Theo báo cáo thống kê của Bộ Y tế, trong quý I/2016, cả nước có 8 vụ NĐTP tại BĂTT làm 281 người mắc, 150 người đi viện và không có tử vong. So với năm 2015, số vụ giảm 20% (2 vụ), số mắc giảm 43,7% (361 người), số đi viện giảm 58,5% (470 người), không có tử vong.
Không bảo đảm vệ sinh
Tuy nhiên, bước sang tháng 4/2016, một số vụ NĐTP tại BĂTT lại gây thêm lo lắng cho dư luận.
Ngày 21/4, hơn 300 công nhân của 3 công ty: Lisheng, Xinren và Sung Ju (thuộc KCN Minh Hưng - Hàn Quốc, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) bị NĐTP phải nhập viện điều trị, do ăn phải thức ăn của BĂTT của 3 công ty này. Trước đó ít ngày, hàng nghìn công nhân công ty TNHH Youngor Smart Shirts Việt Nam (KCN Mỹ Trung, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định) đã hoảng hốt khi phát hiện có dòi bò ra từ suất ăn trưa tại nhà máy. Thực đơn bữa ăn đó gồm: cơm, thịt kho dừa, tép và rau. Nhiều công nhân khẳng định nhìn thấy dòi bò từ món thịt kho dừa và tép trong khẩu phần ăn của mình.
Có thể nói, vấn đề NĐTP tại các BĂTT chưa bao giờ hết nóng. Theo báo cáo của Bộ Y tế, năm 2014, các đoàn thanh tra, kiểm tra của Trung ương và địa phương đã tiến hành kiểm tra 119.024 cơ sở BĂTT (chiếm 72,1% trên tổng số cơ sở có trên địa bàn toàn quốc), đã phát hiện 29.327 cơ sở vi phạm (24,6%), tiến hành xử lý 6.261 cơ sở (17,9%), phạt hành chính 2.393 cơ sở với số tiền 3,38 tỷ đồng.
Ngoài ra, các đoàn còn tiến hành phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả: đình chỉ hoạt động 56 cơ sở; tiêu hủy sản phẩm của 620 cơ sở với 562 loại sản phẩm bị tiêu hủy; chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng để xử lý 13 trường hợp. Các vi phạm chủ yếu về xác nhận kiến thức ATTP (20,8%), vệ sinh phòng ăn, khu chế biến thức ăn, nhà ăn, phòng ăn không đạt (8,9%), ATTP đối với trang thiết bị, dụng cụ chứa đựng thực phẩm (8,7%), sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt trong các bếp, nhà hàng (3,8%). Ngoài ra một số BĂTT thực hiện lưu mẫu không đúng quy định (3,6%), vi phạm về điều kiện bảo đảm ATTP trong quá trình bảo quản, vi phạm về Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện…
Năm 2015, chỉ tính riêng vụ NĐTP tại các BĂTT đã xảy ra hơn 30 vụ nghiêm trọng, làm trên 3.000 người phải nhập viện. Trong đó, có tới 70% vụ NĐTP ở BĂTT do cơ sở cung cấp thức ăn không bảo đảm an toàn vệ sinh, nguồn thực phẩm kém chất lượng, còn lại hơn 30% nguyên nhân là do điều kiện vệ sinh bếp ăn tại chỗ.
Suất ăn giá rẻ tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngộ độc cho NLĐ
Giám sát chặt việc thực hiện
Có nhiều nguyên nhân khiến tình trạng NĐTP tại các BĂTT diễn ra bao năm qua vẫn chưa được giải quyết. Mặc dù các văn bản pháp luật đã quy định rất rõ về điều kiện bảo đảm ATTP tại các BĂTT của KCN-KCX với những quy định tương đối chặt chẽ về nguồn gốc thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm, nước, phụ gia… hay quy định về thủ tục hành chính, như các bếp ăn muốn cung cấp suất ăn cho công nhân phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, trong số các vụ NĐTP, có tới 70% thức ăn trong các KCN-KCX được các DN cung cấp thức ăn từ bên ngoài mang vào. Điều này cũng đồng nghĩa với việc kiểm soát điều kiện đảm bảo ATTP tại các cơ sở này khó khăn hơn. Chẳng hạn vụ NĐTP tại Bình Phước cho thấy cả 3 DN đều đặt thực đơn cho công nhân tại một cơ sở, trong khi cơ sở này chưa có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Bên cạnh đó, khẩu phần ăn của công nhân còn quá thấp, chất lượng thực phẩm và điều kiện chế biến chưa bảo đảm, khiến nguy cơ ngộ độc rất cao.
Theo Ts. Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục ATTP, tại nhiều địa phương, bữa ăn cung cấp cho công nhân chỉ khoảng 9.000 đồng/người/bữa, trừ đi lợi nhuận của nhà cung cấp khoảng 1.000 đồng/người/bữa, thì giá trị thực của bữa cơm chỉ khoảng 8.000 đồng. Đây là nguyên nhân gây nguy cơ NĐTP rất cao.
Cùng với nguy cơ ngộ độc cao, việc giá trị xuất ăn quá thấp không bảo đảm dinh dương cho công nhân trong việc tái tạo sức lao động. Theo một khảo sát của Viện Dinh dưỡng Quốc gia về khẩu phần ăn dành cho công nhân lao động, cho thấy bữa cơm công nhân lao động chỉ có khoảng 12% protein, 16% chất béo, còn lại 72% là chất bột. Với mức này, năng lượng khẩu phần và các chất dinh dưỡng đều không bảo đảm. Mức độ đạt được so với nhu cầu đề nghị về năng lượng khẩu phần và các chất dinh dưỡng đều chưa đạt chuẩn (là 2.300 Kcal/ngày/người). Cả nước hiện có gần 260 KCN-KCX, trong đó, có DN có gần 10.000 công nhân lao động, chủ yếu là thanh niên - những người đang ở độ tuổi sinh sản. Chất lượng bữa ăn không tốt không những ảnh hưởng đến năng suất lao động, sức khỏe bản thân, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến giống nòi.
Theo các chuyên gia, để giải quyết tình trạng NĐTT như hiện nay, cần quy định rõ về mức calo tối thiểu cho một khẩu phần ăn cho công nhân, từ đó, giám sát chặt việc thực hiện, tăng giá trị khẩu phần ăn cho mỗi công nhân. Bên cạnh đó, cần tăng cường thanh tra kiểm tra giám sát, không để tồn tại tình trạng cơ sở không có Ggiấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh hay hết hạn Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh ngang nhiên ký kết với DN đưa thức ăn vào KCN-KCX. Bổ sung quy định khi phê duyệt nhà máy phải dành ra quỹ đất xây BĂTT tại chỗ. Tăng cường thông tin tuyên truyền phổ biến kiến thức, quy định của pháp luật về ATTP, phòng chống NĐTP tại BĂTT…
Thu Hường