Theo TS Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng khoa Điều trị các rối loạn liên quan đến lạm dụng chất, Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, trong số các loại ma túy mới xâm nhập Việt Nam loại ma túy tem giấy đang được giới trẻ săn lùng.
Các miếng tem giấy này được tẩm chất LSD - là chất gây ảo giác mạnh nhất từ trước đến nay mà con người biết đến, thuộc nhóm kích thích. Vài chục microgam chất này đã có thể gây ảo giác, hoang tưởng nguy hiểm cho bản thân người dùng và người xung quanh. Người dùng chỉ cần liếm hoặc ngậm hẳn mẩu giấy này trong miệng. 5 phút sau, các ảo giác sẽ xuất hiện. Giá mỗi miếng tem này chỉ khoảng 20.000 đồng.
Loại ma túy mới nguy hiểm đáng sợ tiếp theo là lá Khát. Xuất hiện tại Việt Nam từ tháng 3/2016 nhưng lực lượng chức năng đã tịch thu được đến gần 5 tấn. Lá Khát có chứa thành phần Cathinone, là chất ma túy rất độc hại thuộc Danh mục I. Theo Nghị định 82/2013/NĐ-CP, có tác dụng tương tự như loại ma túy đá Amphetamine. Lá Khát được điều chế thành cathinone khi kết hợp với amphetamine sẽ tạo ra flakka, một loại ma túy tổng hợp được cho là mạnh hơn ma túy 500 lần. PGS.TS Bùi Quang Huy, Chủ nhiệm khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân y 103, cho hay lá Khát chứa 2 chất là Cathine và Cathinone. Đây chính là 2 tiền chất để điều chế ma túy đá.
"Người sử dụng loại lá ma túy này có các biểu hiện như mắt bị mờ, rụng răng, rối loạn tâm thần, trở nên hung hăng bất thường, thường xuyên chìm trong ảo giác”, PGS.TS Bùi Quang Huy thông tin.
![]() |
Tình trạng sử dụng cùng lúc nhiều loại chất gây nghiện gây ngộ độc cấp tính đang gia tăng trong giới trẻ. |
Cỏ Mỹ (K2/SPICE) cũng là loại ma túy mới đang được cảnh báo về độ nguy hiểm. Cách sử dụng cỏ Mỹ cũng giống như lá cần sa là cuốn hút như thuốc rê. Nhưng khi hút cỏ Mỹ không gây mùi khét đặc trưng như cần sa nên khó bị phát hiện hơn. Khi sử dụng, cỏ Mỹ sẽ gây ảo giác mạnh, giãn đồng tử, căng thẳng, kích động cực đoan. Do gây kích thích trên hệ thần kinh mạnh hơn so với cần sa nên cỏ Mỹ được nhiều người ưa chuộng hơn và gây tác hại nặng nề hơn.
Ngoài ra, các loại ma tuý khác đang được giới trẻ ưa thích, săn lùng để thoả mãn là “Nước vui” và ma tuý Trà sữa. “Nước vui” có xuất xứ từ Trung Quốc, thành phần gồm một số ma túy tổng hợp phổ biến hiện nay, trong đó có thành phần Methamphetamine, Ketamine… và tồn tại dưới dạng lỏng, đựng trong các lọ nhỏ khoảng 10-15ml.
Việc sử dụng các loại ma túy “Trà sữa”, “Nước vui” sẽ gây nguy hiểm đối với bản thân người sử dụng. Sau khi sử dụng, trạng thái hưng phấn gây rối loạn nhịp tim dễ dẫn đến trụy tim mạch và đột tử. Mặt khác, kích thích hệ thần kinh trung ương nên thường xuyên tạo trạng thái kích động và căng thẳng, suy sụp, chán chường, lo lắng, trầm cảm hoang tưởng, mất trí nhớ, mất phương hướng, lâu dần sẽ dẫn đến tâm thần.
Chưa kể, tại Việt Nam, đặc biệt ở các thành phố lớn đang rộ lên trào lưu hút Shisha, bóng cười như là một thú vui thời thượng, sành điệu của giới “con nhà giàu” mà không lường được hệ quả do chúng gây ra.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Hiệp hội Ung thư Mỹ, lượng khói hít vào cơ thể khi hút Shisa trong vòng 1 giờ tương đương với khi hút từ 100 - 200 điếu thuốc lá, đồng thời tỷ lệ nicotine ngấm vào cơ thể khi hút Shisha cao hơn thuốc lá 70%.
Còn với bóng cười, hệ luỵ gây ra với người sử dụng cũng không nhỏ. Theo bác sỹ Nguyễn Văn Thủy, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu Cai nghiện, Bệnh viện Châm cứu Trung ương, người sử dụng bóng cười sẽ có cảm giác châm chích ở đầu chi và đi đứng loạng choạng; các rối loạn khí sắc; rối loạn trí nhớ; rối loạn giấc ngủ và các rối loạn nhịp tim và hạ huyết áp; thiếu máu, thiếu B12.
Những năm gần đây, tình trạng sử dụng cùng lúc nhiều loại chất gây nghiện như vừa hút cần sa, vừa sử dụng ma túy đá, thuốc lắc gây ngộ độc cấp tính đang gia tăng trong giới trẻ.
Theo bác sỹ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, nếu trước đây bệnh nhân nhập viện vì ngộ độc do sử dụng ma túy chủ yếu là heroin thì số này hiện đang giảm dần và chuyển sang ma túy tổng hợp. Bên cạnh đó, giới trẻ ngày nay tưởng bóng cười không nguy hại nhưng thực tế lại rất độc, khi hít nhiều gây tổn thương tủy sống. "Hầu như ngày nào, Trung tâm cũng tiếp nhận vài ca đến tiêm giải độc do hít bóng cười", bác sỹ Nguyễn Trung Nguyên cho biết.
Vũ Hồng