Mới chỉ trong đầu tháng 1/2016, vài vụ vận chuyển, tập kết nội tạng động vật bốc mùi đã bị cơ quan chức năng phát giác. Mới đây nhất, ngày 9/1/2016, lực lượng chức năng tỉnh Lào Cai đã bắt giữ hơn 3 tấn lòng lợn ôi thiu, bốc mùi hôi thối.
Có tới 60 thùng xốp chứa 3.180 kg lòng lợn đã phân hủy bị lực lượng chức năng phát hiện tại một điểm tập kết ở km 1, Quốc lộ 70, phường Lào Cai, Tp.Lào Cai. Tuy nhiên, chủ hàng đã bỏ trốn, cơ quan chức năng đã cho tiêu hủy toàn bộ số hàng trên.
Nơi tiêu thụ sản phẩm bẩn
Trước đó, ngày 5/1/2016, Đội tuần tra kiểm soát 6.1 Phòng CSGT, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã phát hiện và bắt giữ gần 1 tấn nội tạng động vật đã bốc mùi hôi thối và sừng động vật hoang dã, được 1 xe ôtô khách chạy tuyến Bắc - Nam chở vào phía Nam tiêu thụ. Theo khai nhận của chủ xe Vũ Văn Tình (sinh năm 1972, trú Diễn Yên, Diễn Châu, Nghệ An), số hàng trên được một người dân ở xã Diễn Bích, (Diễn Châu) thuê chở vào Tp.HCM, giá mỗi thùng hàng 150.000 đồng.
Đây chỉ là bề nổi của “tảng băng chìm” vấn đề thực phẩm bẩn nhập lậu ngày đêm len lỏi đầu độc NTD Việt Nam. Trong khi nhiều nước trên thế giới coi nội tạng (tim, gan, lòng, mề, dạ dày…) là đồ bỏ đi, phế phẩm của động vật không được tiêu dùng, phụ phẩm của gà như chân, lòng mề… không được ưa chuộng, thì người Việt Nam lại rất thích những sản phẩm này. Nội tạng động vật dù sạch, còn hạn sử dụng vẫn được các nhà khoa học khuyến cáo là không nên ăn, bởi chứa độc tố, hàm lượng cholesteron cao, có hại cho sức khỏe người sử dụng.
Những sản phẩm nội tạng ôi thối lâu ngày bị phát hiện dùng hóa chất tẩy trắng, đánh sạch mùi biến thành những mẻ lòng trắng phau, tươi ngon như mới ra lò. Ngay trên địa bàn Hà Nội, lượng nội tạng tiêu thụ tại các nhà hàng, quán ăn, quán lẩu, quán nướng vỉa hè… rất lớn, trong khi nếu so sánh số thịt lợn, thịt gia cầm cung cấp cho các chợ Hà Nội thì không thể đủ nội tạng để đáp ứng.
Các quán cháo lòng, tiết canh, lẩu lòng, các quầy hàng bán lòng, tim, gan ở chợ vẫn “đắt khách như tôm tươi”. Các quán chân gà nướng được tẩm ướp bởi rất nhiều loại gia vị khiến khi nướng lên có mùi thơm nức mũi, làm mềm lòng bao thực khách. Và cứ như thế, NTD thản nhiên nạp chất độc vào người một cách vô tình, hoặc cố ý (có những người biết sản phẩm có nguy cơ mất an toàn cao nhưng vẫn “tặc lưỡi” vì sự hấp dẫn của nó trong khẩu vị).
Không ít người quan tâm nội tạng bẩn được nhập từ đâu, hoạt động kiểm tra chất lượng thực phẩm nhập khẩu diễn ra thế nào, tại sao để bao nhiêu tấn nội tạng thối, phụ phẩm gà quá “đát”, thối hỏng… ngang nhiên nhập vào Việt Nam như vậy?
Ông Đàm Xuân Thành, Cục phó Thú y (Bộ NN&PTNT), khẳng định giữa Việt Nam và Trung Quốc không có chuyện nhập khẩu chính ngạch sản phẩm nội tạng cũng như các sản phẩm từ gia cầm, mà chủ yếu là qua con đường nhập lậu, tiểu ngạch, nên lực lượng chức năng rất khó kiểm soát.
Theo ông Thành, hiện nay, một số vấn đề liên quan đến nghị định xử phạt chưa thực sự mạnh, chưa đủ sức răn đe. Hàng hóa bị bắt, bị tiêu hủy, chủ hàng bị phạt nhưng mức phạt chưa cao.
![]() |
Một vụ vận chuyển nội tạng ôi thiu bị bắt giữ
Bắt hàng, không bắt được người
Trong khi lực lượng chức năng khẳng định sản phẩm thực phẩm nhập khẩu qua đường chính ngạch được kiểm soát chặt về chất lượng trước khi đưa vào thị trường Việt Nam. Vậy còn hình thức tạm nhập tái xuất (TNTX) thì có vấn đề gì?
Băn khoăn này được ông Đàm Xuân Thành lý giải, hàng đông lạnh (chủ yếu là chân gà, các loại nội tạng gia súc, gia cầm…) tạm nhập vào Việt Nam là chính ngạch và xuất đi có kiểm soát của hải quan. Việc kiểm soát lực lượng thú y chủ yếu là các thủ tục tại cảng, không phải lấy mẫu kiểm tra về ATTP.
Chẳng hạn lô hàng TNTX đó chở từ cảng Hải Phòng đi các tỉnh biên giới xuất sang Trung Quốc, nhưng thực sự có xuất đi không, hay là quay ngược lại vào Việt Nam là một vấn đề. Thực tế, đã có những trường hợp, lực lượng công an phát hiện, bắt giữ nhưng lô hàng theo diện TNTX, nhưng không được xuất đi mà quay ngược lại thẩm lậu vào thị trường nội địa.
Các xe container hiện nay được theo dõi do được cài đặt máy định vị, tuy nhiên, cái khó ở đây là hàng hóa được tái xuất sang Trung Quốc rồi, sau khi xong xuôi mọi thủ tục lại về Việt Nam bằng con đường “cửu vạn”. Hàng lậu được chia nhỏ, vận chuyển bởi các “cửu vạn”, qua đường rừng, trong khi lực lượng chức năng mỏng khó có thể kiểm tra được hết đội ngũ này.
Theo ông Đàm Xuân Thành, muốn giải quyết triệt để vấn đề cần, phải tích cực điều tra, lần ra đường dây đầu nậu thì mới xử lý dứt điểm được.
Thu Hường