![]() |
Bà Nguyễn Ngọc Trúc - Giám đốc Công ty CP hạ tầng kỹ thuật VTS trao đổi về quy trình chốt số nước được làm thủ công
Sau khi báo Thời báo Kinh doanh đăng bài: “Công ty CP Hạ tầng kỹ thuật VTS nhân bản hoá đơn nước?”, Tòa soạn lại tiếp tục nhận được thêm nhiều phản ánh của độc giả đang sinh sống tại tổ hợp chung cư HH (Linh Đàm – Hoàng Mai – Hà Nội) về tình trạng hoá đơn tiền nước giống nhau đến bất thường.
Thậm chí, có hộ gia đình còn thống kê sự trùng hợp này có quy trình. Anh Lương Trần chia sẻ: “Nhà mình thì theo chu kỳ tháng 8,9,10 giống nhau, sau đó có sự thay đổi nhưng đến tháng 11,12 và tháng 1 giống nhau. Sang tháng 2, có sự chênh lệch nhưng không nhiều”.
Quy trình được làm thủ công
Thực tế, sau khi thông tin hoá đơn tiền nước có sự giống kỳ lạ được chia sẻ trên mạng xã hội, nhiều gia đình đã kiểm tra lại hoá đơn nhà mình từ trước đó và cũng phát hiện ra sự trùng hợp như vậy.
Trao đổi với phóng viên Thời báo Kinh doanh, bà Trúc cho rằng cư dân lạm dụng mạng xã hội không giao tiếp trực tiếp với công ty, dùng “hội chứng đám đông” để làm ầm ĩ vấn đề lên.
“Công ty không bắt ép cư dân phải nộp tiền ngay, mà có quyền được giải đáp vướng mắc trước khi nộp, đến thời điểm này, chúng tôi chưa nhận được ý kiến của khách hàng về thu chi hoá đơn nói trên. Còn nhân viên thu ngân không thể giải quyết tất cả ý kiến của khách hàng. Ngoài ra, công ty cũng không có thời gian để tiếp nhận thông tin của khách hàng trên mạng xã hội”, bà Trúc nói.
Tìm hiểu về quy trình cung cấp nước sạch, được biết Công ty cổ phần đầu tư Xây dựng và kinh doanh Nước sạch (Viwaco) uỷ quyền cho Công ty CP Hạ tầng kỹ thuật VTS phụ trách việc thu – chi hoá đơn nước của các hộ dân đang sống tại khu vực bán đảo Linh Đàm.
Theo bà Trúc, hiện nay, tất cả quá trình theo dõi và chốt số nước vẫn đang được làm thủ công bằng cách ghi chép vào sổ theo dõi hàng tháng. Sau khi lấy số nước tháng mới trừ đi số nước tháng trước sẽ ra con số cư dân phải trả.
Nếu một hộ gia đình có mức tiêu thụ nước trong 1 tháng lên đến 30 khối lập tức nhân viên công ty sẽ gọi điện cho gia đình đó để kiểm tra lại xem có gì bất thường không.
Vì vậy, bà Trúc khẳng định rằng không có chuyện nhân bản hoá đơn nước. Vị giám đốc này lý giải việc có gia đình hoá đơn tiền nước nhiều tháng giống nhau dù trong quá trình sinh hoạt có sự tăng giảm số người và cũng có những ngày không dùng đến nước là do ngẫu nhiên.
“Có thể tháng họ về quê thì họ rửa rau nhiều, tắm gội lâu hơn tháng trước”, bà giám đốc giải thích.
Dùng “thủ thuật” moi tiền khách hàng?
Liên quan đến phản ánh của khách hàng về việc họ không nhận được thông báo ngày chốt số nước để cùng giám sát, bà Trúc cho rằng trách nhiệm của Ban quản lý toà nhà là phải thông báo với cư dân, còn công ty không liên quan.
Tuy nhiên, trao đổi với ông Nguyễn Hữu Đương – Giám đốc Chi nhánh dịch vụ nhà ở Linh Đàm, ông Đương cho biết: “Cách giải thích của bà Trúc không đúng. Việc cung cấp nước cho cư dân là do thoả thuận giữa công ty và cư dân, nên trách nhiệm thông báo, thu – chi hoá đơn nước thuộc về công ty CP Hạ tầng kỹ thuật VTS”.
Anh H. - một nhân viên tại công ty cung cấp nước sạch trên địa bàn Hà Nội- tiết lộ đây là thủ thuật “ăn” chênh tiền nước của một số công ty. Theo anh H., sẽ có vài tháng khối lượng nước khách hàng phải trả giống nhau, thấp hơn số tiêu thụ thực tế. Tháng sau đó, công ty nước thu dồn chỗ thiếu, như vậy tháng đó, số nước vượt tăng, với cách tính luỹ tiến khách hàng phải trả số tiền chênh lệch cao. Lúc đó, công ty có gọi điện cho khách hàng kiểm tra lại khối lượng nước đã tiêu thụ trong tháng chắc chắn vẫn khớp với số chốt trên hoá đơn.
Lấy ví dụ, nhân viên này nêu, mỗi tháng một khách hàng dùng hết 9 số, nếu thu đủ, khách hàng không phải trả số tiền luỹ tiến từ số thứ 10 trở đi. Tuy nhiên, nếu trong 3 tháng đầu công ty cung cấp nước chỉ thu 5 khối nước, nhưng đến tháng thứ 4 sẽ thu bù chỗ còn thiếu là 15 số cộng với 9 số tháng mới. Như vậy, khách hàng sẽ phải trả 24 khối nước.
Với cách tính luỹ tiến đang áp dụng là 10m3 đầu tiên có giá 6.869 đồng, từ trên 10-20m2 có giá là 8.110 đồng, từ trên 20-30m3 có giá là 9.969 đồng khách hàng phải trả khoản tiền chênh lệch rất lớn.
Thanh Hoa