Với công việc chính là chuyên viên tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thủ tục hành chính BHXH huyện Mù Cang Chải, nhưng chị Oanh thường xuyên có những chuyến công tác thực tế để tuyên tuyền về chính sách BHXH tự nguyện, bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình.
Khó mấy cũng làm
Theo chị Oanh, với đặc thù của một huyện vùng cao như Mù Cang Chải, khó khăn lớn nhất không phải khoảng cách về địa lý, vì đường xa cách trở đến mấy, nếu không đi được bằng xe thì leo bộ, chỉ cần bỏ công sức, thời gian là tới. Khó nhất là thuyết phục được đồng bào vào lưới an sinh.
Hơn 90% dân số Mù Cang Chải là người dân tộc thiểu số, hầu hết bà con có nhận thức, hiểu biết về pháp luật, chính sách BHXH, BHYT còn hạn chế, lại bất đồng về ngôn ngữ nên cán bộ BHXH phải kiên nhẫn nói đi nói lại nhiều lần, dùng những hình ảnh minh họa, gần gũi để họ dễ hiểu, dễ nhớ.
Chị Nguyễn Thị Oanh trong một cuộc trò chuyện với người dân về BHXH tự nguyện (Ảnh: BYB). |
Ở miền núi, địa hình chia cắt mạnh, có nơi nhìn bằng mắt rất gần nhưng khi đi thì rất lâu, có thể mất cả ngày trời mới đến nơi. Vì đi lại khó khăn, nhiều người dân phải đi bộ từ sáng sớm, nhưng có khi hết ngày mới tới được cơ quan BHXH huyện.
Nhận thức được những khó khăn mà người dân đang gặp phải, các cán bộ làm công tác BHXH của huyện như chị Oanh luôn tâm niệm phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, không để người dân phải đến lần thứ hai. Theo đó, việc làm ngoài giờ hành chính cũng là chuyện “như cơm bữa”.
"Nhiều khi đã 7-8 giờ tối, nhưng người dân đến, chúng tôi vẫn ra trụ sở để giải quyết công việc, không nề hà. Việc làm đêm, làm ngoài giờ ở BHXH huyện là điều thường xuyên để phù hợp với đặc thù, con người địa phương", chị Oanh chia sẻ.
Linh hoạt, mềm dẻo
Sau nhiều năm gắn bó với công tác BHXH vùng cao, chị Nguyễn Thị Oanh cho hay, đa số đồng bào dân tộc thiểu số ở các địa phương vẫn còn xa lạ với chính sách bảo hiểm, an sinh xã hội. Việc kiếm cơm đủ ăn, mua áo đủ mặc đã là chuyện không dễ, nên việc có lương hưu khi về già bị nhiều người nghĩ là "viển vông".
“Đa số người dân đều cho rằng lương hưu là dành cho cán bộ. Khi được tư vấn, họ mới vỡ ra là có chính sách BHXH tự nguyện dành cho lao động tự do, tham gia BHXH sẽ có lương hưu khi về già, đồng thời được cấp thẻ BHYT miễn phí, lại được Nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng”, chị Oanh tâm sự.
Theo chị Oanh, bí quyết để thuyết phục được các hộ có lao động tự do tham gia vào lưới an sinh là phải biết lựa chọn những người tiềm năng, sắp xếp thời gian hợp lý đến vận động, tuyên truyền trực tiếp tại gia đình. Nội dung truyền thông phải ngắn gọn để người dân dễ hiểu.
Cán bộ tuyên truyền cần phải hiểu rõ về chính sách BHXH, BHYT, thường xuyên cập nhật thông tin liên quan đến những chính sách, quy định mới. Thông qua công tác tuyên truyền làm thay đổi nhận thức, hành động của người dân, từ đó họ chủ động tham gia BHXH, BHYT.
Cần thêm nhiều người "truyền lửa" giúp BHXH tự nguyện tăng độ bao phủ (Ảnh: BYB). |
Cùng với đó, người làm công tác thu (tại trụ sở) phải trách nhiệm, tận tâm, không quản ngại khó khăn, vất vả, gần gũi để xây dựng niềm tin với bà con nhân dân. Song song với đó, phối hợp các đoàn thể địa phương trong công tác tuyên truyền tại cơ sở. Không chỉ lồng ghép tuyên truyền tại các cuộc họp, hội nghị mà còn trực tiếp đến từng hộ vận động, kịp thời giải đáp thắc mắc về chính sách BHXH, BHYT.
Cần sự quan tâm nhiều hơn
Có thể nói, việc phát huy vai trò của các hội, đoàn thể, đặc biệt là những người “truyền lửa” trong phát triển BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình như chị Nguyễn Thị Oanh là rất quan trọng tại các địa phương, đặc biệt là những khu vực vùng sâu, vùng xa, địa hình chia cắt như Mù Cang Chải.
Với đặc thù địa phương có trên 90% là người dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, hạn chế, nhưng trong những năm qua, công tác cải cách thủ tục hành chính ở BHXH huyện Mù Cang Chải luôn nhận được sự quan tâm của BHXH Việt Nam, BHXH tỉnh, cùng với sự nỗ lực của cán bộ, công chức, viên chức nên công tác tiếp nhận, giải quyết hồ sơ theo cơ chế “một cửa” được duy trì tốt, thực hiện thuận lợi, nhanh chóng, kịp thời.
Đáng chú ý, cán bộ, công chức, viên chức BHXH huyện Mù Cang Chải đang tích cực đi cơ sở tuyên truyền, vận động phát triển người tham gia BHXH tự nguyện. Cùng với đó, BHXH huyện Mù Cang Chải đã triển khai đến các đại lý thu trên địa bàn.
Theo đó, các đại lý tích cực phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức các buổi đối thoại tuyên truyền đến từng thôn, bản. Ðối tượng hướng tới là nông dân, người lao động tự do, thành viên không hưởng tiền lương, tiền công làm việc trong HTX, người lao động đã đủ điều kiện về tuổi đời nhưng chưa đủ điều kiện về thời gian đóng để hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về BHXH.
Nhờ tăng cường thực hiện các giải pháp vận động và thu hút, số lượng người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn huyện Mù Cang Chải ngày càng tăng lên. Năm 2018, toàn huyện chỉ có chưa đầy 100 người tham gia BHXH tự nguyện, đến năm 2020 đã tăng lên gần 500 người.
Đến nay, huyện Mù Cang Chải hiện có trên 2.400 người tham gia BHXH bắt buộc, 540 người tham gia BHXH tự nguyện, gần 2.000 người tham gia bảo hiểm thất nghiệp và tỷ lệ bao phủ BHYT đạt gần 99%.
Để tiếp tục phát triển các đối tượng tham gia vào lưới an sinh, thời gian tới, BHXH huyện Mù Cang Chải dự kiến sẽ đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nắm vững và thực hiện tốt các chế độ chính sách mới về BHXH, BHYT; chú trọng tuyên truyền, vận động đối tượng đến hạn tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình và người dân bị giảm thẻ BHYT theo Quyết định 861 nhằm đảm bảo thẻ BHYT được nối tiếp, không ảnh hưởng đến quyền lợi 5 năm.
Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận, huyện Mù Cang Chải vẫn gặp không ít khó khăn trong công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp. Để mở rộng độ bao phủ của lưới an sinh trên địa bàn, mang lại lợi ích bền vững cho người dân, các cơ quan chức năng, địa phương cần có giải pháp thiết thực, tuyên truyền, đồng hành và hỗ trợ tốt hơn.
Mỹ Chí