Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về ATTP giai đoạn 2011 - 2016 tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, đã chỉ ra các văn bản ban hành nhiều nhưng chưa được hệ thống hóa, gây khó khăn cho việc áp dụng Luật.
Đơn cử, về sản xuất, kinh doanh sữa chế biến dạng lỏng phải áp dụng không dưới 25 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có 6 Luật, 6 Nghị định, 13 thông tư hướng dẫn, liên quan đến 9 thủ tục hành chính, 5 cơ quan quản lý nhà nước, đó là chưa kể đến các lĩnh vực khác như xử lý vi phạm hành chính, quản lý thị trường, môi trường…
DN vẫn khổ vì giấy phép con
ĐBQH Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) lấy ví dụ, với sợi bún, nguyên liệu là bột gạo do Bộ NN&PTNT quản lý, sản phẩm tinh bột thuộc Bộ Công Thương, bún trên thị trường chứa tinopal gây hại thì thuộc Bộ Y tế. Hoặc với chiếc bánh trung thu, nhãn bánh và bao bì do Bộ Công Thương, nhân bánh là trứng thuộc Bộ NN&PTNT, các chất phụ gia thuộc Bộ Y tế.
Các DN cũng đang “kêu trời” vì Nghị định 38 hướng dẫn thực hiện Luật ATTP đang có thủ tục bị coi là trái luật và cản trở hoạt động của DN. Đại diện các Hiệp hội như chè, ca cao, thủy sản, sữa, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) đều đồng loạt đề nghị sớm bỏ quy định này.
Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế VCCI, cho rằng Cục ATTP còn tiếp tục gây khó dễ cho DN bởi hàng loạt các giấy phép con. Đơn cử, trong Luật Quy thuật quy định hồ sơ tiếp nhận hợp quy gồm 6 đầu mục nhưng Cục ATTP thực hiện theo Nghị định 38 lại yêu cầu 8 đầu mục, cộng thêm rất nhiều giấy tờ khác khiến DN phải “đau đầu”.
“Có DN phản ánh sản xuất loại bánh có 12 thứ nguyên liệu thì phải xin 12 giấy phép, thêm giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP cho thành phẩm nữa là 13 giấy phép. Nếu thay đổi một chi tiết nhỏ trong thành phần nguyên liệu dù cùng nhà cung cấp thì vẫn phải làm lại thủ tục, rất tốn kém cho DN”, ông Tuấn dẫn chứng.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho biết thủ tục công bố phù hợp ATTP theo Nghị định 38 mất thời gian 1,5 tháng, nhưng thực tế thời gian kéo dài hơn và nhiều trường hợp lên tới 3-6 tháng.
“Trước phản ánh của DN, Thủ tướng đã yêu cầu rà soát, sửa đổi theo hướng bãi bỏ hoặc đơn giản hóa thủ tục. Song, cho đến nay theo bản dự thảo mới nhất, hai quy định này vẫn được giữ nguyên khiến DN bức xúc”, ông Cung nhấn mạnh.
![]() |
Những “lỗ hổng” trong quản lý ATTP đòi hỏi phải nhanh chóng có giải pháp rà soát và điều chỉnh cho đồng bộ
“Giải vây” cho DN
Ts. Nguyễn Đình Cung khẳng định, ATTP đang là vấn đề nóng, tăng cường sự quản lý của Nhà nước là cần thiết, tuy nhiên, muốn có cách quản lý mới thì phải mạnh dạn bỏ phương pháp quản lý cũ và tiếp thu những cái mới.
Cùng ý kiến, ĐBQH Nguyễn Như So (Bắc Ninh), cho rằng: “Cần sửa đổi hoàn thiện hệ thống pháp luật ATTP theo hướng đơn giản hóa, tránh tình trạng quá nhiều luật sẽ trở nên rối. Cần khắc phục tình trạng luật nhiều nhưng hiểu luật ít, nội dung chồng chéo, mâu thuẫn, gây khó khăn cho cả chủ thể quản lý và đối tượng quản lý”.
Các chuyên gia và Hiệp hội đều đề nghị mạnh tay bãi bỏ và thay thế quy định không phù hợp, gây cản trở sự phát triển, đặc biệt là quy định “công bố phù hợp với quy định an toàn thực phẩm”.
Tuy nhiên, ông Trần Văn Châu – Trưởng phòng Pháp chế Cục ATTP (Bộ Y tế), cho rằng quản lý ATTP là phải dựa trên cơ sở quy chuẩn kỹ thuật tương ứng quy định do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành, quản lý chỉ dựa bằng quy chuẩn kỹ thuật là chưa đầy đủ. Sản phẩm có ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng thì không thể phó thác cho DN tự đặt ra các tiêu chuẩn.
“Ý kiến phản ánh “Công bố phù hợp quy định ATTP tại Nghị định 38” trái luật là không chính xác bởi trong thời gian Nghị định có hiệu lực thì có hàng trăm hàng nghìn sản phẩm đã ra đời, đóng góp cho ngành thực phẩm trong nước và xuất khẩu”, ông Châu nhấn mạnh.
Rõ ràng, vẫn còn “độ vênh” không nhỏ trong quan điểm của nhà quản lý và DN. Do đó, cần nhanh chóng rà soát, điều chỉnh cho đồng bộ. Một phương pháp quản lý chỉ thực sự hiệu quả khi có không còn vướng mắc trong doanh nghiệp, trong người dân và nó mang lại những thuận lợi, minh bạch khi thực hiện.
“ATTP liên quan đến rất nhiều chính sách khác nhau. Chỉ khi Bộ NN&PTNT có được chiến lược đúng đắn cho nền sản xuất nông nghiệp, Bộ Công Thương kiểm soát tốt được việc kinh doanh hóa chất thì ATTP mới được cải thiện nhiều và cải thiện từ gốc”, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (Tp.HCM) nhấn mạnh.
Văn Nguyễn