Tổng cục Thống kê vừa công bố kết quả sơ bộ khảo sát mức sống dân cư năm 2020. Kết quả này được tiến hành trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bao gồm 46.995 hộ đại diện cho toàn quốc, khu vực thành thị, nông thôn, 6 vùng địa lý, tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.
![]() |
Người dân ở Bình Dương có thu nhập cao nhất cả nước với 7 triệu đồng/người/tháng. Trong khi đó, hai đầu tàu kinh tế cả nước là Hà Nội và TP.HCM chỉ lần lượt đạt 5,9 triệu đồng/người/tháng và 6,5 triệu đồng/người/tháng. (Ảnh Int). |
Thu nhập bình quân 1 người 1 tháng chung cả nước năm 2020 theo giá hiện hành đạt khoảng 4,2 triệu đồng, giảm khoảng 2% so với năm 2019. Bình quân mỗi năm trong thời kỳ 2016-2020, thu nhập bình quân đầu người 1 tháng chung cả nước tăng 8,1%.
Trong đó, thu nhập bình quân 1 người 1 tháng năm 2020 ở khu vực thành thị đạt 5,5 triệu đồng, cao gấp gần 1,6 lần khu vực nông thôn (3,4 triệu đồng).
Nhóm hộ giàu nhất (nhóm gồm 20% dân số giàu nhất - nhóm 5) có thu nhập bình quân 1 người 1 tháng năm 2020 đạt 9,1 triệu đồng cao gấp hơn 8 lần so với nhóm hộ nghèo nhất (nhóm gồm 20% dân số nghèo nhất - nhóm 1), với mức thu nhập đạt 1,13 triệu đồng.
Vùng có thu nhập bình quân đầu người cao nhất là vùng Đông Nam Bộ (6 triệu đồng 1 người 1 tháng), cao gấp 2,2 lần vùng có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất là vùng Trung du và miền núi phía Bắc (2,7 triệu đồng 1 người 1 tháng).
Theo số liệu về thu nhập đầu người bình quân theo tháng của năm 2020 ở các địa phương trên cả nước được Tổng cục Thống kê công bố, hiện người dân tỉnh Bình Dương có thu nhập cao nhất với 7 triệu đồng/người/tháng. Trong khi đó, hai đầu tàu kinh tế cả nước là Hà Nội và TP.HCM chỉ lần lượt đạt 5,9 triệu đồng/người/tháng và 6,5 triệu đồng/người/tháng.
Người dân ba tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Sơn La đứng cuối bảng thu nhập bình quân thấp nhất cả nước với mức bình quân thu nhập lần lượt là 1,7 triệu đồng, 1,9 triệu đồng và 1,74 triệu đồng/người/tháng.
Ở các thành phố trực thuộc trung ương khác như Đà Nẵng, Hải Phòng, người dân có chung mức thu nhập hơn 5,2 triệu đồng/người/tháng và TP. Cần Thơ là 5 triệu đồng/người/tháng.
Tổng cục Thống kê cũng cho biết năm 2020 chi tiêu bình quân hộ gia đình cả nước là 2,89 triệu đồng/người/tháng, tăng 13% so với 2018. Năm 2020 là một năm người dân bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, có thể thấy rằng chi tiêu năm này tăng chậm hơn so với thời kỳ trước (chi tiêu bình quân năm 2018 tăng 18% so với 2016). Các hộ gia đình thành thị có mức chi tiêu bình quân đầu người/tháng xấp xỉ 3,8 triệu đồng trong khi các hộ nông thôn chỉ ở mức 2,4 triệu đồng, chênh lệch giữa hai khu vực là 1,6 lần.
Vùng Đông Nam Bộ luôn đứng đầu cả nước với mức chi tiêu hộ gia đình cao nhất (xấp xỉ 3,9 triệu đồng/người/tháng). Vùng Trung du miền núi phía Bắc có mức chi thấp nhất (tương đương 2,1 triệu đồng/người/tháng). Ngoài ra, mức tăng chi tiêu bình quân đầu người một tháng ở vùng Trung du miền núi phía Bắc năm 2020 chỉ tăng 5% so với 2018, trong khi vùng Đông Nam Bộ tăng tới 17,3% so với năm 2018.
Sự bất bình đẳng trong chi tiêu bình quân đầu người một tháng quan sát được giữa nhóm giàu nhất và nhóm nghèo nhất, lên tới 3,5 lần năm 2020, với chi bình quân đầu người một tháng ở các hộ nhóm 5 xấp xỉ 4,8 triệu đồng/người/tháng so với gần 1,4 triệu đồng/người/tháng ở các hộ thuộc nhóm 1.
Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, năm 2020, tình hình kinh tế - xã hội nước ta diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 gặp không ít khó khăn, thách thức do vừa phải chống dịch vừa phải đảm bảo phát triển kinh tế xã hội. Mặc dù thu nhập của dân cư có giảm so với năm 2019 nhưng tỷ lệ hộ nghèo vẫn giảm do Chính phủ thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội.
"Tuy nhiên, mức sống vẫn có sự cách biệt giữa thành thị và nông thôn, giữa nhóm dân cư giàu và nghèo, giữa các vùng. Đây là vấn đề đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách phải tiếp tục quan tâm giải quyết", Tổng cục Thống kê đánh giá.
Lê Thúy