Theo Bộ Công Thương, hiện 98% người dân đã được sử dụng năng lượng. Nhưng với kịch bản mỗi năm tăng trưởng GDP của Việt Nam là 7%, đến năm 2020, Việt Nam sẽ cần khoảng 250 tỷ kWh điện. 10 năm tiếp theo, con số này sẽ tăng gấp đôi, là 500 tỷ kWh điện.
Phát triển dưới tiềm năng
Để đáp ứng được nhu cầu điện trong năm 2020, chúng ta sẽ cần khoảng 25 nhà máy thủy điện Sơn La nữa mới có thể đáp ứng được nhu cầu về năng lượng. Như vậy, Việt Nam buộc phải đầu tư, sản xuất hoặc nhập khẩu (NK) năng lượng với số tiền khoảng 10 tỷ USD để đáp ứng nhu cầu này.
Do vậy, Bộ Công Thương dự báo, từ nay đến năm 2020, Việt Nam sẽ phải NK khoảng 17 - 20 triệu tấn than để đáp ứng nhu cầu sản xuất điện. Tiết kiệm năng lượng không còn là khuyến nghị, mà là điều bắt buộc đối với Việt Nam trong thời gian tới.
Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều thuận lợi để phát triển nguồn NLTT từ sức gió, năng lượng mặt trời, rác thải… Với gần 3.400 km bờ biển, tiềm năng về năng lượng gió của Việt Nam ước tính khoảng 500 - 1.000 kWh/m2.
Bên cạnh đó, nguồn năng lượng mặt trời với lượng bức xạ nắng trung bình 5 kWh/m2/ngày trên khắp cả nước. Tiềm năng kỹ thuật của thủy điện nhỏ cũng dao động ở mức hơn 4.000 MW/năm.
Song, theo ông Tăng Thế Hùng - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Quy hoạch (Tổng cục Năng lượng), công suất NLTT đang được khai thác đạt khoảng 1.215 MW, chỉ chiếm khoảng 3,4% tiềm năng về NLTT của Việt Nam. Trong đó năng lượng mặt trời mới khai thác được khoảng 3% tiềm năng. Ước tính đến nay cả nước có 77 dự án điện gió, quy mô công nghiệp được đăng ký ở 18 tỉnh thành phố là trên 7.000 MW. Tuy nhiên, hiện chỉ có 3 dự án được triển khai và có điện bán vào hệ thống điện quốc gia với 48,2 MW.
![]() |
Tiềm năng lớn nhưng phát triển NLTT còn gặp nhiều khó khăn
Nhà đầu tư kém mặn mà
Lý giải điều này, Ts. Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, phân tích, để thực hiện thông số phát triển hệ thống năng lượng quốc gia, bài toán đặt ra có tính thách thức cực kỳ cao. Ví dụ như dự báo tăng trưởng GDP, với các kịch bản, tiêu tốn điện năng để sản xuất 1% GDP, ta chưa có dự báo kịch bản nào theo năng lượng/GDP.
“Hoặc tốc độ thải nhiệt điện than như bắt buộc, vẫn còn hàng loạt biến số. Khai thác than cao hơn, cần sản lượng 130 triệu tấn, đào ở đâu, tốn bao nhiêu, công nghệ xử lý than thế nào… đó là hàng loạt vấn đề”, ông Thiên nói.
Theo ông Thiên, NLTT trên nền công nghệ mới đang được triển khai, nhưng giờ chi phí giá thay đổi nhanh, đặt bài toán là giá NLTT, điện gió và mặt trời thế nào trong quãng thời gian 10 năm.
Thực tế hiện nay, hàng loạt ngành công nghiệp tiêu tốn năng lượng. Có vẻ nông nghiệp không tiêu tốn năng lượng, nhưng thực ra chúng ta theo đuổi chiến lược nông nghiệp mà từ góc độ năng lượng là phải thay đổi, vì nông nghiệp đi theo cách quá lạc hậu, nền nông nghiệp chạy theo sản lượng, năng suất chứ không phải theo chuẩn mực thị trường là chất lượng giá cả.
“Mỗi tấn gạo chất lượng cao có thể bán giá bằng 10 tấn gạo chất lượng thấp. Nhưng để sản xuất 10 tấn gạo chất lượng thấp, Việt Nam phải tiêu tốn nhiều hơn các loại nguyên liệu đầu vào như diện tích đất trồng, nước, phân bón, thuốc trừ sâu…”, ông Thiên nói.
Vì vậy, ông Thiên khẳng định, giá điện thấp chỉ kích thích tiêu thụ điện mà không kích thích sản xuất điện. Tại sao chưa thể nào đưa giá điện lên giá cạnh tranh, đó là vấn đề cần phải giải quyết, vì nó gây tắc nghẽn cơ chế.
“Tạo sao hơn 30 năm nỗ lực như vậy nhưng giá điện chưa thể cạnh tranh. Giải quyết từ góc độ thu nhập, chi phí đầu vào cân đối nhiều yếu tố… rõ ràng phải tiếp cận bài toán chiến lược năng lượng từ thị trường, chứ không đơn giản từ thiết kế sản xuất”, ông Thiên nói.
Vì vậy, ông Thiên cho rằng đã đến lúc phân định rõ ràng nhiệm vụ công ích và thị trường giữa năng lượng và điện để phân định rõ ràng.
Ông Đoàn Văn Bình - Viện Khoa học năng lượng, cho rằng nền kinh tế đè nặng lên năng lượng, chỉ biết tăng trưởng 5 - 7% mà chưa ai đặt ngành năng lượng giới hạn nhất định và nền kinh tế lựa chọn thông minh để phát triển tốt nhất. Cần phải đưa ra ràng buộc nhưng ta chưa có giới hạn ràng buộc.
Chiến lược năng lượng tái tạo đến 2020 gần 90 tỷ kWh, tiếp cận theo cách phát triển ngành năng lượng mà nền kinh tế đè xuống thì không thể có năng lượng.
Thy Lê