ thể, rối loạn khả năng sinh sản miễn dịch của cơ thể, làm cho cơ thể dễ bị tái nhiễm hoặc nhiễm bệnh khác khó điều trị hơn, nên sau khi dùng kháng sinh, làm tăng phản ứng quá mẫn của cơ thể.
![]() |
Sử dụng kháng sinh trong nuôi thủy sản ảnh hưởng lớn đến XK thủy sản
Một số kháng sinh có thể gây hậu quả như: Chloramphenicol gây chứng máu chậm đông, thiếu máu do làm giảm sự hấp thu và vận chuyển sắt; B12 trong huyết tương dẫn đến tổn thương tế bào gan và gây độc cho cơ tim; Neomyxin kìm hãm sự hoạt hóa disaccharidaza của ruột, tạo nên tác dụng phụ làm rối loạn hấp thu; Streptomyxin và các aminoglycosid đã làm liệt hô hấp và làm liệt các cơ khác do nó làm giảm sự dẫn truyền kích thích thần kinh; Các aminoglycosid lại làm kéo dài thời gian tái hoá vôi, từ đây rất dễ gây đầu độc cho gan. Ngoài ra một số kháng sinh còn gây cho cơ thể hiện tượng dị ứng.
Đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Bình cho biết qua tìm hiểu thực tế, có hai nguyên nhân chính dẫn đến việc lạm dụng kháng sinh hiện nay, là do người nuôi dùng kháng sinh sai cách, sai mục đích, dùng quá liều, quá nhiều loại, dùng trong thời gian quá dài.
Một số hộ nuôi có tâm lý ăn chắc, sợ rủi ro, sử dụng kháng sinh trong suốt quá trình nuôi để phòng bệnh. Bên cạnh đó, tại nhiều cửa hàng, chủ tiệm, nhân viên thị trường thuốc thủy sản lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân đã đồn thổi, phóng đại tác dụng của kháng sinh, hướng dẫn lạm dụng kháng sinh để trục lợi.
Tăng cường thanh kiểm tra
Theo đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An, tình trạng lạm dụng kháng sinh cũng diễn ra ồ ạt tại Nghệ An. Giai đoạn 2013 - 2015, nghề nuôi tôm trong tỉnh gặp khá nhiều khó khăn, thường xuyên xuất hiện các đợt dịch bệnh, gây nhiều thiệt hại cho người nuôi.
Cùng với dịch bệnh xuất hiện ngày càng nhiều, người nuôi sử dụng nhiều loại thuốc, kháng sinh để phòng trị bệnh. Kết quả kiểm tra, phân tích mẫu của Chi cục Quản lý chất lượng Nông - lâm - thủy sản từ năm 2013 - 2015, trên 145 mẫu phát hiện có 6 mẫu nhiễm một số chỉ tiêu kim loại nặng, 1 mẫu nhiễm kháng sinh cấm Chloramphenicol (năm 2013), một mẫu tôm nuôi nhiễm kháng sinh Oxytetracycline là 165 ppb (năm 2014).
Theo thống kê của Chi cục Nuôi trồng thủy sản trong vụ một năm 2015, cho thấy hầu hết các hộ nuôi tôm đều sử dụng trên hai loại thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học. Từ cuối năm 2015 đến nay: Sau giai đoạn sử dụng thuốc và kháng sinh để phòng trị bệnh hầu như không có hiệu quả, cùng với sự tuyên truyền, chỉ đạo mạnh mẽ của Sở NN&PTNT, việc sử dụng thuốc, kháng sinh trong nuôi tôm của người dân đã giảm hẳn. Sau khi Sở NN&PTNT ban hành Quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng không sử dụng kháng sinh, hạn chế hóa chất (Quyết định số 1509/QĐ-SNN ngày 14/12/2015), vụ một năm 2016 theo khảo sát của Chi cục Nuôi trồng thủy sản, có đến 90% người nuôi không còn sử dụng kháng sinh, có nhiều vùng con số này đạt 100% như Quỳnh Dị, Quỳnh Thanh (Quỳnh Lưu), Diễn Trung (Diễn Châu).
Trước xu hướng các nước NK thủy sản với yêu cầu kiểm tra chất lượng, bảo đảm các tiêu chí về ATTP ngày càng nghiêm ngặt việc quản lý, chống lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi để tăng hiệu quả XK là tất yếu.
Theo các chuyên gia, để hạn chế được tình trạng này, cơ quan chức năng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định pháp luật về lưu thông, phân phối, sử dụng hóa chất, kháng sinh trong sản xuất kinh doanh thủy sản.
Tăng cường thông tin tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh thủy sản, sử dụng thuốc thú y để tránh tồn dư hóa chất, kháng sinh làm ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng. Thường xuyên giám sát Chương trình quản lý chất lượng để đảm bảo biện pháp kiểm soát hóa chất kháng sinh phù hợp khi tiếp nhận nguyên liệu.
Thu Hường