Bà Chúc vốn là công nhân nhà máy, khi chưa có chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện, bà chưa bao giờ nghĩ sẽ có ngày mình được nhận lương hưu khi về già, có cuộc sống thảnh thơi, được chăm lo về đời sống, khám chữa bệnh miễn phí và không lo gánh nặng cho con cái.
Chung một niềm tin
Nhưng rồi ước mơ lại trở thành hiện thực. Bà Chúc cho hay, trong quãng thời gian làm việc chính thức, bà được đóng BHXH bắt buộc trong hơn 17 năm, nghĩa là chưa đủ năm để nhận lương hưu khi hết tuổi lao động. Nhiều người khuyên và bà cũng từng cân nhắc chuyện rút BHXH một lần.
“Nhìn vào số tiền cả trăm triệu khi rút một lần, ban đầu tôi cũng ham, phân vân mãi. Tuy nhiên, khi được cán bộ BHXH tư vấn, phân tích về cái lợi, cái hại, thấu tình đạt lý, tôi quyết định đóng BHXH tự nguyện thêm 2 năm 6 tháng nữa để nhận lương hưu”, bà Chúc chia sẻ.
BHXH tự nguyện là "của để dành" cho người lao động tự do khi về già. |
Nhìn lại quyết định đóng tiếp BHXH tự nguyện thay vì rút BHXH một lần, bà Chúc khẳng định “đó là một trong những quyết định sáng suốt nhất cuộc đời”. Vì tiền thì tiêu bao nhiêu cũng hết, giờ có khoản lương hưu gần 3 triệu đồng/tháng, cuộc sống của bà không giàu có nhưng an nhiên, tự tại.
Cũng giống như bà Chúc, từ khi về hưu đến nay, bà Lưu Thị Mai Hoa ngụ phường 3, TP.Vũng Tàu cảm thấy thảnh thơi với những ngày tháng nghỉ ngơi đúng nghĩa, không phải băn khoăn nhiều về tiền chi tiêu vì hàng tháng đều được nhận lương hưu từ BHXH.
Bà Hoa cho biết lương hưu của hai vợ chồng bà mỗi tháng 10 triệu đồng. Với nhiều người thì không cao, nhưng với vợ chồng bà thì đủ lo cho cuộc sống. “Đến tuổi nghỉ hưu, tôi thiếu 2 năm công tác để nhận lương hưu. Được nhân viên BHXH tư vấn, tôi đã đóng 1 lần số tiền của 2 năm BHXH tự nguyện để nhận lương hưu", bà Hoa cho hay.
Ngoài số tiền lương hưu được hưởng hằng tháng, bà Hoa còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí, với mức hưởng 95% chi phí khám, chữa bệnh. Vừa có lương hưu, vừa có thẻ BHYT, bà an hưởng tuổi già, không phải phiền đến con cháu.
Chắt chiu để có “của để dành”
Không chỉ có những người là công chức, lao động đóng thiếu năm BHXH bắt buộc tự nguyện đóng thêm, mà ở Bà Rịa - Vũng Tàu ngày càng có nhiều lao động tự do tình nguyện tham gia vào lưới an sinh của BHXH tự nguyện với mong muốn có lương hưu khi về già.
Năm nay, ở độ tuổi gần 50, bà Nguyễn Thị Hoa ở phường 4, TP.Vũng Tàu đã từng phải bươn chải đủ nghề từ gia công may tại nhà đến chạy xe ôm với mức thu nhập trên dưới 7 triệu đồng/tháng. Thu nhập bấp bênh, bà lại phải lo cho 2 con ăn học, gánh nặng kinh tế gia đình tạo sức ép lớn.
Bà Rịa - Vũng Tàu đang đẩy mạnh tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện, tăng độ bao phủ lưới an sinh. |
Khó khăn là thế, nhưng kể từ khi được cán bộ BHXH địa phương tuyên truyền về lợi ích của việc tham gia BHXH tự nguyện, bà Hoa vẫn quyết định tham gia BHXH tự nguyện và BHYT với mong muốn có tuổi già an nhàn, không tạo gánh nặng cho con cháu, xã hội.
“Dù cuộc sống còn khó khăn, nhưng tôi chắt chiu dành ra khoản tiền nhỏ mỗi tháng để tham gia BHXH tự nguyện từ đầu năm 2019”. Theo nhẩm tính, khi đóng đủ 20 năm và hết tuổi lao động, tôi sẽ nhận được khoản tiền lương hàng tháng gần 2 triệu đồng, được cấp thẻ BHYT để chăm sóc sức khỏe và một số chế độ đãi ngộ khác”, bà Hoa tính toán.
Hay trường hợp của chị Trần Thị Nhi phường 8, TP.Vũng Tàu đang chọn gói đóng BHXH tự nguyện mức 500 ngàn đồng/tháng. Chị Nhi bộc bạch: “Tôi vừa nghỉ việc ở trường mầm non để kinh doanh nhỏ. Với 7 năm đã đóng BHXH, tôi không rút BHXH một lần mà tiếp tục đóng BHXH tự nguyện. Dự kiến khi đủ 20 năm đóng và hết tuổi lao động, tôi sẽ được nhận lương hưu khoảng 3 triệu đồng/tháng. Với số tiền này, tôi có thể yên tâm vui sống”.
Đẩy mạnh lan tỏa
Ra đời từ năm 2008, BHXH tự nguyện là chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước, do Nhà nước tổ chức thực hiện, bảo hộ, hỗ trợ mức đóng, cấp miễn phí thẻ BHYT không vì lợi nhuận và mục đích duy nhất là vì cuộc sống của người dân.
Theo Luật BHXH năm 2014, công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, không nằm trong nhóm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đều có thể tham gia BHXH tự nguyện.
Khi tham gia BHXH tự nguyện, người tham gia được hưởng các quyền lợi như: hưởng lương hưu hằng tháng khi về già; được cấp thẻ BHYT trong suốt thời gian hưởng lương hưu; được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí khi tham gia; lương hưu được điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng; được lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp thu nhập của bản thân; thân nhân được hưởng chế độ tử tuất...
Người tham gia BHXH tự nguyện có thể lựa chọn mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH phù hợp với điều kiện tài chính của mình. Người tham gia cũng có thể lựa chọn phương thức đóng rất linh hoạt: đóng hằng tháng, hằng quý, sáu tháng, hằng năm hoặc đóng một lần cho nhiều năm.
Theo lãnh đạo BHXH Bà Rịa - Vũng Tàu, những năm qua, để tạo điều kiện tốt nhất cho người dân trên địa bàn tỉnh tham gia vào lưới an sinh, ngành luôn cố gắng sắp xếp, bố trí công việc tinh gọn, đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm giảm thời gian đi lại cho người dân. Việc làm hồ sơ, thủ tục cũng như giải quyết các chế độ, chính sách… hoàn thành trong thời gian nhanh nhất.
Bên cạnh đó, tỉnh còn phát triển thêm mạng lưới đại lý thu BHXH, BHYT để bảo đảm việc thu tới từng nhà; thực hiện thu và trả kết quả cho người dân, tạo được niềm tin cho nhân dân trong việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT.
Tính đến đầu năm 2023, số người tham gia BHXH toàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là 227.557 người, chiếm tỷ lệ 38,62% lực lượng lao động trong độ tuổi (trong đó: 220.368 người tham gia BHXH bắt buộc; 7.189 người tham gia BHXH tự nguyện); 1.056.356 người tham gia BHYT, đạt độ bao phủ 90,90% dân số.
Kết quả thực tế cho thấy, số người chưa tham gia BHXH, BHYT tập trung chủ yếu ở các nhóm người lao động trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhóm lao động tự do. Vì vậy, trong thời gian tới, BHXH tỉnh dự kiến đẩy mạnh nâng cao nhận thức, trách nhiệm và sự vào cuộc của một số cấp ủy, chính quyền để mở rộng mạng lưới an sinh, mang lại lợi ích lâu dài cho người dân.
Sáu Ngạn