Khó khăn lớn nhất vẫn là quy định nông dân muốn trở thành tập huấn viên, dạy nghề cho những nông dân khác phải có chứng chỉ sư phạm. Điều đó dẫn đến nghịch lý nhiều người nói được, làm được, nhưng vì không có chứng chỉ nên không được tham gia dạy nghề cho nông dân.
Theo Gs.Ts. Bùi Chí Bửu - Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam, hiện số nông dân đạt trình độ giỏi ở nước ta chỉ chiếm khoảng 10%, trung bình 20%, còn lại là yếu kém. Trong khi đó, kỹ thuật canh tác lại rất tùy tiện. Điều lo nhất là nguồn lao động nông nghiệp qua đào tạo chỉ chiếm 24%, khu vực nông thôn nơi trực tiếp sản xuất lại chỉ có 13%. Đồng bằng sông Hồng tuy là vựa lúa của miền Bắc, nhưng chỉ có gần 20% nông dân biết canh tác lúa đúng kỹ thuật, hơn 80% còn lại là làm theo kinh nghiệm “cha truyền con nối.”
“Cầm tay chỉ việc”: hiệu quả sát thực tiễn
Thời gian qua đã có nhiều chương trình dạy nghề cho nông dân, nhưng hiệu quả dạy nghề ở các cơ sở, trường lớp chưa cao, còn nhiều cản trở, như việc thay đổi thói quen, tập quán sản xuất của người dân là một quá trình lâu dài mà các chương trình chỉ đào tạo trong thời gian ngắn hạn. Nội dung đào tạo chưa theo kịp được nhu cầu của người học. Hình thức và phương thức triển khai đào tạo chưa chưa đáp ứng được yêu cầu. Chưa gắn việc học, thực hành với việc xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất, việc làm.
Đánh giá về mô hình nông dân dạy nông dân, ông Lều Vũ Điều - Phó Chủ tịch thường trực BCH Trung ương Hội nông dân Việt Nam, cho rằng để nâng cao tay nghề cho nông dân, ngoài đào tạo các trường nghề, vai trò nông dân dạy nông dân là rất cần thiết vì nông dân sát với nông dân, nhất nông dân giỏi có kinh nghiệm kiến thức. Việc nông dân dạy nông dân thường thuận ở điểm họ hiểu và bám sát với địa phương nơi mình sinh sống, truyền đạt dễ nghe. Điều này đặc biệt hiệu quả với vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi dân tộc - nơi các giáo viên không nói dược tiếng dân tộc. Nếu đào tạo được những người dân tộc nắm được kiến thức cơ bản để truyền đạt cho nông dân, đặc biệt trong việc “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn người nông dân ở vùng sâu vùng xa tiếp cận với khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất lao động.
Để nâng cao hiệu quả, nhân rộng mô hình nông dân dạy nông dân cần nhiều giải pháp
Vướng ở “chứng chỉ” sư phạm
Khẳng định việc nông dân dạy nghề cho nông dân như một điều tất yếu, ông Nguyễn Ngọc Trìu - nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, cho hay: Xét cho cùng, nông dân Việt Nam phần lớn học nghề từ kinh nghiệm của bố mẹ, họ hàng và cộng đồng của họ. Đó cũng là lý do nghề nông được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nông dân học từ nông dân và nông dân dạy nghề từ nông dân là một câu chuyện bình thường và đã có nhiều nông dân thành công trên con đường này.
Mặc dù mô hình nông dân dạy nông dân bước đầu thu được những thành công nhất định, nhưng vẫn tồn tại nhiều nhân tố, nhiều khó khăn trong quá trình triển khai. Ts. NGND Phạm Thanh Hải - nguyên Hiệu trưởng Trường Cao đẳng NN&PTNT Bắc bộ, cho biết quá trình giảng dạy của các tập huấn viên nông dân còn trắc trở do các cấp chính quyền, các cơ quan chuyên môn còn phân vân chưa tin tưởng các tập huấn viên nông dân. Một số hội viên nông dân có thái độ nghi ngờ, phân vân, dò xét các tập huấn viên nông dân.
Về vấn đề chứng chỉ sư phạm, ông Lều Vũ Điều cho biết đây là một trong những khó khăn lớn nhất trong quá trình phát triển mô hình. Ngoài vướng mắc người nông dân có kinh nghiệm, kiến thức, phương pháp trình bày còn hạn chế, còn vướng ở quy định nhà nước tham gia đào tạo nghề cho nông dân. Nông dân giỏi được các cấp công nhận, các nghệ nhân được tham gia dạy nghề, nhưng theo quy, định những nông dân này phải được đào tạo nghiệp vụ sư phạm, có chứng chỉ sư phạm mới được tham gia giảng dạy nghề cho nông dân.
Thực tế, đã từng có nhiều nông dân nói được, làm được nhưng lại thiếu chứng chỉ. Việc chuyển giao vào kỹ thuật hiện nay chủ yếu vẫn sử dụng lực lượng khuyến nông còn những nông dân đã được các tổ chức quốc tế đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao năng lực là các trưởng nhóm để truyền đạt lại hầu hết mới trong chương trình dự án dù hiệu quả nhưng chưa được mở rộng.
Nhiều ý kiến cho rằng, để nâng cao hiệu quả, nhân rộng mô hình nông dân dạy nông dân cần nhiều giải pháp. Trước hết cần đặt mô hình này trong chiến lược chung về đào tạo nghề cho nông dân. Xây dựng chính sách sử dụng tập huấn viên nông dân, sử dụng chuyển giao KHKT, khuyến nông, lâm, đào tạo nghề cho nông dân theo đề án 1956… Kết hợp nông dân dạy nông dân với các mô hình diễn thuyết của khuyến nông. Kết hợp với các diễn đàn nông dân, các hội thi do các ngành tổ chức.
Thu Hường