Sáng 16/1, tại Tọa đàm công bố báo cáo kinh tế vỹ mô quý IV và cả năm 2017, nhiều chuyên gia cho rằng 2018 là một năm đầy hy vọng, nhưng cũng đầy sức ép đối với DN trong nước nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung.
Vì thế, ngoài việc bản thân DN phải biến sức ép thành động lực mới để tìm hướng phát triển, cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan nhà nước, Chính phủ. Có như vậy mới đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà Chính phủ đặt ra.
DN thành lập mới tăng 15,2%
Số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết Chỉ số mức độ thuận lợi trong kinh doanh (EDBI) của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể. Việt Nam đã thăng lên hạng 82 trên tổng số 190 quốc gia và được dự báo sẽ tiếp tục thăng lên hạng 68 trong năm 2018.
Theo VERP, sự cải thiện này đến từ nhiều yếu tố khác nhau, như: Tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng cho DN khi mở rộng phạm vi các loại tài sản có thể đem thế chấp; nâng cấp hệ thống thông quan hàng hóa tự động giúp xuất nhập khẩu trở nên dễ dàng hơn...
Bên cạnh đó, VERP cũng công bố số liệu khảo sát về xu hướng kinh doanh của các DN ngành công nghiệp chế biến chế tạo, do Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT) thực hiện, cho thấy dấu hiệu lạc quan.
Trong số các DN tham gia khảo sát, có 44,8% số DN đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý IV tốt hơn so với quý III. Tỷ lệ này cao hơn so với quý trước (41,5%) và cao hơn so với cùng kỳ năm trước (41,2%). Chỉ có 18,7% số DN cho rằng tình hình sản xuất khó khăn hơn.
Đặc biệt, năm 2017 đánh dấu sự tăng trưởng mạnh của DN thành lập mới và việc làm tạo mới.
Số liệu báo cáo của VERP cho thấy sau tháng 9 ảm đạm với chỉ 8.610 DN thành lập mới, con số này đã tăng mạnh trở lại vào quý IV, với mức trung bình 10.964 DN thành lập mới mỗi tháng.
Tính chung cả năm 2017, cả nước có 126.859 DN thành lập mới, cao hơn 15,2% so với năm 2016, với 1.295,9 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký, tăng 45,4%. Số vốn đăng ký trung bình trên một DN tăng đáng kể, ở mức 26,2% và đạt 10,2 tỷ đồng/DN. Bên cạnh đó, số DN tạm ngừng hoạt động cả năm 2017 là 60.553 DN, giảm 0,2% so với năm 2016.
Quy mô việc làm tạo mới trong quý IV cũng tăng mạnh trở lại từ mức 64.000 người của tháng 9. Trung bình mỗi tháng của quý IV có 91.600 việc làm mới được tạo ra. Tại thời điểm 1/12/2017, số lao động làm việc trong các DN tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2016.
Xét theo thành phần, tăng trưởng lao động ở khu vực nhà nước tiếp tục giảm 0,7%, trong khi ở khu vực FDI ghi nhận mức tăng khá cao là 6,9%. Điều này cho thấy khu vực vốn FDI tiếp tục là đầu tàu cho sự phục hồi sản xuất công nghiệp cũng như xuất khẩu.
![]() |
DN cần một thể chế công khai, minh bạch
DN phải tỉnh táo và nỗ lực
Đánh giá về những con số trên, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng dù số lượng các DN được thành lập mới trong năm 2017 cao, nhưng trong năm nay, DN phải đối mặt với sức ép từ chính sách, thuế, hội nhập… rất lớn, nguy cơ các DN ra khỏi thị trường rất cao.
“Đó là những DN đã có thời gian hoạt động nhất định, có đóng góp cho nền kinh tế. Tuy nhiên, trước sức ép từ hội nhập, môi trường đầu tư kinh doanh vẫn còn tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, đặc biệt sức ép tăng thuế, phí sẽ khiến nhiều DN ra khỏi thị trường”, bà Lan nói.
Lo ngại về dự thảo tăng 5 sắc thuế của Bộ Tài chính sẽ ảnh hưởng mạnh đến cộng đồng DN trong thời gian tới, bà Lan phân tích 2018 là năm hội nhập bản lề với 16 Hiệp định thương mại tự do sẽ có hiệu lực, như thuế nhập khẩu về 0.
Cùng với đó, rất nhiều nguồn hàng từ Trung Quốc, Hàn Quốc ồ ạt về Việt Nam sẽ gây sức ép lớn cho nền sản xuất trong nước. Điều này sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách. Vì thế, Bộ Tài chính đã có sáng kiến điều chỉnh 5 loại thuế.
Tuy nhiên, bà Lan cảnh báo, nếu trong năm nay, đề xuất này có hiệu lực, chắc chắn sẽ là “tiếng chuông” báo động cho nền kinh tế. Các DN phải tỉnh táo và nỗ lực trước sức ép năm 2018.
Đưa ra giải pháp gỡ khó cho cộng đồng DN, chuyên gia kinh tế Trương Đình Tuyển cho rằng việc đầu tiên là cần phải cải thiện môi trường kinh doanh một cách thực chất, trong đó mấu chốt vẫn là cải cách thể chế, thay đổi Luật Đất đai...
Cho rằng trong năm qua Chính phủ rất nỗ lực cải cách thể chế, tuy nhiên, ông Tuyển nói vấn đề thể chế cần phải công khai minh bạch, cần phải có quy chế mới, tận dụng CNTT để minh bạch cho dân biết, dân giám sát.
“Phát triển KH-CN và cách mạnh 4.0 cần có sự chuyển hướng về chính sách, thay vì biếu xén, lợi ích nhóm, chệnh lệch giá, cần phải đầu tư vào KH-CN. Nếu chúng ta không cải cách thể chế, ủng hộ DN trẻ khởi nghiệp sáng tạo, thì sẽ ngày càng nhiều DN trẻ mang tiền sang các nước khác để đầu tư”, ông Tuyển nói.
Thanh Hoa