Thời gian gần đây, số nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH) gia tăng ở nhiều địa phương. Vừa qua, BHXH TP Hà Nội đã công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng danh sách 150 đơn vị nợ đóng BHXH với số tiền lên tới 55 tỷ đồng.
Nợ BHXH gia tăng
Ngoài danh sách vừa công khai, thống kê của BHXH TP Hà Nội cho thấy, tính đến hết ngày 31/5/2020, toàn thành phố còn 53.083 đơn vị, doanh nghiệp nợ đóng BHXH, tập trung chủ yếu ở khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh.
Kiên quyết xử lý các doanh nghiệp dù không chịu tác động bởi dịch Covid-19 vẫn cố tình chây ỳ đóng BHXH. |
Như vậy, sau nhiều năm nỗ lực kiềm chế, tỷ lệ nợ BHXH trên địa bàn Hà Nội đang tăng trở lại với tổng số tiền nợ phải tính lãi là hơn 1.851 tỷ đồng, tăng hơn 937 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2019.
Theo ông Lê Đình Hùng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội, việc các đơn vị, doanh nghiệp nợ đóng BHXH đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động, nhất là khi không may họ bị ốm đau, tai nạn lao động, mắc bệnh nghề nghiệp…
Không riêng Hà Nội, nhiều địa phương trên cả nước cũng đang có số nợ BHXH tăng. TP HCM hiện có gần 90 nghìn đơn vị sử dụng lao động đang tham gia BHXH, có đến gần 50% trong số đó nợ đọng BHXH từ 1 - 3 tháng.
Theo quy định, sau 1 năm mà doanh nghiệp không chấp hành quyết định xử phạt hành chính thì cơ quan BHXH sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng để xử lý hình sự. TP HCM là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện việc này. Theo đó, TP HCM đã công bố chuyển công an điều tra hơn 70 doanh nghiệp trốn đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Ngoài việc chuyển hồ sơ cho công an, BHXH TP HCM cũng công khai danh sách các doanh nghiệp nợ bảo hiểm hơn 300 triệu đồng trên trang thông tin của đơn vị.
Kiên quyết xử lý doanh nghiệp cố tình trốn đóng
Theo đánh giá của BHXH Việt Nam, nguyên nhân chính khiến tình trạng nợ đóng BHXH gia tăng trở lại là do dịch Covid-19 làm đình trệ hoạt động sản xuất, kinh doanh của không ít doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp không cân đối được nguồn tiền để đóng BHXH cho người lao động.
Mặt khác, một số đơn vị, doanh nghiệp tuy không bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, nhưng cố tình nợ đóng, trốn đóng hoặc đóng BHXH không đúng mức quy định.
Trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương đã triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Nổi bật là giải pháp hỗ trợ tạm dừng đóng Quỹ Hưu trí và tử tuất đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng sâu bởi dịch Covid-19.
Ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, tính đến ngày 31/5, BHXH các tỉnh, thành phố đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị tạm dừng đóng Quỹ Hưu trí và tử tuất của nhiều đơn vị, doanh nghiệp, trong đó có gần 1.200 hồ sơ đã được phê duyệt dừng đóng của hơn 107.000 lao động, với số tiền gần 400 tỷ đồng. Ngoài ra, nhiều đơn vị có biến động về lao động được giãn nợ BHXH.
Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp ít bị tác động, ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, cơ quan BHXH từ trung ương đến các địa phương tiếp tục tuyên truyền, tổ chức đối thoại, tọa đàm với doanh nghiệp và người lao động về thực hiện nghĩa vụ đóng, nộp BHXH. Đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra về việc thực hiện chính sách BHXH, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Tại Hà Nội, ông Vũ Đức Thuật, Phó Giám đốc BHXH TP Hà Nội cho hay, từ nay đến cuối năm 2020, cơ quan BHXH sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng tập trung kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH tại các doanh nghiệp nợ đóng, trốn đóng, phát hiện trường hợp nào vi phạm sẽ chuyển sang cơ quan điều tra đề nghị xử lý.
Trong tháng 7 này, BHXH TP HCM cho biết tiếp tục kiến nghị công an thành phố điều tra, khởi tố thêm hơn 20 doanh nghiệp vi phạm pháp luật các loại bảo hiểm, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Thy Lê